Điểm tin y tế tuần 14

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)

Ngày 16/3/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2016/NĐ-CP về việc quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, vốn đối ứng của phía Việt Nam.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 02/5/2016 và thay thế Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.

2. Quy định về quản lý chất thải y tế

Ngày 31/12/2015, Liên Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên - Môi trường ban hành Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT quy định về quản lý chất thải y tế. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động liên quan đến chất thải y tế trên lãnh thổ Việt Nam.

Thông tư hướng dẫn phân loại chất thải y tế (chất thải lây nhiễm; chất thải nguy hại không lây nhiễm; chất thải y tế thông thường được phép thu gom phục vụ mục đích tái chế và chất thải nguy hại); Phân loại; Xử lý chất thải y tế nguy hại; Quản lý nước thải y tế; Chế độ báo cáo chất thải y tế; Lập hồ sơ quản lý chất thải y tế; Trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở y tế (phân công 01 lãnh đạo phụ trách về công tác quản lý chất thải y tế và 01 khoa, phòng hoặc cán bộ chuyên trách về công tác quản lý chất thải y tế của cơ sở; lập và ghi đầy đủ thông tin vào sổ giao nhận chất thải y tế nguy hại; bố trí đủ kinh phí, nhân lực hoặc ký hợp đồng với đơn vị bên ngoài để thực hiện việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế; tổ chức truyền thông, phổ biến pháp luật về quản lý chất thải y tế cho tất cả cán bộ, viên chức, hợp đồng và các đối tượng liên quan; hằng năm, tổ chức đào tạo về quản lý chất thải y tế cho công chức, viên chức, người lao động của đơn vị và các đối tượng có liên quan; báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế theo quy định).

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2016.

TIN Y TẾ NỔI BẬT

1. Thông tin mới về công tác phòng chống dịch bệnh vi rút Zika

Theo WHO, đến ngày 31/3/2016 đã có 61 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo có sự lưu hành hoặc lây truyền vi rút Zika. Dịch bệnh lưu hành tại các nước khu vực Nam Mỹ và Caribe như: Brazil, Colombia, Panama, Cabo Verde…Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng đã có nhiều nước ghi nhận sự lưu hành của vi rút như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia, Lào, Campuchia… muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết lưu hành phổ biến tại các địa phương cũng là loại muỗi truyền bệnh do vi rút Zika. Hiện nay, tại 5 nước đã có bằng chứng cho thấy vi rút Zika có thể lây truyền qua đường tình dục như Argentina, Pháp, Italia, New Zealand và Mỹ.

Tại Việt Nam, theo kết quả xét nghiệm gần 800 mẫu bệnh phẩm tại 32 Tỉnh, thành phố chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm vi rút Zika. Nhưng nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam và lây lan tại cộng đồng là hoàn toàn có thể do nước ta có sự giao thương, đi lại, du lịch với các quốc gia đang có dịch. Bệnh nhân nhiễm vi rút Zika 80% lại không có biểu hiện triệu chứng nên khó phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch. Người dân trong cộng đồng chưa có miễn dịch và chưa tự giác, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống muỗi đốt, diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy nên nếu vi rút Zika xâm nhập vào nước ta dễ lây lan trên diện rộng.

Để chủ động phòng chống dịch, Bộ Y tế đã triển khai nhiều biện pháp như: phát động chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng tại các địa phương; tăng cường giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, đáp ứng phòng chống dịch, đặc biệt tại các địa phương có nguy cơ cao, các cửa khẩu; giám sát các trường hợp bị chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh thông qua hệ thống sản nhi; tập huấn chuyên môn phòng chống dịch bệnh cho cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện và xã; phối hợp, chia sẻ thông tin với WHO, USCDC và các cơ quan đầu mối quốc gia các nước về tình hình dịch bệnh; bố trí các đội thường trực cơ động, sẵn sàng cấp cứu, xử lý ổ dịch khi có yêu cầu; triển khai các hoạt động truyền thông đa dạng về phòng chống vi rút Zika; dự trữ sinh phẩm, hoá chất xét nghiệm vi rút Zika…

2. Bệnh thủy đậu trong 3 tháng đầu năm 2016

Theo Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế, trong 3 tháng đầu năm số ca mắc thủy đậu trong cả nước là 4000 trường hợp. Bệnh thường xảy ra vào mùa đông xuân, cần chăm sóc riêng nếu có bệnh để phòng lây lan và theo dõi để phát hiện biến chứng.

Triệu chứng của bệnh mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp, dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt bọng nước. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước.

Để chủ động phòng bệnh Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:

Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan; Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ lúc khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý; Vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường; Tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.

3. Thu hồi kháng sinh và vắc xin kém chất lượng

Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đã Quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi toàn bộ lô thuốc viên nang cứng Cadicefpo 200 (Cefpodoxime 200mg), số lô: 080915, NSX: 9-10-2015, HD: 9-10-2018, SĐK: VD-13350-10 trên phạm vi toàn quốc do không bảo đảm chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan. Cùng với đó, Cục Quản lý Dược cũng quyết định đình chỉ lưu hành trên toàn quốc vắc xin ngừa dại Lyssavac N số lô Ro 107, HSD: tháng 4-2017; số lô: RO 114, HSD: tháng 6-2017; số lô: RO 117, HSD: tháng 6-2017.

Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty nhập khẩu và nhập khẩu ủy thác phải gửi thông báo thu hồi tới tất cả các cơ sở sử dụng vắc xin, tiến hành thu hồi toàn bộ lô vắc xin còn lại. Đồng thời, báo cáo về Bộ Y tế số lượng vắc xin Lyssavac N đã nhập khẩu, mua bán và sử dụng.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,