Điểm tin y tế tuần 08

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Chương trình quốc gia về loại trừ bệnh Dại

Ngày 13/02/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 193/QĐ-TTg về việc phê duyệt "Chương trình quốc gia về khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2017 - 2021".

Theo đó, chương trình đặt ra một số mục tiêu: Trên 95% số xã, phường, thị trấn lập được danh sách hộ nuôi chó; Tỷ lệ chó nuôi được tiêm phòng vắc-xin Dại tại các xã, phường, thị trấn đạt trên 85%; Trên 70% số tỉnh không có ca bệnh Dại trên chó trong 02 năm liên tiếp; Giảm 60% số tỉnh có nguy cơ cao về bệnh Dại trên người; Giảm 60% số người tử vong do bệnh Dại vào năm 2021 so với số ca mắc bệnh Dại trung bình giai đoạn 2011-2015. Ngoài ra, Quyết định này còn đề cập đến các nhiệm vụ và giải pháp của chương trình qua việc: Quản lý chó nuôi, tiêm phòng vắc-xin Dại cho đàn chó, điều trị dự phòng sau phơi nhiễm cho người …

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 13/02/2017.

2. Phòng chống dịch cúm lây truyền từ gia cầm sang người

Ngày 17/2/2017, Bộ Y tế ban hành Công văn số 672/BYT-DP về việc Phòng chống dịch cúm lây truyền từ gia cầm sang người.

Để chủ động phòng, chống lây nhiễm cúm từ gia cầm lây sang người, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố:

  1. Chỉ đạo các sở, ngành (Công thương, Nông nghiệp và PTNT, Cục Hải quan, Công an, Bộ đội biên phòng) tăng cường công tác quản lý thị trường, ngăn chặn và thực hiện bắt giữ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối.
  2. Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tăng cường giám sát, điều tra phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch cúm trên gia cầm; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thực hiện ngăn chặn nhập lậu qua biên giới, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển và buôn bán gia cầm, các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; thông báo kịp thời tình hình dịch cúm gia cầm cho ngành Y tế để phối hợp giám sát phát hiện sớm không để lây lan sang người.
  3. Chỉ đạo Sở Y tế tăng cường giám sát và lấy mẫu bệnh phẩm từ các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng, viêm phổi nặng do vi rút, đặc biệt các trường hợp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm bị bệnh để phát hiện sớm các chủng vi rút cúm độc lực cao, đồng thời triển khai kịp thời các biện pháp cách ly, điều trị và các biện pháp phòng chống dịch.
  4. Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng chống dịch bệnh cúm, vận động người dân hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, chỉ ăn thịt gia cầm, các sản phẩm gia cầm đã được nấu chín kỹ, không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi có các biểu hiện hoặc dấu hiệu của bệnh cúm cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị.

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Bộ trưởng Bộ Y tế thăm và làm việc với các Viện hệ y tế dự phòng phía Nam

Sáng ngày 17/2/2017, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến thăm và làm việc với các Viện Pasteur TP. HCM, Viện Y tế công cộng, Viện Sốt rét – KST – CT TP. HCM và Trung tâm YTDP TP. HCM. Sau khi đi thăm và nắm tình hình thực tế tại các đơn vị, buổi chiều cùng ngày, Bộ trưởng đã chủ trì buổi làm việc với các đơn vị trên để thảo luận tăng cường công tác chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, giải pháp đổi mới hoạt động của hệ YTDP, cùng chủ trì hội nghị có GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng và đại diện đại diện Lãnh đạo các Vụ, Cục của Bộ Y tế.

Tại buổi làm việc, đại diện Lãnh đạo các đơn vị đã báo cáo kết quả hoạt động, những khó khăn, thách thức và nêu lên những kiến nghị, đề xuất của đơn vị nhằm phát triển hoạt động y tế dự phòng trong thời gian tới. Lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo các Vụ, Cục cũng trao đổi, giải đáp những thắc mắc và cùng các đơn vị, nêu ra các giải pháp giúp tháo gỡ khó khăn của các đơn vị.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng đánh giá cao hoạt động của các đơn vị, mặc dù gặp nhiều khó khăn về ngân sách, khó thu hút được cán bộ giỏi, cơ sở vật chất lâu đời, xuống cấp nhưng tinh thần làm việc rất tích cực, tâm huyết với nghề, tinh thần trách nhiệm cao. Bộ trưởng đề nghị các đơn vị tiếp tục phát huy thành quả đạt được; rà soát, định hướng lại chức năng, nhiệm vụ bao gồm: hoạt động nghiên cứu; quản lý, kiểm soát bệnh tật lây nhiễm, không lây nhiễm, môi trường y tế; đào tạo, chuyển giao công nghệ, hoạt động dịch vụ theo chức năng nhiệm vụ; các hoạt động khác. Đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh mới nổi, các bệnh không lây. Mạnh dạn đề xuất các cơ chế đổi mới tài chính, khuyến khích tự chủ từng phần trong hoạt động của các đơn vị. Hệ y tế dự phòng phải sớm xây dựng đề án phát triển hệ y tế dự phòng nhằm phù hợp với sự phát triển của xã hội, hội nhập với thế giới góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày một tốt hơn.

2. Bộ Y tế triển khai công tác phòng chống dịch tại phía Nam

Theo báo điện tử đài truyền hình Việt Nam, ngày 16/2/2017, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch tại phía Nam năm 2017.

Tại Việt Nam, trong năm 2016 đã ghi nhận hơn 200 trường hợp mắc bệnh do vi rút Zika, từ đầu năm 2017 đã ghi nhận 13 trường hợp. Vi rút Zika vẫn sẽ là dịch bệnh lưu hành, phát triển và sẽ tiếp tục được giám sát chặt chẽ, nhất là ở khu vực phía Nam. Ngoài ra, số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2017 theo chu kỳ dịch bệnh. Năm 2016, nước ta đã ghi nhận hơn 100.000 ca mắc bệnh với 36 ca tử vong. Đáng lưu ý, những bệnh có vắc xin phòng ngừa như: bạch hầu, uốn ván, ho gà, thủy đậu đang có nguy cơ gia tăng trở lại, đặc biệt ở khu vực vùng sâu, vùng xa, khi tỷ lệ tiêm chủng vaccine ở đây còn thấp.

Hội nghị đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giám sát chặt các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trong năm 2017. Bộ Y tế chỉ đạo phải tăng tỷ lệ tiêm chủng ở cấp phường, xã đạt trên 95%, qua đó mới có thể khống chế được các dịch bệnh này.

3. Dịch bệnh Cúm A(H7N9) đang gia tăng mạnh tại Trung Quốc

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình hình dịch cúm A(H7N9) đang có xu hướng gia tăng tại Trung Quốc từ tháng 10/2016 tới nay tạo thành đợt dịch thứ 5 kể từ năm 2013 với hơn 340 trường hợp mắc chỉ trong 2 tháng đầu năm 2017. Các trường hợp mắc ở người hiện được ghi nhận tại 13 tỉnh thành phố (An Huy, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quý Châu, Hà Nam, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tô, Giang Tây, Liêu Ninh, Sơn Đông, Tứ Xuyên và Chiết Giang), trong đó tỉnh Tứ Xuyên lần đầu tiên ghi nhận ca bệnh. Các trường hợp mắc hầu hết có tiền sử phơi nhiễm với gia cầm sống tại các chợ buôn bán gia cầm hoặc với môi trường bị ô nhiễm do gia cầm mắc bệnh. Hiện chưa có bằng chứng về việc lây truyền dễ dàng từ người sang người. Do nước ta có sự giao lưu thương mại, du lịch lớn với Trung Quốc, đặc biệt là với tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây nơi đã ghi nhận các trường hợp nhiễm cúm A(H7N9), thêm vào đó việc nhập lập gia cầm,sản phẩm gia cầm vào nước ta vẫn chưa được kiểm soát triệt để. Do đó, Việt Nam hoàn toàn có nguy cơ xâm nhập vi rút cúm A(H7N9) từ vùng vùng có dịch. Mặc dù, cho đến nay Việt nam chưa ghi nhận các trường hợp mắc cúm A(H7N9) trên người.

Để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của vi rút cúm A(H7N9) sang người, xâm nhập vào nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:

1) Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

2) Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

3) Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

4) Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Ho, sổ mũi... từ ruột gối

Theo báo Medical Daily, hàng triệu tế bào da chết sẽ được phát tán trong lúc ngủ mỗi đêm. Vậy nên bạn rất chăm giặt ga giường, vỏ gối. Vậy mà vẫn sổ mũi ngay cả khi không phải mùa cảm lạnh, cúm; hay ngứa, chảy nước mắt, ho liên tục. Thủ phạm có thể là từ chính ruột gối bạn nằm. Sau 2 năm sử dụng không giặt, trọng lượng của ruột gối có thể tăng tới 10% do hàng triệu tế bào da chết mà chúng ta thải ra mỗi ngày cùng với sự "lớn mạnh" của mạt bụi trong môi trường sống lý tưởng. Và điều đáng sợ hơn nữa là phân của mạt bụi, chứ không phải mạt bụi, mới là thứ khiến chúng ta bị dị ứng. Thậm chí, vì loài vật này mà một người mẹ hai con tại Anh đã gần như bị điếc hoàn toàn do dị ứng với mạt bụi trong nhà .

Các chuyên gia về vệ sinh cá nhân, giải thích: Bản thân mạt bụi không mang bệnh, nhưng một enzym trong phân của chúng khiến một số người bị dị ứng. Người bị bệnh hen, nó có thể làm cho bệnh nặng hơn. Nó cũng có thể khiến bạn liên tục chảy nước mũi, ngứa mắt, chảy nước mắt và ho. Tuy nhiên, mặc dù các triệu chứng có thể khó chịu, mạt bụi không gây ra bất kỳ nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng nào trừ khi bạn đang bị triệu chứng, còn lại thì chẳng cần làm gì cả. Nếu nó không gây phiền hà gì cho bạn thì không sao, nhưng nếu bạn gặp vấn đề với sức khỏe thì nên làm cái gì đó.

Biện pháp phòng chống mạt bụi: Đừng trải ga giường vào buổi sáng vì mạt thích ấm, vì vậy nếu bạn kéo ga lên sẽ tạo ra môi trường khó chịu cho mạt bụi; Giặt gối và sau đó sấy khô để nó phồng lên, hơi nóng từ máy sấy sẽ tiêu diệt mạt bụ; Thậm chí bạn có thể cho gối vào trong tủ lạnh để tiêu diệt mạt bụi nếu có đủ chỗ; Tránh phơi quần áo trên bộ tản nhiệt vì hơi ẩm làm ngôi nhà của bạn thân thiện với mạt bụi hơn; Thỉnh thoảng tạo môi trường lạnh trong nhà và hút bụi sẽ giúp ngăn chặn mọi căn bệnh không mong muốn Nhà càng sạch sẽ thì càng ít thức ăn cho mạt bụi. Nên cố gắng giặt ruột gối bằng nước nóng 60 độ để diệt mạt bụi.

2. Thiết bị phát hiện vi rút HIV sau một tuần nhiễm bệnh

Theo Medical Daily, các nhà khoa học Tây Ban Nha chế tạo thành công con chíp cảm biến sinh học có khả năng phát hiện vi rút HIV chỉ sau một tuần nhiễm bệnh. Con chip nhỏ bằng hạt gạo có thể cảm nhận kháng nguyên p24, loại protein gắn với HIV ở nồng độ thấp hơn 100.000 so với các thiết bị khác giúp người bệnh xác định tình trạng của mình sau một tuần nhiễm vi rút. Đặc biệt, toàn bộ quá trình xét nghiệm bằng con chip chỉ kéo dài 4 tiếng 45 phút, cho phép bệnh nhân xét nghiệm 2 lần một ngày nhằm khẳng định chẩn đoán.

Tỏ ra vượt trội so hai phương pháp xét nghiệm HIV trước đây là RNA và sàng lọc kháng thể, con chíp sinh học được kỳ vọng sẽ hạn chế tình trạng phát hiện bệnh muộn, nhờ đó tăng hiệu quả của việc điều trị cũng như ngăn chặn sự lây lan HIV. Ngoài HIV, con chip cảm biến sinh học còn dùng để chẩn đoán một số bệnh ung thư. Hiện các nhà khoa học Tây Ban Nha xem xét ứng dụng con chip cho các nước đang phát triển có tỷ lệ nhiễm HIV cao.

Ban Biên tập website Viện