ĐIỂM TIN Y TẾ TUẦN 07

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN
1. 2 bệnh nhân viêm phổi nặng nghi lây từ cúm gà
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong dịp Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi 2019 có 2 trường hợp viêm phổi nặng nghi nhiễm cúm gia cầm H5N1 đang được điều trị và đang được các đơn vị đã xử lý theo quy định, đã thực hiện điều tra và lấy mẫu, dự kiến sẽ có kết quả trong tuần tới. Tại nơi phát hiện 2 trường hợp nghi nhiễm cúm, y tế dự phòng địa phương cũng đã tiến hành khử trùng môi trường và đang theo dõi sức khỏe những người tiếp xúc gần với 2 bệnh nhân. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, đây sẽ là 2 trường hợp đầu tiên nhiễm cúm gia cầm trở lại sau 4 năm Việt Nam khống chế dịch thành công trên người.
Hiện cả nước chưa phát hiện ổ dịch cúm gia cầm nào, song nguy cơ xâm nhiễm các chủng virus cúm gia cầm vào Việt Nam là rất cao, nhất là tại các tỉnh giáp biên giới với các nước. Kết quả giám sát cũng cho thấy tỉ lệ lưu hành virus cúm gia cầm type A/H5N1 và A/H5N6 tương đối cao, trung bình khoảng 5%.
Bệnh cúm gia cầm lây truyền qua đường hô hấp, qua tiếp xúc trực tiếp với gia cầm, phân gia cầm, sản phẩm từ gia cầm, vật dụng, môi trường bị nhiễm mầm bệnh, qua ăn thịt, sản phẩm gia cầm chưa được nấu chín. Biểu hiện của bệnh thường là sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, đau người, đau cơ... Bệnh thường diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh cho người.
Do đó, để phòng chống cúm gia gia cầm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, không ăn gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc; bảo đảm ăn chín, uống chín. Khi có biểu hiện như: sốt, ho, đau ngực, khó thở và có tiền sử tiếp xúc với gia cầm, phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
TIN Y TẾ QUỐC TẾ
1. Dịch sởi có nguy cơ lan rộng tại nhiều nước trên thế giới
Theo WHO, trong năm 2018, khoảng 82.600 người tại 47 quốc gia châu Âu được thống kê (dân số gần 900 triệu người) đã mắc bệnh sởi - mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. 72 trường hợp đã tử vong.
Trong những tháng đầu năm 2019, cụ thể ngày 8/2, giới chức y tế Macedonia đã xác nhận ca tử vong đầu tiên do bệnh sởi ở nước này. Cũng trong ngày 8/2, giới chức y tế Pháp cho biết số ca mắc bệnh sởi đã tăng lên ở khu nghỉ dưỡng và trượt tuyết Val-Thorens, một trong những đỉnh núi cao nhất của dãy Alps, đồng thời là một địa điểm du lịch nổi tiếng của nước Pháp. Theo giới chức địa phương, tại đây đã ghi nhận thêm 18 trường hợp mắc bệnh sởi mới, trong đó đa số bệnh nhân là thanh niên đang làm việc tại khu nghỉ dưỡng, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại đây lên 30 trường hợp kể từ ngày 4/2 vừa qua.
Tình trạng này được xem là một hệ quả của việc ngày càng có ít trẻ em được tiêm phòng dịch bệnh. Trong báo cáo công bố ngày 7/2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết "Lục địa Già" đã ghi nhận số ca mắc bệnh sởi kỷ lục trong năm 2018.
Tại Mỹ, các nhà lập pháp đang cân nhắc khả năng ban hành luật để việc tiêm phòng các bệnh sởi, quai bị, rubella đối với trẻ em là một việc làm bắt buộc, trong bối cảnh dịch sởi đang hoành hành ở Mỹ, với ít nhất 52 ca nhiễm bệnh ở bang Washington và 4 ca ở bang Oregon.
Khu vực châu Á, Quỹ từ thiện toàn cầu Save the Children ngày 7/2 cho biết đã ghi nhận khoảng 200 ca nhiễm bệnh sởi ở khu vực giàu dầu mỏ đang tranh chấp Abyei - nằm giữa biên giới giữa Sudan và Nam Sudan, kể từ khi dịch bệnh bùng phát hôm 25/1 vừa qua.
Các chuyên gia cho rằng để phòng ngừa dịch bệnh, cần đảm bảo việc tiêm phòng được thực hiện đối với 95% cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, trong số 47 nước được thống kê, vẫn còn tới 34 quốc gia có mức bao phủ vaccine sởi dưới 95% và đây là nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan.
2. Dịch Ebola bùng phát tại Congo
Ngày 9/2/2019, theo báo cáo được công bố về đợt dịch mới nhất ở miền Đông của CHDC Congo, Bộ trưởng Y tế nước này cho biết có tổng cộng 502 trường hợp đã thiệt mạng và 271 người được cứu chữa. Theo báo cáo này, chương trình tiêm chủng đã lần đầu tiên giúp bảo vệ được 76.425 người và giúp ngăn chặn được “hàng nghìn” trường hợp khác thiệt mạng.
CHDC Congo đã chứng kiến 10 đợt bùng phát Ebola kể từ khi virus nguy hiểm này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1976 gần sông Ebola tại Tây Bắc nước này. Đợt bùng phát mới nhất được tuyên bố vào ngày 1/8 tại tỉnh Bắc Kivu, và sau đó nhanh chóng lan sang tỉnh Ituri lân cận. Đây là những khu vực thường xuyên xảy ra các cuộc xung đột vũ trang khiến tình hình càng trở nên khó kiểm soát. Kể từ khi được phát hiện vào năm 1976, dịch Ebola gây hậu quả lớn nhất vào năm 2014 khi bùng phát Tây Phi, cướp đi sinh mạng của hơn 11.300 người và lây nhiễm khoảng 28.600 người khi dịch bệnh quét qua Liberia, Guinea và Sierra Leone.
3. Dịch tả lợn châu Phi tác động xấu tới ngành chăn nuôi Bỉ và Trung Quốc
Ngày 8/2, Bộ Nông nghiệp liên bang Bỉ đã chính thức phát đi thông báo ngành chăn nuôi lợn ở nước này đang lâm vào cuộc khủng hoảng do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, một bước theo quy định nhằm giúp các hộ nông dân chăn nuôi gia súc của nước này được tạm thời miễn trừ các khoản đóng góp cho xã hội trong vòng một năm. Hai trường hợp dịch tả lợn châu Phi đầu tiên được phát hiện vào giữa tháng 9/2018 trên hai cá thể lợn rừng đã chết ở vùng Wallonia, tỉnh Luxembourg, miền Nam nước Bỉ. Cơ quan chức năng Bỉ ngay sau đó đã triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong phạm vi 63.000 hécta quanh khu vực phát hiện trường hợp nhiễm bệnh và cho đến nay, các biện pháp vẫn đang được thực thi. Kể từ tháng 11/2018, một khu vực rộng lớn khác khoảng 28.000 hécta cũng được đưa vào diện giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, tính đến ngày 1/2 vừa qua, kết quả xét nghiệm cho thấy có 406 con lợn dương tính với virus tả lợn và hơn 1.200 con đã bị tiêu hủy.
Trong khi đó, Trung Quốc thông báo phát hiện ổ dịch tả lợn mới tại một nông trại ở huyện Vĩnh Châu, tỉnh Hồ Nam - nơi đang nuôi khoảng 4.600 con lợn. Do ảnh hưởng của bệnh dịch này, cơ quan chức năng ghi nhận hơn 170 trường hợp lợn chết bệnh và khoảng 270 trường hợp lợn ốm. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã chỉ đạo tiêu hủy toàn bộ số lợn trong nông trại có dịch và triển khai các biện pháp dự phòng, cách ly để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Ban Biên tập website Viện