Điểm tin y tế tuần 15

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm

Ngày 30/3/2016, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Chương trình phối hợp số 90/CTrPH/CP-CTUBTWMTTQVN về việc vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 – 2020.

Tổ chức vận động toàn xã hội, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, từng hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, tạo chuyển biến căn bản trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở hình thành nếp sống văn hóa: Nông dân Việt Nam là người sản xuất thực phẩm an toàn, người Việt Nam tiêu dùng thực phẩm phải an toàn, góp phần đảm bảo sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, nâng cao uy tín quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế; Tạo dư luận xã hội mạnh mẽ cổ vũ, biểu dương và tổ chức nhân rộng các điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, đồng thời kiên quyết phê phán và xử lý theo quy định của pháp luật hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn; Thông qua thực hiện Chương trình phối hợp này đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, quy định pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Các Bộ, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước trên lĩnh vực được phân công trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt nhiệm vụ trong Chương trình phối hợp này. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.

2. Hướng dẫn tạm thời chăm sóc phụ nữ mang thai trong bối cảnh dịch bệnh do vi rút Zika

Ngày 05/4/2016, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1223/QĐ-BYT về việc ban hành hướng dẫn tạm thời chăm sóc phụ nữ mang thai trong bối cảnh dịch bệnh do vi rút Zika.

Những phụ nữ có đủ các yếu tố sau đây nên được xét nghiệm phát hiện vi rút Zika: Mang thai trong 3 tháng đầu; Đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch; hoặc chồng/bạn tình có xét nghiệm vi rút Zika (+); Có dấu hiệu sốt hoặc phát ban, và có ít nhất một trong số các triệu chứng sau: đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt.

Những phụ nữ mang thai cần đi khám ít nhất 4 lần trong cả thai kỳ, trong đó thời điểm khám lần đầu cần được thực hiện càng sớm càng tốt ở giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ. Với những phụ nữ mang thai đã xét nghiệm có kết quả dương tính với vi rút Zika nhưng khi siêu âm không thấy dấu hiệu nghi ngờ đầu nhỏ và/hoặc bất thường về não: Tiếp tục theo dõi, chăm sóc thai theo quy định; Hẹn siêu âm lại sau mỗi tháng. Khi siêu âm có dấu hiệu nghi ngờ đầu nhỏ và/hoặc bất thường về não: Cần chuyển đến cơ sở có khả năng chẩn đoán trước sinh để chẩn đoán xác định đầu nhỏ; cân nhắc tiến hành chọc ối hoặc các thăm dò khác để sàng lọc các dị tật bẩm sinh; Nếu chẩn đoán xác định có chứng đầu nhỏ, thực hiện thêm các thăm dò khác để hỗ trợ chẩn đoán nguyên nhân và phát hiện các dị tật khác. Cung cấp đầy đủ thông tin và tư vấn cho người phụ nữ mang thai và người nhà để gia đình tự quyết định.

Đối với phụ nữ mang thai chưa được xét nghiệm hoặc kết quả xét nghiệm âm tính vi rút Zika căn cứ vào kết quả siêu âm để xử trí phù hợp. Cán bộ y tế cần truyền thông, tư vấn cho phụ nữ mang thai và gia đình về các biện pháp diệt muỗi, bảo vệ cá nhân để tránh muỗi đốt và phòng lây nhiễm Zika qua đường tình dục, đặc biệt là ở những vùng có xuất hiện ca bệnh, các thành phố lớn, du lịch phát triển mạnh, nơi có tỷ lệ sốt xuất huyết cao, mật độ muỗi lớn.

TIN Y TẾ NỔI BẬT

1. Việt Nam phát hiện hai bệnh nhânnhiễm vi rút Zika

Ngày 05/4/2016 Bộ Y tế công bố 2 trường hợp nhiễm vi rút Zika đầu tiên tại Việt Nam. Bệnh nhân đầu tiên là nữ, 64 tuổi trú tại Phước Hòa, Nha Trang. Bệnh nhân khởi phát với triệu chứng sốt nhẹ, đau đầu, nổi ban và đau mắt đỏ kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút Zika, bệnh nhân này không có tiền sử đi vào vùng dịch. Bệnh nhân thứ 2 là nữ 33 tuổi ở Quận 2, TP. Hồ Chí Minh đang mang thai 8 tuần. Bệnh khởi phát với triệu chứng tương tự gồm sốt phát ban, viêm kết mạc, mệt mỏi. Bệnh nhân này có chồng đang làm việc tại Maylaysia về Việt Nam trước đó 14 ngày, người chồng không có biểu hiện bệnh; con gái 2 tuổi trước 01 tuần bị sốt nhưng kết quả xét nghiệm bị sốt xuất huyết. Kết quả giám sát các hộ gia đình xung quanh nhà bệnh nhân chưa phát hiện trường hợp nào khác nhiễm vi rút Zika.

Bộ Y tế cũng đã nâng mức cảnh báo và triển khai các biện pháp chống dịch, đẩy mạnh giám sát để phát hiện sớm trường hợp nhiễm bệnh. Bộ cũng đề nghị các tỉnh đặc biệt quan tâm vấn đề diệt loăng quăng bọ gậy, phòng muỗi đốt, phun hóa chất diệt muỗi tránh lây ra cộng đồng. Đây là biện pháp hiệu quả nhất hiện nay để phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika.

2. TP. Hồ Chí Minh công bố dịch bệnh do vi rút Zika quy mô xã, phường

Ngày 08/4/2016, TP. Hồ Chí Minh đã chính thức công bố dịch bệnh do vi rút Zika quy mô xã, phường trên địa bàn. UBND Thành phố yêu cầu Giám đốc Sở Y tế, chủ tịch UBND các quận, huyện có trách nhiệm phối hợp với các Sở, Ngành liên quan thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch do vi rút Zika theo đúng quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Đồng thời, quản lý, giám sát và theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến dịch bệnh do vi rút Zika, tiếp tục tăng cường công tác vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng tại các khu dân cư và hộ gia đình; không để phát sinh các ổ dịch mới. Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch UBND Thành phố và Bộ Y tế về các biện pháp và kết quả phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika trên địa bàn.

Trước đó, ngày 05/4/2016, UBND tỉnh Khánh Hòa đã họp công bố dịch do vi rút Zika ở quy mô xã, phường tại tỉnh này.

Ban Biên tập website Viện