Điểm tin y tế tuần 10

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Y tế Việt Nam - Đổi mới hướng tới sự hài lòng của người bệnh

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ y tế, tối 27/2/2017, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội), Bộ Y tế đã tổ chức lễ kỷ niệm 62 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 / 27-2-2017) với chủ đề “Y tế Việt Nam - Đổi mới hướng tới sự hài lòng của người bệnh” và tôn vinh 134 thầy thuốc được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, 6 cá nhân thuộc ngành y tế được phong tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”. Tham dự buổi lễ có đồng chí: Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế; các đại biểu đại diện các Bộ/Ban/Ngành, các cơ quan Trung ương và Hà Nội; các đồng chí Lãnh đạo đương nhiệm và tiền nhiệm của Bộ Y tế qua các thời kỳ; đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; 134 thầy thuốc nhân dân; đại diện Lãnh đạo các Vụ/Cục/Viện, Bệnh viện thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh; cùng các cơ quan truyền hình thông tấn Trung ương và Hà Nội đã về dự và đưa tin cho buổi lễ.

Phát biểu khai mạc tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Với quan điểm "Đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế Việt Nam theo hướng Công bằng - Hiệu quả - Phát triển" trong thời gian qua ngành y tế không ngừng được củng cố, mở rộng, phát triển và đổi mới toàn diện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận và tiếp nhận các dịch vụ y tế có chất lượng, chủ động phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh ngay tại cộng đồng; quyết liệt đổi mới thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh; xây dựng cơ sở y tế Xanh – Sạch – Đẹp tại các bệnh viện đã được người dân đồng tình ủng hộ; các công trình y tế từng bước được xây mới, nâng cấp và hoàn thiện đưa vào sử dụng hiệu quả giúp giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; hệ thống các bệnh viện tuyến cơ sở ngày càng được củng cố, phát triển; nhiều kỹ thuật chuyên môn cao đã được thực hiện thành công tại nhiều bệnh viện trung ương như ghép tạng, nội soi, phẫu thật robot; chuyển giao một số kỹ thuật cho bệnh viện tuyến tỉnh, huyện...

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới toàn thể cán bộ, nhân viên, viên chức ngành y tế nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2), đồng thời ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực, đóng góp thầm lặng nhưng vô cùng to lớn của toàn bộ thầy thuốc, cán bộ ngành y tế trong những năm qua. Chủ tịch nước nhấn mạnh: “...Sức khỏe là vốn quý nhất của con người và của toàn xã hội, là nền tảng cơ bản nhất để mỗi người sống, làm việc, cống hiến, tạo ra cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nhân dân có khỏe mạnh thì đất nước mới cường thịnh, dân tộc mới trường tồn, nòi giống mới được duy trì và phát triển. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước”.

2. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự lễ phát sóng Kênh Sức khoẻ và An toàn thực phẩm của Đài Tiếng nói Việt Nam

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ y tế, chiều 27/2/2017 tại Hà Nội, Đài TNVN tổ chức lễ công bố phát sóng Kênh sức khỏe và an toàn thực phẩm, phát trên tần số FM 89. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và phát biểu tại buổi lễ. Tham dự buổi lễ có: ông Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương đảng, Tổng giám đốc Đài TNVN; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội ông Nguyễn Văn Sửu; đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan.

Kênh Sức khỏe và An toàn thực phẩm phát trên sóng FM tần số 89 MHz có thời lượng 17 tiếng, từ 6 giờ đến 23 giờ mỗi ngày. Bắt đầu từ ngày hôm nay (27/2), kênh sẽ phủ sóng tại các thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và tiếp theo là Đà Nẵng. Dựa trên nền tảng công nghệ IP trong phát thanh, thính giả có thể tương tác trực tiếp với chương trình qua radio, mạng internet, điện thoại thông minh để cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp hay sáng tạo các nội dung của kênh…Với phương châm Tận tâm vì sức khoẻ người Việt, Kênh VOV FM89 có sự tham gia của nhiều chuyên gia, người nổi tiếng thông qua các chương trình khoa giáo, hướng dẫn về sức khoẻ, bảo vệ môi trường, lựa chọn thực phẩm và thực đơn an toàn như những cẩm nang bảo vệ sức khoẻ hàng ngày. Các chương trình ca nhạc, chuyện đọc, giải trí giúp thính giả thư thái hơn, tạo cuộc sống cân bằng, lành mạnh.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực chuẩn bị tích cực của Đài Tiếng nói Việt Nam để phát sóng kênh Sức khỏe và An toàn thực phẩm. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh “…bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là nhiệm vụ rất quan trọng trong chăm sóc sóc sức khỏe cho nhân dân, đồng thời còn gián tiếp phát huy thế mạnh về nông nghiệp, tiềm năng du lịch của đất nước”…

3. Triển khai nhiều biện pháp phòng chống chủng vi rút cúm gia cầm độc lực

Theo Cục y tế dự phòng, ngày 05/3/2017, dịch cúm A(H7N9) ở Trung Quốc, dịch cúm A(H5N1) ở Campuchia đã ghi nhận tại các tỉnh sát biên giới, hiện tượng gia cầm nhập lậu mặc dù đã được hạn chế song vẫn chưa triệt để, do đó vi rút cúm gia cầm có thể xâm nhập qua gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu vào nước ta và lây truyền sang người. Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm, ngày 3/3/2017, Bộ Y tế đã họp Ban chỉ đạo phòng chống các chủng vi rút cúm gia cầm độc lực cao trên người, có khả năng xâm nhập vào nước ta và đưa ra các giải pháp phòng chống.Phân tích đặc điểm vi rút cúm A(H7N9) cho thấy có sự thay đổi của vi rút cúm A(H7N9) đối với gia cầm từ độc lực thấp sang độc lực cao khi phân tích gen vi rút cúm ở 2 bệnh nhân mắc cúm A(H7N9) tại Quảng Đông và bệnh nhân mắc cúm A(H7N9) ở Đài Loan (theo thông báo ngày 25/02/2017 của Tổ chức Y tế thế giới). Tuy nhiên, sự liên tục thay đổi này như là một đặc điểm tự nhiên của vi rút cúm do quá trình tái tổ hợp. Hiện nay, chưa có bằng chứng về sự thay đổi của vi rút cúm A(H7N9) làm lây truyền dễ dàng từ người sang người.

Theo WHO đến nay đã có 16 nước trên thế giới ghi nhận trường hợp mắc chủ yếu là các nước thuộc châu Á, châu Phi, tích lũy từ năm 2003 đến nay thế giới ghi nhận 856 trường hợp mắc, 452 trường hợp tử vong. Tuy nhiên gần đây, số trường hợp mắc đã giảm đi, chủ yếu xảy ra tại Ai Cập. Đầu năm 2017, theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tại Campuchia xảy ra ổ dịch cúm gia cầm tại tỉnh Sveyrieng là tỉnh có chung đường biên giới khu vực Tây Nam của Việt Nam và có nguy cơ xâm nhập vào nước ta. Ghi nhận từ năm 2003 đến nay, Việt Nam đã có 127 người mắc, 64 trường hợp tử vong. Trong giai đoạn 2003-2005, Việt Nam là một trong những quốc gia có số mắc cao nhất thế giới. Tuy vậy, từ năm 2006 đến nay số mắc đã giảm đi rất nhiều và đặc biệt trong các năm 2015, 2016 và những tháng đầu năm 2017 không ghi nhận trường hợp mắc. Trong thời gian đầu năm 2017, dịch cúm gia cầm vẫn tiếp tục ghi nhận rải rác ở các địa phương, hiện nay cả nước có các ổ dịch cúm gia cầm xảy ra tại 15 hộ chăn nuôi thuộc 11 xã của 07 tỉnh là Bạc Liêu, Nam Định, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ngãi chưa qua 21 ngày.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi họp, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tình hình bệnh diễn biến hết sức phức tạp. Nếu Việt Nam làm tốt công tác kiểm soát ở khu vực cửa khẩu, thì sẽ không có dịch trên gia cầm. Do đó, cần mở rộng phạm vi, đối tượng giám sát (giám sát trọng điểm, EBS, SARI), đặc biệt tại các địa phương có chung đường biên giới với Trung Quốc, Campuchia; chợ đầu mối giao lưu, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm. Khuyến cáo người dân đi du lịch đến những vùng có dịch và những người tiếp xúc với gia cầm, khi có triệu chứng phải được chăm sóc đặc biệt tại các cơ sở y tế. Theo Thứ trưởng, Bộ Y tế đang triển khai phương pháp test xác định cúm nhanh để có phương pháp xử lý kịp thời và cố gắng áp dụng sớm nhất trong tháng 3 năm nay tại các tỉnh vùng ven và thí điểm ban đầu tại Lạng Sơn. Thứ trưởng đề nghị các cơ quan y tế tăng cường mở rộng giám sát tại khu vực biên giới và sẽ mở ba phòng xét nghiệm nhanh tại ba tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai. Trong tháng 5, sẽ tiếp tục mở rộng phòng xét nghiệm nhanh tại các tỉnh phía Bắc và Tây Nam.

THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Vắc xin sốt rét mới đạt được hiệu quả trong thử nghiệm lâm sàng

Theo ScienceDaily, ngày 15/2/2017, Các nhà khoa học của trường Đại học Tübingen hợp tác với công ty Công nghệ Sinh học Sanaria đã thành công trong một thử nghiệm lâm sàng một loại vắc xin sốt rét mới có tên gọi Sanaria® PfSPZ-CVac đạt hiệu quả lên đến 100% sau 10 tuần kể từ khi sử dụng liều vắc xin cuối cùng.

Giáo sư Peter Kremsner giải thích "Đáp ứng miễn dịch này tạo đã ra tế bào Lympho T và kháng thể ly giải đặc hiệu với ký sinh trùng rét trong giai đoạn ký sinh trong gan”, “Các nhà nghiên cứu đang phân tích các phản ứng miễn dịch của cơ thể và nhận biết các thành phần protein, điều này sẽ làm cải thiện hơn nữa việc sản xuất vắc xin sốt rét”, “Các nhà nghiên cứu đã tiêm ký sinh trùng sốt rét sống vào các tình nguyện viên, đồng thời cho uống chloroquine để ngăn chặn sự phát triển của ký sinh trùng sốt rét (chloroquine - thuốc được sử dụng để điều trị bệnh sốt rét trong nhiều năm). Benjamin Mordmueller - Trưởng nhóm nghiên cứu nói: “Bằng cách tiêm vắc xin sống, tác nhân gây bệnh còn hoạt động hoàn toàn, chúng tôi đã có thể thiết lập một đáp ứng miễn dịch rất mạnh”, "Ngoài ra, tất cả số liệu chúng tôi có cho thấy đáp ứng miễn dịch là ổn định và bảo vệ lâu dài”, “Trong nhóm người thử nghiệm đã cho thấy những người được bảo vệ 100 phần trăm sau khi nhận được một liều vắc xin cao gấp ba lần, đáp ứng miễn dịch này vẫn ổn định sau 10 tuần và có thễ vẫn kéo dài hơn”. Ông nói thêm, loại vắc xin mới này không có ảnh hưởng xấu đến những người thử nghiệm. Bước tiếp theo là tiếp tục kiểm tra hiệu quả của vắc xin thêm một vài năm nữa trong một nghiên cứu lâm sàng ở Gabon do DZIF (German Center for Infection Research ) tài trợ.

2. WHO công bố danh sách 12 vi khuẩn nguy hiểm nhất và những bệnh liên quan

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày 27/2/2017, WHO công bố danh sách 12 vi khuẩn được đánh giá sẽ là mối nguy hiểm lớn nhất đối với sức khỏe của con người. Việc phân loại mức độ nguy hiểm của những vi khuẩn trong danh sách của WHO dựa vào yếu tố kháng kháng sinh và mức độ gây tử vong của chúng.

Nhóm nguy hiểm nhất bao gồm các vi khuẩn đa kháng: Vi khuẩn thuộc nhóm này là mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe con người do chúng là những vi khuẩn đa kháng. Đặc biệt nghiêm trọng khi chúng kháng những nhóm kháng sinh như Carbapenems, vốn được xem là phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối với những trường hợp nhiễm trùng do kháng thuốc. Do vậy, đây cũng là nhóm vi khuẩn gây tử vong rất cao.

1) Acinetobacter baumannii (kháng nhóm kháng sinh Carbapenem): Thường gây nhiễm trùng các cơ quan có lượng chất lỏng cao, là nguyên nhân của những căn bệnh như nhiễm trùng đường tiết niệu.

2) Pseudomonas aeruginosa (kháng nhóm kháng sinh Carbapenem): Là nguyên nhân của một loạt các triệu chứng và bệnh lý như viêm phổi, nhiễm trùng da, và nhiễm trùng mắt.

3) Enterobacteriaceae (kháng nhóm kháng sinh Carbapenem, kháng nhóm kháng sinh Cephalosporin thế hệ thứ 3): Chịu trách nhiệm khoảng một nửa số trường hợp nhiễm khuẩn tại bệnh viện được báo cáo hàng năm, như nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng máu.

Nhóm nguy hiểm cao:

4) Enterococcus faecium (kháng nhóm kháng sinh Vancomycin): Chịu trách nhiệm cho những trường hợp nhiễm trùng tại bệnh viện như nhiễm trùng vết thương, nhiễm trùng đường tiết niệu.

5) Staphylococcus aureus (kháng nhóm kháng sinh Methicillin và Vancomycin): Gây ra những bệnh liên quan đến dạ dày, thường được gọi là "ngộ độc thực phẩm".

6) Helicobacter pylori (kháng nhóm kháng sinh Clarithromycin): Thường gây nhiễm trùng dạ dày và có thể gây loét và tình trạng viêm trong dạ dày.

7) Campylobacter (kháng nhóm kháng sinh Fluoroquinolone): Là nguyên nhân của một số triệu chứng liên quan đến dạ dày và tiêu hóa như tiêu chảy, chuột rút, đau bụng.

8) Salmonella spp. (kháng nhóm kháng sinh Fluoroquinolone): Gây ra những triệu chứng như tiêu chảy, sốt và đau bụng.

9) Neisseria gonorrhoeae (kháng nhóm kháng sinh Cephalosporin thế hệ thứ ba, kháng nhóm kháng sinh Fluoroquinolone): Là nguyên nhân gây nhiễm trùng đường sinh sản và có thể dẫn đến vô sinh nếu không được điều trị. Cũng có thể gây nhiễm trùng mắt.

Nhóm nguy hiểm trung bình:

10) Streptococcus pneumonia (không nhạy cảm với Penicillin): Gây ra nhiều bệnh như viêm phổi, viêm tai giữa và viêm xoang.

11) Haemophilus influenzae (kháng Ampicillin): Chủ yếu gây nhiểm ở trẻ sơ sinh và trẻ em, là nguyên nhân của nhiều bệnh, từ nhiễm trùng tai đến nhiễm trùng máu.

12) Shigella spp. (kháng Fluoroquinolone: Nguyên nhân của bệnh đường ruột mà đặc trưng là tiêu chảy ra máu.

WHO hy vọng rằng danh sách này sẽ thúc đẩy chính phủ các nước tăng cường nghiên cứu để cùng với các công ty dược phẩm phát triển các loại thuốc mới có hiệu quả hơn để điều trị những bệnh do các loại vi khuẩn kháng kháng sinh này gây ra. Bên cạnh đó, WHO cũng kêu gọi tăng cường phòng ngừa, kiểm soát tình trạng nhiễm khuẩn và sử dụng kháng sinh ở người và các loài động vật khác.

3. Sẽ có thuốc trị tất cả các loại ung thư sau 3-4 năm nữa

Theo tass.ru, các nhà khoa học Nga đã hoàn tất việc thử nghiệm tiền lâm sàng một loại thuốc có khả năng chữa khỏi các khối ung thư ác tính, thậm chí cả khi ở giai đoạn cuối. Giáo sư Simbirshev cho hay, đã tiến hành thử nghiệm trên chuột bạch và chuột nhắt bị mắc các khối u ác tính. “Liệu trình điều trị bằng loại thuốc mới trong đa số các trường hợp đã loại trừ hoàn toàn các khối u, thậm chí ngay cả ở giai đoạn cuối. Như vậy là có thể tự tin nói rằng, các protein đã có được hoạt tính sinh học cần thiết để chữa được ung thư”. Ông Simbirshev giải thích thêm rằng, đối với các dạng ung bướu khác, thuốc này cũng có tác dụng tương tự nhờ những đặc tính phổ quát nằm trong gốc phân tử của loại protein trong thuốc.

Những thành tựu trong việc chế tạo loại chế phẩm dược có tên là “Protein sốc nhiệt” đạt được là nhờ có các thí nghiệm tiến hành trong vũ trụ. Bài báo dẫn lời của giáo sư Simbirshev: “Thực tế là, để phân tích hành vi của protein bằng cấu trúc rentgen, cần phải tạo được các tinh thể siêu tinh khiết từ protein, tuy nhiên việc này không thể thực hiện trong điều kiện sức hút của Trái đất - các tinh thể protein sẽ lớn không đều. Chúng tôi đã đóng gói các protein siêu tinh khiết trong các ống mao dẫn và đưa lên trạm vũ trụ ISS. Sau 6 tháng, trong các ống nghiệm đã hình thành các tinh thể tinh khiết đến mức lý tưởng, chúng được đưa xuống dưới Trái đất và mang đi phân tích ở Nga và Nhật Bản”. Cũng phải nói thêm rằng, chưa thấy trường hợp nào mà loại thuốc này gây ra tác dụng phụ. “Trong thời gian tiến hành thí nghiệm “Protein sốc nhiệt” không phát hiện ra ra tính độc”. Tuy vậy, chúng tôi chỉ có thể đưa ra kết luận về sự an toàn tuyệt đối của loại dược phẩm này sau khi hoàn tất việc thí nghiệm tiền lâm sàng. Thời gian cần có là khoảng 1 năm” - Simbirshev nói thêm.

4. Trẻ mắc bị bệnh đầu nhỏ tăng gấp 20 lần từ khi có vi rút Zika

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), ngày 02/3/2017, tỷ lệ sinh trẻ bị mắc bệnh đầu nhỏ cũng như các dị tật bẩm sinh khác ở những thai phụ nhiễm vi rút Zika cao hơn gấp 20 lần so với những phụ nữ mang thai trước thời điểm loại vi rút này bùng phát ở châu Mỹ.

​Các nhà nghiên cứu của CDC đã thực hiện cuộc khảo sát về tỷ lệ trẻ sơ sinh mắc các dị tật bẩm sinh ở các bang Massachusetts, North Carolina và Georgia trong năm 2012-2013, thời điểm trước khi vi rút Zika bùng phát tại khu vực châu Mỹ. Kết quả cho thấy cứ 1.000 trẻ sơ sinh có 3 trẻ bị mắc chứng đầu nhỏ hoặc các dị tật ở hệ thần kinh trung ương. Tuy nhiên, khi so sánh với nhóm trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm vi rút Zika ở thời điểm năm 2016, các nhà khoa học phát hiện tỷ lệ trên cao hơn gấp 20 lần, tương đương cứ 1.000 trẻ có đến 60 trẻ mắc các dị tật bẩm sinh. Theo CDC, kết quả cuộc khảo sát trên cho thấy các nguy cơ của vi rút Zika đối với phụ nữ mang thai vẫn là mối lo ngại. Trước tình trạng này, CDC khuyến cáo phụ nữ mang thai không nên đến các khu vực đang bị ảnh hưởng bởi vi rút Zika, và những thai phụ đang sống trong vùng dịch cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Ban Biên tập website Viện