Điểm tin y tế tuần 10

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Tín dụng đối với học sinh, sinh viên Y khoa sau khi đã tốt nghiệp

Ngày 02/03/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 09/2016/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên y khoa sau khi đã tốt nghiệp, trong thời gian thực hành tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được cấp chứng chỉ hành nghề.

Quyết định này quy định chính sách tín dụng hỗ trợ cho học sinh, sinh viên Y khoa sau khi đã tốt nghiệp, trong thời gian thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được cấp chứng chỉ hành nghề theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2016.

2. Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sốt rét

Ngày 02/03/2016, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định số 741/QĐ-BYT về việc Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sốt rét.

Trong giai đoạn phòng chống bệnh sốt rét: Giám sát thường xuyên: Giám sát trường hợp bệnh, ký sinh trùng, muỗi truyền bệnh, giám sát biện pháp phòng chống véc tơ, các yếu tố liên quan đến lan truyền, các hoạt động phòng chống bệnh sốt rét và giám sát trọng điểm bệnh sốt rét. Phòng chống chủ động và xử lý ổ bệnh sốt rét, xử lý dịch sốt rét.

Trong loại trừ bệnh sốt rét: Giám sát trường hợp bệnh, ổ bệnh, ký sinh trùng, muỗi truyền bệnh sốt rét; Thống kê, báo cáo; Biểu mẫu báo cáo. Giám sát chặt chẽ các trường hợp nghi ngờ, trường hợp bệnh, ổ bệnh; Điều trị triệt để tất cả các trường hợp bệnh sốt rét xác định; Xử lý ổ dịch; Xây dựng cơ sở dữ liệu về các hoạt động loại trừ sốt rét; Truyền thông giáo dục sức khỏe phòng chống sốt rét cho các hộ gia đình trong thôn, xã.

Phòng ngừa sốt rét quay trở lại sau khi loại trừ: Giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh sốt rét nhập cảnh từ các quốc gia đang lưu hành bệnh sốt rét để xử lý kịp thời; Duy trì các hoạt động giám sát thường xuyên tại tất cả các địa phương và ngắt đường lây truyền; Trường hợp xuất hiện ổ bệnh sẽ được can thiệp như giai đoạn loại trừ sốt rét; Duy trì giám sát trọng điểm quốc gia; Truyền thông giáo dục sức khỏe. Những người di du lịch, làm việc đến các vùng sốt rét lưu hành cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống sốt rét; Dự trữ các cơ số thuốc điều trị sốt rét, hóa chất diệt muỗi, vật tư phòng chống sốt rét.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành và thay thế Quyết định số 2442/1997/QĐ/BYT ngày 22/11/1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Qui định giám sát dịch tễ sốt rét”.

3. Bộ Y tế triển khai tinh giản biên chế

Ngày 20/11/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế và Thông tư số 01/2015/TTLT-BNV-BTC ngày 14/4/2015 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP. Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch số 28/KH-BYT ngày 14/01/2016 về thực hiện tinh giản biên chế các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.

Bộ Y tế đã yêu cầu từng Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 6 năm từ 2016-2021 và từng năm, trong đó phải xác định tỷ lệ tinh giản tối thiểu là 10% biên chế đã được giao. Mỗi cơ quan, đơn vị thuộc Bộ chỉ tuyển dụng 50% số giảm biên chế và giảm do nghỉ hưu, thôi việc. Bộ Y tế cũng khuyến khích các đơn vị sự nghiệp thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính trong việc thực hiện nhiệm vụ và thay thế nguồn trả lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước cấp bằng việc trả lương tư nguồn thu sự nghiệp.

Tinh giản biên chế không phải là cắt đi mà là sắp xếp lại cho hợp lý để phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân một cách tốt nhất.

4. Luật Kế toán

Ngày 20/11/2015, Quốc hội ban hành Luật số 88/2015/QH13 về Luật kế toán

Luật kế toán quy định về nhiệm vụ, yêu cầu, nguyên tắc, chuẩn mực kế toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đối tượng, đơn vị tính, chữ viết tắt và chữ số sử dụng trong kế toán, kỳ kế toán, các hành vi bị nghiêm cấm, giá trị của tài liệu, số liệu kế toán, trách nhiệm quản lý, sử dụng, cung cấp thông tin, tài liệu kế toán; Nội dung công tác kế toán; Tổ chức bộ máy kế toán và người làm kế toán; Hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán; Quản lý nhà nước về kế toán.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017.

TIN Y TẾ NỔI BẬT

1. Bộ Y tế phát động chiến dịch người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết

Ngày 05/3/2016, Bộ Y tế phối hợp với UBND. TP HCM phát động chiến dịch Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết. Tham dự buổi lễ có sự tham gia của Bộ trưởng, Thứ trưởng Long cùng đại diện đơn vị y tế của 30 tỉnh thành phía Nam và miền Trung Tây Nguyên.

Trong chiến dịch này, Bộ Y tế kêu gọi vận động người dân tham gia diệt muỗi, lăng quăng bằng các hình thức thả cá bảy màu, vệ sinh các dụng cụ chứa nước, thu dọn các vật phế thải và các hốc tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng (chai, lọ, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ…); phát tờ rơi phòng chống bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết cho người dân và cho hành khách nhập cảnh từ vùng dịch qua Sân bay Tân Sơn Nhất; phát kem bôi chống muỗi đốt. Đồng thời cũng đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông để tạo ra phong trào toàn dân cùng diệt muỗi, diệt lăng loăng.

2. Phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu

Theo thống kê, từ năm 2011 tới nay cả nước có 610 ca nhiễm viêm não mô cầu. Từ đầu năm tới nay, cả nước đã có 06 ca nhiễm viêm não mô cầu, trong đó một trường hợp tử vong. Mùa Đông Xuân là thời điểm dịch viêm màng não do mô cầu thường gia tăng. Đây là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningtidis gây nên. Bệnh viêm màng não do mô cầu lây qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh. Bệnh dễ gây thành dịch lớn và có số ca nhiễm bệnh và tử vong cao.

Để phòng bệnh viêm não do não mô cầu, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt vệ sinh cá nhân như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Chủ động tiêm phòng vắcxin phòng bệnh cho trẻ, vắc xin được tiêm tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.

Hiện nay, vắc xin Meningococcal BC được chỉ định tiêm nhằm tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu cho trẻ từ tháng tuổi thứ ba và các đối tượng sống trong vùng dịch hay phải di đến vùng dịch. Vắc xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu Meningo AC tiêm khi trẻ được 2 tuổi và người lớn sau đó 3 năm tiêm nhắc lại một lần.

Khi người dân có những biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Ban Biên tập website Viện