Điểm tin y tế tuần 16

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức y tế thế giới

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, ngày 10/04/2017 tại Bộ Y tế, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế đã có buổi tiếp và làm việc với TS. Margaret Chan, Tổng Giám đốc Tổ chức y tế thế giới (WHO); cùng tiếp có đại diện lãnh đạo một số vụ, cục trực thuộc Bộ Y tế; TS. Shin Young-Soo, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO và ông Lokky Wai, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã phát biểu cảm ơn WHO, đồng thời cũng nêu một số điểm nổi bật của Ngành Y tế Việt Nam trong thời gian vừa qua, đó là thành tựu trong lĩnh vực ghép tạng, nội soi, tế bào gốc, y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại làm tốt. Tuy nhiên, ở vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn, ứng dụng CNTT kết nối với các cơ sở khám chữa bệnh còn hạn chế. Trong thời gian tới, Việt Nam cần tăng cường đổi mới y tế cơ sở, đặc biệt ở tuyến xã, thành lập phòng khám bác sĩ gia đình ở thành thị, ở nông thôn phát triển trạm y tế. Bộ trưởng bày tỏ mong muốn WHO giúp đỡ Bộ Y tế triển khai gói dịch vụ y tế cơ bản để BHYT chi trả. Hiện nay Việt Nam đang đổi mới y tế toàn diện, trong đó có phương thức chi trả theo giá dịch vụ y tế cơ bản. Những thách thức đối với Việt Nam hiện nay là kết nối tất cả cơ sở khám chữa bệnh, cơ quan bảo hiểm xã hội, chi trả, những thách thức lớn như già hoá dân số, bệnh không lây, bệnh mới nổi. Hiện nay, Việt Nam đang ở giai đoạn dân số vàng, tốc độ già hóa dân số thuộc diện nhanh nhất châu Á và thế giới, đặt ra những thách thức về dân số và phát triển. Sắp tới, Việt Nam sẽ trình Quốc hội nhằm tăng cường phát triển y tế toàn diện, tập trung vào y tế cơ sở, đặc biệt là tuyến xã, chăm sóc sức khoẻ ban đầu theo y học gia đình. Thành lập các phòng khám, phát triển mạnh các trạm y tế ở nông thôn, đào tạo nhân lực, đưa ra các gói dịch vụ y tế cơ bản...

TS. Margaret Chan cho rằng: Y tế Việt Nam cần chú trọng chăm sóc sức khỏe ban đầu để đảm bảo cơ chế “gác cổng” cho hệ thống y tế, góp phần giải quyết các các bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây, nâng cao tuổi thọ người dân, đồng thời giảm gánh nặng cho hệ thống y tế và giảm nguy cơ vỡ quỹ BHYT. Đồng thời cũng nên có cơ chế tiếp cận đa ngành cho vấn đề nêu trên. Chẳng hạn như, khi vấn đề giao thông được giải quyết tốt, hạn chế tai nạn giao thông, cũng chính là nâng cao sức khỏe người dân và tiết kiệm được ngân sách BHYT. Trong nông nghiệp, một khi vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được quản lý tốt, cũng là ngăn chặn bệnh và giảm chi phí cho y tế. Chính vì vậy mà cần tiếp cận một cách toàn diện để giải quyết vấn đề này. TS. Margaret Chan cũng cho rằng cơ chế quản lý tốt và đầu tư vào hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu, trong đó có hệ thống bác sĩ gia đình và sự nhập cuộc của y tế tư nhân...

Phát biều kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến mong muốn tiếp tục hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới trong nhiều lĩnh vực kỹ thuật, chuyên môn của y tế, từng bước hiện đại và hoàn chỉnh, hướng tới công bằng, hiệu quả và phát triển ...,. Y tế Việt Nam mong muốn WHO hỗ trợ (đặc biệt là hỗ trợ kỹ thuật) cho Bộ Y tế đảm nhiệm thành công vai trò thành viên của Hội đồng Chấp hành WHO nhiệm kỳ 2016-2019 và các vai trò quốc tế khác đồng thời ủng hộ và tạo điều kiện tiếp nhận các ứng viên là người Việt Nam vào làm việc tại WHO và các tổ chức Liên Hợp Quốc có liên quan.

2. Phụ nữ mang gien bệnh máu khó đông

Theo Trung tâm Truyền thông – Giáo dục Sức khỏe Trung ương, ngày 15/4/2017, tại Hà Nội, Hội Rối loạn đông máu Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức Hội nghị bệnh nhân và Chương trình “Thắp sáng ngọn đèn nhân ái” hướng tới kỷ niệm Ngày Hemophilia Thế giới 17/4/2017.

Theo ước tính tại Việt Nam có khoảng 30.000 người phụ nữ mang gien bệnh Hemophilia (bệnh máu khó đông) và hàng ngàn phụ nữ đang chịu ảnh hưởng của các rối loạn chảy máu khác nhau. Rối loạn chảy máu không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe, đe dọa tới tính mạng của người bệnh mà còn mang lại gánh nặng về kinh tế cho gia đình và những hệ lụy khác về mặt xã hội. Theo khảo sát, tại Việt Nam hiện nay vẫn xảy ra tình trạng những người mẹ có con bị bệnh máu khó đông đang phải chịu nhiều sức ép hoặc bị tổn thương từ gia đình bởi họ là người phụ nữ mang gien bệnh. Đó có thể là bạo lực thể xác hay bạo lực tinh thần từ phía gia đình chồng khi họ sinh ra những người con bị bệnh do di truyền từ mẹ. Mặc dù công tác chăm sóc, điều trị rối loạn chảy máu nói chung và Hemophilia nói riêng tại Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc,nhưng thực tế hiện nay việc chẩn đoán người mang gien và tư vấn sàng lọc trước sinh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trên cả nước chỉ có một số ít cơ sở có thể thực hiện công tác phát hiện người mang gien và tư vấn, chẩn đoán trước sinh nhằm ngăn chặn sự phát triển của gien bệnh.

Trong thời gian tới, Hội Rối loạn đông máu Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động tư vấn, đào tạo nhằm nâng cao hiểu biết về bệnh; tăng cường hoạt động của các nhóm đồng đẳng tạo sự hiểu biết và hỗ trợ tốt nhất cho người bệnh và người mang gien bệnh; tiếp tục đẩy mạnh việc điều trị và tư vấn người mang gien và chẩn đoán di truyền nhằm hạn chế sự lây lan của nguồn gien bệnh.

3. Chiến lược dược liệu

Theo báo Pháp luật, ngày 14/4/2017, “Phát triển dược liệu trong nước phải là một chiến lược của ngành y tế”, đây là một trong những yêu cầu mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tại Hội nghị toàn quốc của Chính phủ về phát triển dược liệu Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội.

Theo WHO, trên 80% dân số thế giới sử dụng y học cổ truyền, đặc biệt là sử dụng các sản phẩm từ dược liệu, kể cả các nước phát triển. Đất nước Việt Nam là đất nước của dược liệu. Từ năm 1962 - 1965, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Đỗ Tất Lợi - một nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng, “cây đại thụ” của nền y học cổ truyền Việt Nam đã biên soạn sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”. Quyển sách này được đánh giá rất cao trong giới chuyên môn trong và ngoài nước, được coi là một công trình khoa học lớn về cây thuốc ở Việt Nam và Đông Nam Á. Trước ông, thành công của các danh y Tuệ Tĩnh, Hải thượng Lãn ông gắn liền với dược liệu.

Tại hội nghị nói trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện Việt Nam chỉ còn 206 loài cây dược liệu có thể khai thác tự nhiên (trong khi có trên 5.000 loài cây dược liệu và nấm có thể dùng làm thuốc đã được tìm thấy). Hàng chục năm qua các thương lái từ “nước lạ” vẫn luồn lách khắp hang cùng, ngõ hẻm mua bán đến cạn kiệt nhiều loại dược liệu đặc hữu. Đối với những loại dược liệu còn tìm thấy, Việt Nam cũng chưa phát huy được ưu điểm của các loài cây dược liệu đã có, như sâm Ngọc Linh có hàm lượng hoạt chất cao hơn nhân sâm Triều Tiên nhưng hầu hết dùng để... ngâm rượu và hầu như chưa đầu tư nuôi trồng, nghiên cứu, phát triển thương mại được nhiều. Cây thông đỏ Lâm Đồng có hàm lượng hoạt chất chữa ung thư cao nhất thế giới nhưng chúng vẫn chưa sản xuất được loại thuốc sử dụng hoạt chất này, trong khi thế giới đã làm được từ năm 1994.

Vấn đề hiện nay là triển khai chiến lược này như thế nào? Đây là trách nhiệm của Chính phủ, của ngành Dược liệu Việt Nam, của các nhà khoa học dược liệu. Tuy nhiên, chiến lược thành công chỉ khi dược liệu trở thành giá trị thương mại, giá trị nhân văn trong phòng, chữa bệnh. Hãy biết nhân lên những doanh nghiệp tâm huyết với dược liệu Việt Nam và có những thành công âm thầm như Traphaco. Không phải không có những nhà sản xuất dược liệu trong nước, kể cả liên doanh khác chú ý điều này, bởi đó là nhu cầu tất yếu của thị trường. Tuy nhiên, không thể thành công nếu tiếp tục manh mún, tầm nhìn ngắn hạn!

4. Gần 90% trẻ mắc ho gà chưa tiêm phòng

Theo báo Dân trí, tại Hội nghị khoa học điều dưỡng Nhi khoa toàn quốc lần thứ 13 diễn ra tại BV Nhi Trung ương ngày 12/4/2017, nghiên cứu khoa học của tập thể khoa Truyền nhiễm cho thấy, tỉ lệ mắc ho gà ở trẻ em liên quan chặt chẽ tới tiêm ngừa vắc xin. Theo đó, trong 226 bệnh nhi được chẩn đoán ho gà tại viện, trẻ mắc bệnh nhỏ tuổi nhất là 7 ngày, lớn nhất là 80 tháng (có tiêm phòng 3 mũi cơ bản nhưng chưa được tiêm nhắc lại). Đối tượng bệnh nhân chủ yếu ở trẻ em dưới 6 tháng tuổi, trong đó nhóm trẻ dưới 2 tháng tuổi chiếm tỷ lệ 37%. Tỷ lệ trẻ chưa được tiêm phòng bệnh ho gà cao, chiếm tỷ lệ gần 90%, trong đó có 88% trẻ đến tuổi tiêm phòng nhưng chưa được tiêm.

Về tình hình dịch ho gà những tháng đầu năm 2017, thống kê của Cục Y tế Dự phòng cho biết có 55 trường hợp mắc bệnh ho gà, trong đó chủ yếu là trẻ nhỏ. Đáng lưu ý, có 5 trường hợp trẻ tử vong vì bệnh ho gà trong tổng số 55 ca mắc bệnh. Tỷ lệ trẻ tử vong cao trong tổng số ca mắc bệnh ho gà là vấn đề đáng lưu tâm để các bậc phụ huynh phòng bệnh cho trẻ nhỏ.

THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. WHO: Gần 2 tỉ người vẫn đang uống nước bẩn

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), ngày 13/4/2017, công bố báo cáo cảnh báo gần 2 tỉ người trên thế giới vẫn đang sử dụng nguồn nước nhiễm chất thải và cho biết cần có những cải thiện đáng kể trong việc đảm bảo nguồn cung nước sạch và vệ sinh.

Bà Maria Neira, cho biết người sử dụng nguồn nước uống bị nhiễm chất thải có nguy cơ cao mắc các bệnh như tả, kiết lị, thương hàn và bại liệt. Nước uống bị ô nhiễm ước tính gây ra hơn 500.000 ca tử vong mỗi năm và là nguyên nhân chính dẫn đến một số bệnh nhiệt đới bị lãng quên như giun đường ruột, bệnh sán máng và đau mắt hột. WHO kêu gọi các khoản đầu tư lớn hơn để cung cấp khả năng tiếp cận nguồn cung nước sạch của người dân trên toàn cầu. Năm 2015, Đại hội đồng Liên hiệp quốc (LHQ) đã thông qua các mục tiêu phát triển bền vững, với một loạt mục tiêu hướng đến xóa đói giảm nghèo và tăng cường phúc lợi, trong đó có cam kết đảm bảo việc tiếp cận nguồn nước sạch và vệ sinh an toàn trên toàn cầu trước năm 2030.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,