Điểm tin y tế tuần 16

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Đề án tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm Y học

Ngày 27/02/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016 – 2025.

Nâng cao chất lượng xét nghiệm y học để bảo đảm kết quả xét nghiệm chính xác, kịp thời, chuẩn hóa, làm cơ sở cho việc liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở y tế có thực hiện xét nghiệm, nhằm giảm phiền hà, chi phí cho người bệnh, tiết kiệm nguồn lực của xã hội, đồng thời hội nhập mạng lưới kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm trong khu vực và thế giới.

Việc liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm dựa trên tiêu chí đánh giá mức chất lượng xét nghiệm của các phòng xét nghiệm, không phân biệt cơ sở y tế nhà nước, cơ sở y tế tư nhân, bảo đảm thực hiện lộ trình sau: Chậm nhất đến năm 2018 liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I và tương đương; Chậm nhất đến năm 2020 liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm có cùng mức chất lượng xét nghiệm trong phạm vi quản lý thuộc mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Đến năm 2025 liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm trên phạm vi toàn quốc.

2. Công văn phòng chống dịch do vi rút Zika

Ngày 06/4/2016, Văn phòng Chính phủ ban hành công văn số 2414/VPCP-KGVX về việc phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika.

Xét kiến nghị của Bộ Y tế theo báo cáo số 279/BC-BYT ngày 28/3/2016 của Bộ Y tế về tình hình dịch bệnh do vi rút Zika và cập nhật các hoạt động phòng, chống đến ngày 24/3/2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam có ý kiến như sau:

Bộ Y tế triển khai, đôn đốc các Bộ, ngành, các cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 1632/CĐ-TTg ngày 11/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ; ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Công văn số 1060/VPCP-KGVX ngày 19/02/2016 của Văn phòng Chính phủ.

3. Danh mục các dịch vụ kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh được xếp tương đương về kỹ thuật và chi phí thực hiện

Ngày 08/3/2016, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 803/QĐ-BYT về việc ban hành danh mục các dịch vụ kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh được xếp tương đương về kỹ thuật và chi phí thực hiện (đợt 1).

Quyết định này bao gồm các dịch vụ kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh được xếp là tương đương giữa các danh mục ban hành kèm theo các Thông tư: Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày 11/12//2013 của Bộ Y tế quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Thông tư số 50/2014/TT-BYT ngày 31/02/2014 của Bộ Y tế quy định phân loại phẫu thuật, thủ thuật và định mức nhân lực trong từng ca phẫu thuật, thủ thuật; Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của liên Bộ Tài chính, Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.

4. Hướng dẫn triển khai Nghị định số04/2015/NĐ-CP của Chính phủ

Ngày 12/4/2016, Bộ Nội vụ ban hành Kế hoạch số 1601/KH-BNV về việc triển khai Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; Thông tư số 01/2016/TT-BNV ngày 13/01/2016 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 04/2015/NĐ-CP.

Các bộ, ngành, địa phương triển khai kịp thời, hiệu quả các nội dung về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng quy định tại Nghị định số 04/2015/NĐ-CP Thông tư số 01/2016/TT-BNV và các văn bản có liên quan; Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện các quy định về dân chủ trong nội bộ cơ quan, đơn vị và dân chủ trong quan hệ, giải quyết công việc với công dân, cơ quan, tổ chức có liên quan; Bảo đảm việc thực hiện dân chủ tại cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đúng quy định, thiết thực, tránh hình thức; thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo định kỳ.

TIN Y TẾ NỔI BẬT

1. Vi rút Zika gây ra chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh

Theo thông tin từ Cục Y tế Dự Phòng - Bộ Y tế, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (USCDC) đã khẳng định vi rút Zika gây ra chứng đầu nhỏ cũng như một số biến chứng nghiêm trọng khác về não ở trẻ sơ sinh. Trước những nguy cơ nghiêm trọng của vi rút Zika đối với cộng đồng và hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, các quốc gia đang có sự lưu hành vi rút Zika cần triển khai tích cực các hành động cụ thể để bảo vệ cộng đồng.

Theo khuyến cáo của WHO giảm nguy cơ bị muỗi đốt là biện pháp hiệu quả nhất để phòng lây nhiễm vi rút Zika. Các quốc gia bị ảnh hưởng phải nâng cao các nỗ lực kiểm soát véc tơ truyền bệnh cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng về các biện pháp tự bảo vệ, không để bị muỗi đốt, loại trừ muỗi và bọ gậy.

2. WHO phê chuẩn vắc xin sốt suất huyết đầu tiên

Ngày 15/4/2016, WHO chính thức phê chuẩn vắc xin Dengvaxia phòng bệnh sốt xuất huyết đầu tiên trên thế giới. Dengvaxia có hiệu quả đạt 70% ở những người đã phơi nhiễm với vi rút gây bệnh sốt xuất huyết và ngăn chặn bệnh diễn biến trầm trọng đạt 90-95%. Vắc xin được tiêm ba mũi trong một năm cho những người từ 9 tuổi trở lên có phơi nhiễm với vi rút sốt xuất huyết trước đó. Không tiêm vắc xin cho những người, từ nơi này đến nơi khác trong thời gian ngắn.

Hiện nay, có 4 quốc gia đã được cấp phép sản xuất loại vắc xin này gồm Mexico, Brazil, El Salvador và Philippines.

3. Bệnh nhân tử vong do ung thư tăng cao ở Việt Nam

Theo WHO, mỗi năm có 14 triệu ca mắc mới và 8,2 triệu ca tử vong do ung thư. Trong đó 70% tử vong xẩy ra ở những nước có thu nhập thấp và trung bình. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 150.000 người mắc và trên 75.000 người tử vong. Gánh nặng bệnh tật do các bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam chiếm 74,3%, trong đó ung thư là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu.

Theo thống kê năm 2000, tổng số ca mắc ung thư ở nam giới trong cả nước khoảng 36.000 ca đã tăng lên gần 72.000 ca năm 2010. Dự báo đến năm 2020 tăng lên 106.000 ca ung thư ở nam giới. Bệnh cũng có xu hướng tăng lên đối với nữ giới với khoảng 32.7000 ca mắc năm 2000, tăng lên trên 54.000 ca năm 2010 và dự báo đến 2020 sẽ có khoảng 83.000 ca ung thư ở nữ giới. Một số bệnh có xu hướng tăng lên đối với nữ như: ung thư vú, đại trực tràng, phổi, cổ tử cung, dạ dày, tuyến giáp, gan, buồng trứng, hạch, máu.

Bệnh ung thư thực sự đang trở thành thảm họa sức khỏe thầm lặng, việc phát hiện bệnh sớm điều trị càng hiệu quả và giảm chi phí.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,