ĐIỂM TIN Y TẾ TUẦN 11

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán BHYT năm 2019

Ngày 7/3/2019, Bộ Y tế ban hành Kế hoạch số 227/KH-BYT về việc triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán BHYT năm 2019 với mục tiêu tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả tin học hóa trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh BHYT nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về KBCB BHYT, góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, bảo đảm công khai và minh bạch trong quản lý và giám định chi phí KBCB BHYT.

Đính kèm Kế hoạch số 227/KH-BYT.

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Sự kiện “Những bệnh nhân HIV/AIDS đầu tiên điều trị bằng thuốc ARV từ nguồn Bảo hiểm y tế”

Sáng ngày 08/03/2019 tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp cùng cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án Hỗ trợ Kỹ thuật Hướng tới Chương trình Phòng, chống HIV/AIDS bền vững ( SHIF) tổ chức Sự kiện “Những bệnh nhân HIV/AIDS đầu tiên điều trị bằng thuốc ARV từ nguồn Bảo hiểm y tế (BHYT)”.

Trong nhiều năm qua, điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV chủ yếu dựa vào các nguồn viện trợ quốc tế (đặc biệt là viện trợ của Chính phủ Mỹ thông qua PEPFAR và viện trợ của Quỹ Toàn cầu). Hiện nay, nguồn thuốc ARV viện trợ đã bị cắt giảm, đặc biệt là nguồn thuốc của PEPFAR. Để đảm bảo tính bền vững của điều trị HIV/AIDS, Chính phủ Việt Nam đã chủ trương sử dụng nguồn BHYT để thanh toán thuốc kháng vi rút ARV cho người nhiễm HIV.

Từ ngày 08/3/2019, Việt Nam sẽ từng bước mở rộng điều trị ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS thông qua BHYT; phấn đấu đến cuối năm 2019 sẽ có trên 40.000 bệnh nhân được nhận thuốc ARV qua BHYT và tiếp tục tăng nhanh trong năm 2020 và những năm sau.

2. Dịch Sởi vẫn đang tiếp tục gia tăng và lan rộng

Trong năm 2018 và đầu năm 2019, tình hình dịch sởi diễn biến phức tạp, gia tăng tại nhiều quốc gia, trong đó xảy ra ở một số nước đã công bố loại trừ bệnh sởi. Đặc biệt tại Philippines trong năm 2019 đã ghi nhận 12.736 trường hợp mắc sởi và 203 trường hợp tử vong. Tại Việt Nam, bệnh sởi bắt đầu gia tăng từ tháng 10 năm 2018, tính đến nay ghi nhận 18.078 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 2.924 trường hợp mắc sởi dương tính được xác định tại 56 tỉnh, thành phố, hiện số mắc vẫn chưa có xu hướng giảm.

Để chủ động ngăn chặn không để dịch bệnh sởi lan rộng, bùng phát mạnh, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì chỉ đạo tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp huy động lực lượng phối hợp với y tế địa phương thống kê đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng (tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng chiến dịch) để triển khai tiêm đủ mũi vaccine phòng sởi cho trẻ đạt tỷ lệ ít nhất 95% theo quy mô xã, phường.

Tăng cường giám sát, kiểm soát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh trên địa bàn. Tổ chức cách ly, khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch, ngăn chặn không để dịch bệnh lan rộng. Triển khai có hiệu quả tiêm chủng thường xuyên cho trẻ 9 tháng và 18 tháng tuổi, đặc biệt thực hiện chiến dịch tiêm chủng phòng chống dịch sởi.

TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Tổng kết tình hình sốt rét toàn cầu năm 2018

Theo báo cáo sốt rét toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số quốc gia có dưới 100 ca mắc sốt rét nội địa - một chỉ số quan trọng để loại trừ sốt rét - đã tăng từ 15 trong năm 2010 lên 26 quốc gia vào năm 2017

Số ca mắc và tử vong tập trung nhiều ở vùng cận Sahara châu Phi. Riêng mười quốc gia châu Phi và Ấn Độ chiếm khoảng 70% gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Trong 10 quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bệnh sốt rét, ước tính có thêm 3,5 triệu trường hợp mắc bệnh trong năm.

Sáu quốc gia trong tiểu vùng sông Mekong gồm Campuchia, Trung Quốc (tỉnh Vân Nam), Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam đã có xu hướng giảm đáng kể trong giai đoạn 2012-2017 (số ca mắc giảm 75%, tử vong giảm 93%). Tuy nhiên, một số tỉnh trong tiểu vùng đã có sự gia tăng đột biến trong năm 2018, nguyên nhân có thể từ việc dự trữ thuốc chống sốt rét, việc trì hoãn tung ra thuốc điều trị sốt rét do P. vivax, tỉ lệ người dân sử dụng màng chống muỗi thấp và số lượng người dân di chuyển vào các khu vực sốt rét lưu hành nặng còn nhiều.

Toàn cầu hiện có 36 quốc gia và vùng lãnh thổ được WHO công nhận đã loại trừ sốt rét, gần đây nhất là Uzbekistan.

Ban Biên tập website Viện