Điểm tin y tế tuần 06

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Ngày 01/7/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2016/NĐ-CP, về việc quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Nghị định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân) thực hiện các hoạt động liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam:

1) Cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề khám chữa bệnh:

Người đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề y làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc các Bộ và người nước ngoài đến hành nghề y tại Việt Nam gửi 01 bộ hồ sơ về Bộ Y tế; Còn đối với người hành nghề y tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn quản lý của Sở Y tế thì nộp hồ sơ về Sở Y tế. Cũng theo Nghị định 09, trường hợp khi đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề mà người hành nghề y không làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào thì nộp hồ sơ về Sở Y tế nơi thường trú.

Người hành nghề khám chữa bệnh chỉ được làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật cho 01 cơ sở Khám chữa bệnh. Người chịu trách nhiệm chuyên môn cho cơ sở khám chữa bệnh được đăng ký hành nghề ngoài giờ tại cơ sở KCB khác; nhưng không được đăng ký hành nghề cùng một thời gian tại nhiều cơ sở KCB khác nhau và tổng thời gian làm thêm giờ trong 01 năm không quá 200 giờ. Mặt khác, Nghị định còn quy định người hành nghề y tại cơ sở KCB của Nhà nước không được làm người đứng đầu bệnh viện của tư nhân, trừ khi được cơ quan nhà nước cử tham gia quản lý tại cơ sở KCB có vốn Nhà nước.

2) Điều kiện, hồ sơ, thủ tục cấp, cấp lại, điều chỉnh Giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:

Các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đồng thời quy định cụ thể điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với từng hình thức tổ chức cơ sở KCB gồm: Bệnh viện, Bệnh xá, Phòng khám đa khoa, Phòng khám chuyên khoa, Phòng chẩn trị y học cổ truyền, cơ sở KCB y học gia đình; Phòng xét nghiệm; Phòng khám chẩn đoán hình ảnh; Cơ sở giám định y khoa, cơ sở giám định pháp y, cơ sở pháp y tâm thần có khám chữa bệnh; Nhà hộ sinh; Phòng khám, tư vấn và điều trị dự phòng; Phòng khám, điều trị bệnh nghề nghiệp; Cơ sở dịch vụ y tế; Trạm y tế xã; Cơ sở y tế cơ quan, đơn vị, tổ chức có khám chữa bệnh; Trung tâm y tế có khám chữa bệnh.

Để được cấp giấy phép hoạt động bệnh viện phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Nghị định 109, điển hình là phải có ít nhất là 30 giường bệnh (bệnh viện đa khoa), 20 giường bệnh (đối với bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện y học cổ truyền), riêng bệnh viện chuyên khoa mắt phải có ít nhất 10 giường bệnh; có có ít nhất 50% người hành nghề cơ hữu trong từng khoa trên tổng số người hành nghề trong khoa.

3) Cấp chứng chỉ hành nghề y, Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trực tuyến:

Hồ sơ đăng ký, đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề y, giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trực tuyến như hồ sơ bằng bản giấy và phải được chuyển sang dạng văn bản điện tử.

Người nộp hồ sơ hoặc người đại diện theo pháp luật kê khai thông tin, tải văn bản điện tử, xác nhận và nộp lệ phí theo quy trình trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế hoặc Trang thông tin điện tử của Sở Y tế.

Trường hợp không có chữ ký số thì theo Nghị định 109/NĐ phải scan hồ sơ giấy gửi kèm lên hệ thống đăng ký.

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Bộ trưởng Bộ Y tế thăm và làm việc với một số Viện hệ y tế dự phòng

Ngày 8/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có buổi kiểm tra thực tế và làm việc với một số Viện thuộc hệ y tế dự phòng, gồm: Viện Sốt rét- Ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Dinh dưỡng và Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường

Tại các Viện này, Bộ trưởng đã trực tiếp đến tận các khoa, phòng nghiên cứu, xét nghiệm, vi sinh… để nắm thông tin từ thực tiễn. Bộ trưởng đánh giá cao và ghi nhận các mặt tích cực của các Viện. Bộ trưởng mong muốn, các đơn vị tiếp tục phát huy những thế mạnh đã đạt được; đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền và có những giải pháp mang tính đột phá để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của hệ thống y tế dự phòng. Bộ trưởng đã có những chỉ đạo trực tiếp lãnh đạo một số Viện về việc cần cải tạo, bố trí lại một số khoa, phòng chưa hợp lý. Tại buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo của 4 Viện trên, những khó khăn cũng như những đề xuất, kiến nghị của các Viện về đổi mới tài chính; về nhân lực cũng như về đào tạo cán bộ cho hệ thống y tế dự phòng đã được Bộ trưởng chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ. “Hiện hệ thống y tế Dự phòng cần tập trung thực hiện 4 chức năng sau: Nghiên cứu, Y tế công cộng, các loại dịch vụ và các hoạt động khác”. Bộ trưởng cũng lưu ý, hiện nay, trong khi nhiều đơn vị y tế dự phòng tuyến tỉnh và tuyến huyện đã và đang sáp nhập để trở thành mô hình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) theo xu hướng của thế giới, thì ở tuyến trung ương, các đơn vị thuộc hệ y tế dự phòng vẫn dàn trải với bộ máy cồng kềnh. Tại nhiều Viện, nhiệm vụ chính là nghiên cứu khoa học lại ít được phát huy và nhiều năm qua, không có nguồn kinh phí cho các công trình nghiên cứu.

Qua kiểm tra 4 Viện thuộc hệ y tế dự phòng tại Hà Nội trong buổi sáng, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thời gian tới sẽ tập trung kiện toàn lại mô hình hoạt động của y tế dự phòng tuyến trung ương giống như việc đổi mới mô hình hoạt động của y tế dự phòng tuyến tỉnh và tuyến huyện đang diễn ra hiện nay.

2. Cảnh báo bệnh viêm não do vi rút lây từ côn trùng

Theo Cục Y tế dự phòng, năm 2016, mặc dù số ca mắc bệnh viêm não do vi rút đã giảm 41,9% so với cùng kỳ năm 2015 trên địa bàn cả nước, tuy nhiên, các trường hợp mắc bệnh vẫn rải rác. Theo đó, người có nguy cơ cao bị mắc bệnh chủ yếu là trẻ em dưới 15 tuổi. Bệnh Viêm não do vi rút có thể bị lây nhiễm qua côn trùng đốt, đường tiêu hóa hoặc qua đường hô hấp; có biểu hiện sốt cao kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương.

Để chủ động phòng bệnh viêm não vi rút, Bộ Y tế khuyến cáo:

  1. Người dân cần thường xuyên vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế muỗi phát triển, loại bỏ các ổ bọ gậy;
  2. Khi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp diệt muỗi; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc;
  3. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín; hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.
  4. Riêng đối với vi rút gây bệnh viêm não Nhật Bản, phụ huynh cần chủ động tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch cho trẻ; đây là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất với 3 liều cơ bản: Mũi 1: lúc trẻ được 1 tuổi; Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; Mũi 3: cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3 đến 4 năm tiêm lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

3. Bệnh tay chân miệng vào mùa và diễn biến phức tạp

Theo thống kê của các đơn vị y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 1.600 ca mắc bệnh tay chân miệng tại 55 tỉnh, thành phố. Trong những ngày nghỉ Tết vừa qua, TP.HCM đã ghi nhận hơn 30 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có một trường hợp tử vong.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ, một số ít trường hợp trở nặng và có biến chứng nguy hiểm. Để đề phòng bệnh, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh như: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, rửa tay trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn, bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Cảnh báo sốt rét kháng thuốc lan rộng tại châu Á

Theo Reuters, ngày 02/02/2017, ký sinh trùng sốt rét có khả năng kháng các phác đồ điều trị bệnh sốt rét tốt nhất hiện nay và đã lan ra khắp Campuchia, nam Lào và Đông Bắc Thái Lan. Tình trạng kháng thuốc đang lan rộng thêm tại Ấn Độ và châu Phi có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu vấn đề không được giải quyết theo góc độ y tế cộng đồng toàn cầu, trong khi hơn một nửa dân số thế giới có nguy cơ bị bệnh sốt rét. Hầu hết các nạn nhân là trẻ em dưới 5 tuổi sống ở những vùng nghèo nhất của châu Phi.

Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Lancet Infectious Diseases, các nhà khoa học cho biết đã kiểm tra mẫu máu các bệnh nhân sốt rét tại Campuchia, Lào, Thái Lan và Myanmar. Họ phát hiện ra chủng ký sinh trùng sốt rét đột biến duy nhất gọi là PfKelch13 C580Y trong máu các bệnh nhân tại Campuchia, Lào và Thái Lan.

Từ cuối những năm 1950 đến những năm 1970, ký sinh trùng sốt rét kháng chloroquine đã lan rộng khắp châu Á và đến châu Phi, làm sống lại ác mộng sốt rét từng khiến hàng triệu người thiệt mạng. Sau đó chloroquine được thay thế bằng sulphadoxine-pyrimethamine (SP) nhưng tình trạng kháng thuốc SP xuất hiện tại Campuchia và một lần nữa lây lan đến châu Phi. Do đó, giới chuyên gia đang lo sợ sự kháng thuốc artemisinin có thể một lần nữa lan rộng trên toàn thế giới.

2. WHO chưa cấp phép vắc xin phòng Zika

Theo WHO, ngày 1/2/2017, hiện có khoảng 40 loại vắc xin tiềm năng phòng chống vi rút Zika đang được thử nghiệm, nhưng sẽ chưa có loại nào được đưa vào chương trình tiêm chủng cho phụ nữ trong độ tuổi mang thai trước năm 2020.

Tổng Giám đốc WHO Margaret Chan khẳng định vi rút Zika gây dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh vẫn xuất hiện tại nhiều khu vực rộng lớn trên thế giới. Bà cũng nhấn mạnh mặc dù đã đạt được những tiến bộ trong việc ngăn chặn chủng vi rút này thông qua một số loại thuốc đang được thử nghiệm lâm sàng, nhưng "một loại vaccine đủ an toàn để đưa vào tiêm chủng cho phụ nữ trong độ tuổi mang thai sẽ chưa thể được cấp phép trước năm 2020". Tổng Giám đốc WHO cũng cho biết sau khi tuyên bố virus Zika "không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng", WHO đang xây dựng một chương trình mới hỗ trợ các quốc gia bị ảnh hưởng.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,