Điểm tin y tế tuần 04 - 2018

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Theo quyết định 48/QĐ-TTG ngày 11 tháng 01 năm 2018 về quyết địnhchủ trương đầu tư chương trình hợp tác giữa Việt Nam và tổ chức y tế thế giới giai đoạn 2018 - 2019 trong đó Phê duyệt chủ trương đầu tư “Chương trình hợp tác y tế với Tổ chức Y tế Thế giới, tài khóa 2018 - 2019” do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tài trợ với các nội dung chính như Cơ quan chủ quản Chương trình là Bộ Y tế với mục tiêu dài hạn: Góp phần hỗ trợ Chính phủ Việt Nam giải quyết có hiệu quả các vấn đề ưu tiên của hệ thống y tế và thực hiện thành công Chiến lược bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án “Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới giai đoạn 2016 - 2025”. Thời gian thực hiện từ 2018-2019.

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Thả muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết: Phương pháp Wolbachia là gì? (18/01/2018)

Theo báo Dân trí, dự án “Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam”, vi khuẩn Wolbachia được đưa vào cơ thể muỗi vằn giúp muỗi tăng “sức đề kháng” với vi-rút gây bệnh nên có thể ví phương pháp này giống như “tiêm vắc-xin” cho muỗi.
Wolbachia là một loại vi khuẩn sống cộng sinh trong khoảng 60% các loài côn trùng có trong tự nhiên, ví dụ như ruồi giấm, chuồn chuồn, bướm và một số loài muỗi. Tuy nhiên, muỗi vằn (trung gian truyền bệnh SXH và Zika) thì lại không có sẵn vi khuẩn này.

Các nhà khoa học đã cấy thành công vi khuẩn Wolbachia vào trứng muỗi vằn (Aedes aegypti), từ đó nở ra muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia và chúng tiếp tục sinh sản ra các thế hệ muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia. Trong cơ thể muỗi, vi khuẩn Wolbachia sẽ ức chế (ngăn chặn) sự xâm nhập và nhân lên của một số loại vi-rút, bao gồm vi-rút Dengue (gây bệnh SXH) và vi-rút Zika.

Theo dự án này, vi khuẩn Wolbachia được đưa vào cơ thể muỗi vằn giúp muỗi tăng “sức đề kháng” với vi-rút gây bệnh, do đó có thể ví phương pháp này giống như “tiêm vắc-xin” cho muỗi. Muỗi vằn mang Wolbachia sau khi được thả ra thực địa sẽ cặp đôi, sinh sản và tự duy trì trong môi trường tự nhiên. Muỗi cái mang Wolbachia giao phối với muỗi đực mang hoặc không mang Wolbachia thì cũng đều sinh ra trứng nở thành thế hệ muỗi tiếp theo mang vi khuẩn Wolbachia, theo cơ chế mẹ truyền sang con.

Theo dự án “Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam”, muỗi mang vi khuẩn Wolbachia không “tiêu diệt” muỗi vằn tự nhiên mà chúng cặp đôi/giao phối lẫn nhau. Việc thả cả muỗi đực và muỗi cái mang Wolbachia giúp cho loại muỗi này tự duy trì qua nhiều thế hệ, giúp phòng bệnh SXH và Zika.

Theo các nhà khoa học dự án này, phương pháp Wolbachia có thể áp dụng đồng thời với các biện pháp khác nhằm phòng bệnh SXH và Zika. Vì không có phương pháp nào có hiệu quả tuyệt đối (100%) và trong cộng đồng vẫn có thể tồn tại một tỷ lệ muỗi vằn không mang Wolbachia, các nhà khoa học khuyến cáo người dân vẫn nên áp dụng các biện pháp phòng tránh muỗi đốt và xua, diệt muỗi thường áp dụng trong gia đình (cũng không cần lo giết nhầm muỗi “lành” mang Wolbachia).

2. Phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu năm (18/01/2018)

Theo báo Nhân dân điện tử, Hiện nay, các bệnh dịch nguy hiểm và mới nổi như: cúm A (H7N9), Mers-CoV, sốt vàng, dịch hạch... vẫn đang diễn biến phức tạp tại một số quốc gia. Mùa đông - xuân, thời tiết lạnh, độ ẩm cao sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như: cúm gia cầm, ho gà, bạch hầu, sởi, rubella, viêm màng não do não mô cầu, tiêu chảy, liên cầu lợn... Vì vậy, nguy cơ xâm nhập và bùng phát dịch bệnh ở nước ta trong thời gian tới là rất lớn.

Nhận định về tình hình dịch bệnh năm 2018, nhất là dịch bệnh trong mùa đông - xuân ở nước ta hiện nay, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: Các bệnh nguy hiểm và mới nổi luôn có nguy cơ xâm nhập và bùng phát thành dịch. Trong mùa đông - xuân, do thời tiết lạnh, độ ẩm cao, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, các lễ hội đầu xuân tập trung đông người làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm. Ngoài ra, tỷ lệ tiêm chủng mới đạt hơn 95% quy mô xã, phường; chưa quản lý tốt các đối tượng tiêm chủng, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, khu vực có số dân biến động lớn sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng…

Ðể chủ động phòng chống dịch bệnh ngay từ đầu năm, Bộ Y tế yêu cầu ngành y tế các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh năm 2018 trình UBND tỉnh, thành phố phê duyệt trong thời gian sớm nhất. Ðồng thời, tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh, các ổ dịch, nhất là các bệnh nguy hiểm và mới nổi, xử lý ngay, không để bùng phát. Ngành y tế các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành có liên quan, chính quyền các cấp đẩy mạnh các hoạt động quản lý, kiểm soát việc buôn bán, lưu thông gia cầm, các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc. Tập trung tuyên truyền phòng chống các bệnh truyền nhiễm lưu hành và các bệnh phòng được bằng vắc-xin.

3. Sắp xếp các đơn vị sự nghiệp ngành y tế theo hướng tinh gọn, hiệu quả (18/01/2018)

Theo báo Nhân dân điện tử, Thời gian qua, Bộ Y tế là một trong những bộ, ngành đi đầu trong thực hiện sắp xếp đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập. Nhiều đơn vị cả tuyến trung ương và địa phương đều đã, đang được sắp xếp hoặc sáp nhập theo hướng tinh gọn phát triển, hiệu quả, hội nhập quốc tế tạo thuận lợi để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Theo đó, tại tuyến y tế trung ương, các vụ, cục được sắp xếp, thu gọn đầu mối từ 94 phòng xuống còn 59 phòng, giảm khoảng 105 cán bộ lãnh đạo cấp phòng. Ðối với đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế các tỉnh, thành phố cũng đang được thực hiện sắp xếp lại.

Theo số liệu tổng hợp, đến hết tháng 12-2017, đã có 52 tỉnh, thành phố quy định thực hiện CDC. Về biên chế, hiện có khoảng 17 nghìn viên chức sự nghiệp đang làm việc tại các đơn vị y tế tuyến tỉnh, trong đó nhân lực hành chính khoảng 3.400 người. Số người làm việc được xác định trên cơ sở vị trí việc làm (theo Luật Viên chức) dự kiến sẽ giảm khoảng 2.140 người (chủ yếu là làm công việc hành chính như lái xe, thủ quỹ, văn thư, kế toán…), tiết kiệm khoảng hơn 154 tỷ đồng/năm cho ngân sách nhà nước.

Với quy hoạch phát triển ngành y tế đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 trên cơ sở chỉ đạo của Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19 của Hội nghị T.Ư 6 (khóa XII), ngành y tế sẽ thành lập Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật trung ương trên cơ sở sáp nhập các cục phụ trách công tác chuyên môn trong khối y tế dự phòng thành một đơn vị

THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Gần một nửa triệu trẻ em đang được chủng ngừa bệnh bạch hầu ở Cox's Bazar (14/01/2018)

Theo công bố của WHO ngày 14/01/2018, tại Cox's Bazar, Bangladesh, đã có hành động mạnh mẽ đối với hiện tượng bùng phát bệnh bạch hầu. Theo đó, WHO, UNICEF và bộ phận y tế đang làm việc với Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình của Bangladesh để tiêm phòng hơn 475.000 trẻ em ở các trại tị nạn Rohingya, Bangladesh, các khu định cư tạm thời và các khu vực xung quanh.

Gần 150.000 trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 7 tuổi được chủng ngừa vắc-xin phòng uốn ván, uốn ván, ho gà, bệnh viêm gan loại B và viêm gan B) và gần 166.000 trẻ em từ 7 đến 17 tuổi được chủng ngừa uốn ván và bạch hầu (Td) trong một chiến dịch tiêm phòng ba tuần kết thúc vào ngày 31 tháng 12. Hai đợt tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh bạch hầu, trong khoảng thời gian một tháng, được lên kế hoạch để bảo vệ đầy đủ các trẻ em trong các trại và khu vực xung quanh.

WHO, UNICEF và các đối tác y tế khác đang làm việc với Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình để thành lập các địa điểm cố định để tiêm chủng tại các trại của người Rohingya để tiếp tục cung cấp vắc-xin cứu sinh cho trẻ em, phù hợp với chương trình tiêm chủng ở trẻ em của Bangladesh.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,