1. LƯỢC SỬ VỀ PHÒNG CHỐNG CÔN TRÙNG
Vào cuối thế kỷ 19, người ta phát hiện ra một số loài côn trùng, động vật chân đốt là trung gian truyền bệnh quan trọng ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới như: sốt rét, sốt xuất huyết, giun chỉ, sán máng, viêm não Nhật Bản, trypanosoma…. Chúng không những gây nguy hại đến tính mạng về con người mà còn ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế xã hội do làm mất thời gian, chi phí chữa bệnh và phòng chống véc tơ truyền bệnh.
Do một số bệnh truyền nhiễm cho đến nay chưa có vắc xin hoặc thuốc điều trị đặc hiệu nên việc quản lý và theo dõi dịch bệnh chủ yếu là giám sát côn trùng trung gian truyền bệnh (véc tơ). Công tác phòng chống véc tơ ban đầu dựa vào biện pháp cơ học bao gồm: làm lưới che nhà cửa, dùng màn hoặc làm thay đổi môi trường sống như: san lấp đầm lầy hoặc các vũng nước là nơi véc tơ truyền bệnh đẻ trứng, hoặc phun dầu vào các ổ đẻ trứng…
Năm 1940, việc khám phá ra DDT (dichlorodiphenyltrichloethane) là bước đột phá trong phòng chống bằng hóa chất đối với một số loài côn trùng như muỗi, ruồi đốt máu, ve, bọ chét và chấy rận…, đặc biệt vào thập niên 1950 - 1960, có rất nhiều nước trên thế giới sử dụng biện pháp phun DDT rộng rãi nhằm phòng chống và tiêu diệt những bệnh do côn trùng truyền. Biện pháp này tỏ ra hiệu quả mang đến thành công bước đầu, do vậy một số nước có xu thế ngừng hoặc giảm các hoạt động khác nhằm phòng chống côn trùng truyền bệnh. Tuy nhiên sự thành công đã không mang tính bền vững do côn trùng thường phát triển tính kháng với các loại hóa chất đang sử dụng, thực trạng đó đặt ra nhu cầu cần phát triển các loại hóa chất mới với chi phí tăng gấp nhiều lần.
Thành công lâu bền đối với việc phòng chống véc tơ truyền bệnh chỉ đạt được ở những nơi mà môi trường thay đổi theo hướng côn trùng truyền bệnh không thích hợp với sinh cảnh của chúng.
Lợi ích của các phương pháp thay thế hóa chất diệt như: cải tạo môi trường, phòng chống sinh học đã được hồi sinh do có sự đề kháng ngày càng tăng của côn trùng truyền bệnh, có sự đề kháng với hóa chất diệt cũng như sự ảnh hưởng đáng kể đối với môi trường khi sử dụng hóa chất diệt.
Song song với việc thích ứng những kỹ thuật phòng chống côn trùng truyền bệnh hiện có và nghiên cứu phát triển các biện pháp phòng chống mới để sử dụng thay thế hoặc kết hợp. Ở một số nơi, người ta thực hiện các chương trình phòng chống lồng ghép vào y tế cơ sở cùng các ban ngành liên quan nhằm cải thiện khả năng thực hiện các chương trình phòng chống sao cho cán bộ y tế, cộng đồng và các cá nhân có thể hành động phòng chống vì sức khỏe của chính mình và có thể tiết kiệm nguồn kinh phí đầu tư.
Ngày nay, người ta thường ưu tiên cho việc phát triển những biện pháp phòng chống đơn giản, an toàn, thích hợp, không ảnh hưởng đến môi trường và chi phí thấp để thực hiện hiệu quả côn trùng truyền bệnh (Màn ngủ, rèm cửa tẩm hóa chất; các loại bẫy; hương xua, kem xua; bã hóa chất; kỹ thuật tưới tiêu làm giảm nơi đẽ trứng của côn trùng không ảnh hưởng đến mùa màng…).
2. ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC VÀ TẦM QUAN TRỌNG ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG XÃ HỘI HIỆN NAY
2.1. Kiến ba khoang (Paederus fuscipes)
a. Đặc điểm sinh học:
Trong phân loại khoa học, họ staphylinidae có 25 loài Paederus, trong đó Paederus fuscipes phân bố rộng trên toàn thế giới và chúng phát triển trên tất cả các hệ sinh thái đồng ruộng ở các vùng nhiệt đới. Ở Việt nam, kiến ba khoang được phát hiện nhiều ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các đám ruộng bao quanh thành phố Hồ Chí Minh và một số vùng trồng rau thuộc ngoại thành Hà Nội. Con trưởng thành kiếm ăn trên mặt đất, đầm lầy và trên ruộng lúa; ban đêm kiến ba khoang thường bay vào nhà vì bị thu hút bởi ánh sáng đèn.
Vòng đời:
Vòng đời kiến ba khoang phát triển qua các giai đoạn: trứng - ấu trùng (có 2 tuổi) - nhộng - thành trùng. Trong đó, thời gian ủ trứng trung bình là 3-19 ngày, ấu trùng tuổi 1 là 4-22 ngày, ấu trùng tuổi 2 là 7-36 ngày, giai đoạn nhộng là 3-12 ngày (giai đoạn này thường xảy ra trong hang đất ẩm ướt bên dưới mặt đất), cả vòng đời của kiến ba khoang kéo dài từ 22-50 ngày (trung bình 36 ngày). Con cái đẻ từ 18-100 trứng (trung bình 70-80 trứng) và tỷ lệ trứng nở là rất cao 95-100%. Tuổi thọ của thành trùng kéo dài khoảng 38-40 ngày, con đực thường sống lâu hơn con cái. Mật độ phát triển cao từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 10.
b. Tầm quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng:
Gây hoang mang lo lắng cho người dân ở những vùng đô thị vì khi tiếp xúc phải chất dịch tiết ra từ cơ thể chúng sẽ gây tổn thương trên da. Chất độc Pederin có trong cơ thể kiến ba khoang có tính xuyên thấm qua da, cho nên khi chúng bị chà xát hay chạm mạnh thì độc tố có thể tiết ra ngoài, dính vào da người gây cảm giác cháy da, đau đớn. Hàm lượng chất độc ở con cái thường cao hơn gấp 10 lần so với con đực.
Tuy nhiên, kiến ba khoang cũng có thể giúp cho người dân ở các vùng nông nghiệp được một số lợi ích đáng kể vì chúng có khả năng săn mồi rất cao, khi ăn một số loài sâu hại quan trọng như: rầy nâu, rầy sanh hai chấm, rầy phấn trắng và rầy mềm…
2.2. Bọ xít (Triatoma rubrofasciata)
a. Đặc điểm sinh học:
Triatominae là một phân họ côn trùng trong họ Reduviidae. Có khoảng 130 loài là haematophagous sống bằng máu của các động vật có xương sống, một số ít các loài khác lại sống nhờ các động vật không xương sống. Chúng được tìm thấy chủ yếu ở châu Mỹ, số ít ở châu Á, châu Phi và châu Úc. Ở Việt Nam, mới chỉ phát hiện được 3 loài (Triatoma rubrofasciata - De Geer, 1773; Triatoma bouvieri - Larrousse, 1924 và Triatoma migrans - Breddin, 1903). Trong đó, bọ xít Triatoma rubrofassiata còn được gọi là bọ xít hút máu, chúng xuất hiện khắp các khu dân cư và ở cả một số thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Ổ bọ xít hút máu có cùng chung một tính chất là tập trung ở gần nơi sinh sống của con người có điều kiện ẩm thấp, hoặc các kho chứa gỗ vụn, củi hoặc các vật dụng bỏ đi. Bọ xít sống chui rúc, lẩn trốn ban ngày và đi hút máu vào ban đêm nhờ nhiệt tỏa ra từ vật chủ và sự hấp dẫn bởi ánh sáng đèn. Các con trưởng thành sẽ phát ra một mùi cay, hôi khi cảm thấy bị đe dọa, và có khả năng phát ra âm thanh bằng cách cọ xát mũi ở một cái khe nhỏ dưới đầu nhằm thu hút đồng loại.
Vòng đời:
Vòng đời bọ xít Triatoma rubrofasciata bao gồm các giai đoạn: trứng - nhộng - con trưởng thành. Bọ xít trải qua các giai đoạn lột xác không hoàn toàn, một con nhộng hình sao không cánh nở ra từ một quả trứng, chỉ bằng đầu của một cái nĩa. Nó lần lượt mọc ra 1 cánh, 2 cánh cho đến khi đầy đủ 5 cánh. Sau cùng chúng trưởng thành, và có thêm 2 cánh. Tất cả các con nhộng và con trưởng thành đều hút máu trong quá trình phát triển của bọ xít, một con bọ xít hút máu có thể sinh sản 100-200 trứng ở bất cứ nhiệt độ, môi trường nào và 80% trong số đó tồn tại được nếu có đủ thức ăn. Bọ xít sống rất dai, chỉ cần hút máu 2-3 lần/năm là có thể sống cả vòng đời khoảng từ 350-400 ngày.
b. Tầm quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng:
Bọ xít Triatoma rubrofasciata là một loài côn trùng hút máu nên vết chích của nó khiến con người khó chịu, dị ứng rộng, thậm chí gây sốt nhất là với trẻ em. Ngoài ra, loài này được biết đến là một véc tơ phụ truyền ký sinh trùng Trypanosoma cruzi ở Châu Mỹ La Tinh gây ra bệnh Chagas (một loại bệnh gây tắc nghẽn mạch máu, làm xơ tim, nhiễm trùng máu), bệnh Chagas đã lan ra nhiều nước ở khắp các châu lục bởi xu thế hội nhập và mở cửa nền kinh tế…
Ở Việt Nam, bọ xít hút máu Triatoma rubrofasciata gây ra nhiều băn khoăn và lo lắng trong người dân. Kể từ đầu năm 2010 đã ghi nhận 86 lần bọ xít đã tấn công hút máu người trong đó 63/86 đốt người lớn và 23/86 đốt trẻ em. Cụ thể, bọ xít đốt vào cơ thể gây ngứa và sưng, tuy nhiên đến nay chưa có nghiên cứu nào về ký sinh trùng có trong bọ xít hút máu và khả năng lây truyền sang người.
2.3. Ruồi Glossina
a. Sinh học:
Ruồi Glossina có khoảng 30 loài, trong đó số loài và các chi như: Tsetse flies, Palpalis flies; Tabanids, Stomoxes, haematobia, hippoboscidae. Chúng phân bố rất rộng chủ yếu ở vùng nhiệt đới Châu Phi, từ 15 độ vĩ bắc 20 độ Nam và lan rộng ra một số nước châu Á và Nam Mỹ.
Tại Việt Nam, có 4 loài ruồi hút máu, 2 loài phổ biến ở tất cả các vùng là Stomoxys calcitrans và Liperosis exigua; 2 loài chỉ thấy ở những vùng sinh cảnh đặc biệt là Bdellolarynx sanguinolentus (chỉ xuất hiện ở vùng có độ cao dưới 1000 mét), Stomoxys indica (chỉ thấy ở vùng núi Cẩm Thuỷ - Thanh Hoá).
Vòng đời:
Ruồi Glossina có vòng đời khá bất thường đối với một con côn trùng. Chúng sinh sản rất nhanh và bất cứ khi nào có thể với số lượng rất lớn ruồi cái để duy trì khả năng sinh tồn. Tuy nhiên, ruồi Glossina chỉ đẻ một ấu trùng tại một thời điểm và ấu trùng được ủ bên trong cơ thể cho đến khi ấu trùng được phát triển đầy đủ.
Vòng đời của Ruồi Glossina trải qua các giai đoạn như sau: ấu trùng - nhộng - con trưởng thành. Sau khi giao phối, trứng sẽ nở thành ấu trùng và ở lại trong bụng ruồi cái khoảng từ 7 đến 9 ngày trước khi ấu trùng được đẻ ra ngoài. Ấu trùng mới sinh được phát triển đầy đủ và không ăn, chúng tìm kiếm một nơi thích hợp để phát triển thành nhộng, thường là ở dưới lòng đất hoặc ở nơi đất cát lỏng lẻo. Các ấu trùng bắt đầu chuyển đổi thành một con nhộng bằng cách làm tròn lên thành một hình dạng thùng. Quá trình này thường bắt đầu khoảng 1 giờ sau khi đẻ. Khoảng một vài giờ thì lớp vỏ ngoài của nhộng được gọi là puparium sẽ cứng dần và có màu tím nâu sẫm. Khoảng một tháng sau khi hóa nhộng, ruồi sẽ phá vỡ lớp vỏ ngoài và trở thành con trưởng thành. Việc phá vỡ lớp vỏ ngoài diễn ra nhanh trong khoảng thời gian là 5 giây. Khoảng 15 phút sau khi ra ngoài cơ thể sẽ hoàn toàn khô, cứng và ruồi có khả năng bay.
Ruồi cái trưởng thành có kích thước từ dài 6mm - 13mm, có thể sống
từ 1 – 3 tháng và chúng sẽ bay đi tìm mồi hút máu và giao phối, toàn bộ chu kỳ bắt đầu một lần nữa.
b. Tầm quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng:
Một số loài với số lượng rất đông và có thể gây ra mối phiền hà lớn, gây rất khó chịu cho người đang làm việc và nghỉ ngơi bởi sự có mặt của chúng là dấu hiệu của điều kiện mất vệ sinh.
Ruồi có thể truyền bệnh bởi vì chúng tự do kiếm ăn trên các thức ăn của người và các chất dơ bẩn tương tự. Đa số mầm bệnh do ruồi truyền đều nhiễm trực tiếp qua đường thức ăn, nước uống, không khí, tay và sự tiếp xúc giữa người và người với các bệnh truyền nhiễm đường ruột (kiết lỵ, ỉa chảy, tả, thương hàn và một số bệnh giun sán nhất định…) và bệnh ngoài da (nấm, phong, mụn cóc..).
Chúng cũng có thể đốt chích rất đau, sau đó đôi khi sưng tấy và viêm, sự kích thích có thể kéo dài hàng tuần. Ở một số vùng nhiệt đới, khi bị ruồi đốt, có thể có nguy cơ nhiễm một số bệnh đặc biệt là Trypanosoma. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào về ký sinh trùng có trong ruồi và khả năng lây truyền sang người ở Việt Nam.
3. CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG
3.1. Phương pháp sinh học:
a. Phương pháp sinh thái và môi trường:
Phương pháp này làm thay đổi môi trường sinh trưởng, ngăn ngừa sự sinh sản và phát triển của côn trùng như: phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh tạo dòng chảy để diệt ấu trùng, đổ dầu, thả hạt xốp hay bèo che mặt nước, cải tiến hệ thống tưới tiêu và vệ sinh môi trường.
b. Phương pháp đấu tranh sinh học
Ứng dụng đấu tranh sinh học trong sinh giới để hạn chế sự phát triển của côn trùng như: sử dụng các loài thiên địch, vi khuẩn, nấm gây bệnh, côn trùng ăn côn trùng, các động vật có xương sống ăn côn trùng…
Ở một vài nơi, người ta dùng các loài vật nuôi để thu hút côn trùng để tránh bị đốt và không làm tăng ái tính của côn trùng đối với người.
c. Ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao trong sinh học:
Chiếu tia phóng xạ gây biến đổi gen và tạo ra các chủng côn trùng giống đực thuần chủng mất khả năng sinh sản rồi thả chúng vào tự nhiên. Các con đực này sẽ cạnh tranh giao phối và làm giảm tỷ lệ sinh sản của côn trùng.
3.2. Phương pháp vật lý:
Các biện pháp vật lý có từ cổ xưa khá đơn giản nhằm để xua, diệt, ngăn côn trùng tiếp xúc đốt người dưới các hình thức cơ học như đập, xua bằng cành lá, hun khói, thay đổi kết cấu nhà, đóng kín cửa, mặc quần áo dài…
Các biện pháp mới hơn như lưới chống côn trùng cho cửa nhà ở hoặc nằm màn tránh côn trùng đốt. Trong những năm gần đây là vợt tích điện bằng lưới kim loại, một số dụng cụ dùng điện làm bốc hơi chất lỏng, các loại bẫy côn trùng dùng bằng ánh sáng đèn hoặc dùng tia X gây tiệt dục ở một số loài côn trùng giống đực hoặc dùng các thiết bị sóng siêu âm để xua đuổi côn trùng và các máy này được chế tạo nhỏ như đồng hồ đeo tay chạy pin, các phần mền điện tử trên các điện thoại di động có thể phát ra sóng siêu âm xua đuổi côn trùng.
3.3. Phương pháp hóa học:
Hiện nay các biện pháp hóa học thường được sử dụng rộng rãi để diệt côn trùng vì các ưu điểm sau:
- Nhiều loại hóa chất diệt côn trùng đã được tổng hợp, tác dụng của các loại hóa chất này rất đa dạng, có tác dụng tồn lưu lâu dài, ít độc hại với người và động vật máu nóng. Khi côn trùng kháng với một loại hóa chất này thì người ta có thề thay bằng một hóa chất khác.
- Hiệu quả của biện pháp hóa học có tính chất chung và phổ biến, không phụ thuộc nhiều thuộc đặc điểm địa lý, văn hóa, xã hội của cộng đồng.
- Có thể áp dụng trên diện rộng và đem lại hiệu quả cao trong thời gian ngắn, nhất là trong các vụ dịch do côn trùng truyền.
- Một vài lợi ích về kinh tế khi sử dụng để diệt một số côn trùng truyền bệnh.
Có thể kể đến một số biện pháp như:
- Phun hóa chất trong không gian hoặc phun tồn lưu hóa chất trên tường vách trong và ngoài nhà.
- Tẩm hóa chất tồn lưu vào chăn, màn, rèm cửa, tấm bọc võng.
- Các loại hương trừ muỗi có tẩm hóa chất; hóa chất dạng kem xua côn trùng; bã diệt côn trùng có tẩm hóa chất…
- Sử dụng chất điều hòa sinh trưởng làm ngăn quá trình lột xác và diệt ấu trùng khi loài côn trùng cần diệt đã kháng với hóa chất hoặc do không thể sử dụng hóa chất vì làm ảnh hưởng đến môi trường.
Một số hóa chất có thể sử dụng dùng làm bả diệt như các hợp chất hữu cơ (dichlovos, diazion…); hợp chất carbamat (propoxur, formaldehyd ..). Hóa chất sử dụng làm kem xua như DEET, tinh dầu thiên nhiên như xả, neem Ấn Độ hoặc một số loại nhựa được chiết xuất từ các loại cây gỗ; hóa chất bốc hơi, hương xua côn trùng như allerthrin, D-phenothrin… Chất điều hòa sinh trưởng (Juvenin hormone analogue, Chitin synthesis inhybirors). Các hóa chất sử dụng để phun tồn lưu, phun không gian hoặc tẩm màn như các hóa chất nhóm pyrethroid: alpha-cypermethrin, cyfluthrin,deltamethrin, permethrin, lambda-cyhalothrin …
4. LỰA CHỌN BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG CÔN TRÙNG
Các phương pháp phòng chống côn trùng truyền bệnh đặc biệt được áp dụng trong cộng đồng phụ thuộc vào tình hình địa phương cũng như tập quán của người dân tại nơi đó. Trên thực tế, có những phương pháp được ứng dụng thích hợp ở nơi này nhưng có thể không nhất thiết thích hợp ở nơi khác mặc dù các đặc điểm của bệnh và côn trùng truyền bệnh không thay đổi. Sự lựa chọn phương pháp thường phụ thuộc vào ngân sách và cán bộ được đào tạo, trình độ phát triển kinh tế xã hội của cộng đồng và địa phương cùng với sự phát triển các dịch vụ y tế tại cơ sở
Bên cạnh đó, những chiến dịch phòng chống côn trùng truyền bệnh với quy mô nhỏ, lớn thường không thực hiện được, cả vì lý do tài chính, kỹ thuật văn hóa vùng miền, sinh thái học đa dạng của các loài, cũng như làm tổn hại đến môi trường…
Do đó, để có được biện pháp phòng chống côn trùng phù hợp nhất, cần phải nắm rõ được thành phần loài, sinh lý, sinh thái của các nhóm côn trùng (môi trường sống, thời gian và các hoạt động đốt mồi…) để sử dụng các biện pháp phòng chống đối với từng loài côn trùng truyền bệnh nhằm đạt hiệu quả tốt nhất (tính khả thi, vật liệu và phương tiện tại chổ, phương pháp đơn giản dễ hiểu, có tính ứng dụng cao, phù hợp với tập quán địa phương, an toàn với người sử dụng và được sự chấp nhận của cộng đồng...).
Có thể lựa chọn các biện pháp phòng chống côn trùng như sau:
Loài côn trùng | Đốt mồi trong/ ngoài nhà (I/O) | Đốt mồi ngày/ đêm (D/N) | Phòng chống cá nhân | Phòng chống cộng đồng | |||||||
Bảo vệ cá nhân | Nhà có lưới chống côn trùng | Huỷ nơi để trứng trong và ngoài nhà | Các biện pháp kiểm soát khác | Phun tồn lưu trên tường vách | Phun không gian | Giàm nơi đẻ trứng ngoài đồng ruộng | Biện pháp chống con trưởng thành khác | ||||
Hoá chất xua, diệt, quần áo bảo hộ | Màn, rèm, chăn, võng | ||||||||||
Kiến | O | N/D | ++ | ++ | ++ | - | +/- | +/- | - | ++ | +/- |
Bọ xít | I/O | D | ++ | ++ | ++ | + | +/- | +/- | - | - | - |
Ruồi | O | D | ++ | - | - | + | + | - | + | - | + |
Ghi chú:
++: Có hiệu lực I : Trong nhà (indoor)
+ : Thường có hiệu lực O : Ngoài nhà (outdoor)
+/-: Đôi khi có hiệu lực D : Ngày (day)
- : Không có hiệu lực N : Đêm (night)
ThS. Mai Đình Thắng, CN. Đỗ Quốc Hoa tổng hợp
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Jan A. Rozendaal (2000), “Phòng chống vật truyền bệnh”, NXB Y học Hà Nội.
2. Lê Công Danh (2012), “ Đặc điểm hình thái học, đặc tính sinh học và khả năng ăn mồi của loài kiến ba khoang đuôi nhọn Paederus fuscipes”, luận văn tốt nghiệp kỹ sư bảo vệ thực vật.
3. Nguyễn Thị Khuyên (2013), “ Nghiên cứu hình thái học và một số đặc điểm sinh học, sinh thái học của loài bọ xít hút máu Triatoma rubrofasciata”, luận văn thạc sỹ.
4. http://www.raywilsonbirdphotography.co.uk/Galleries/Invertebrates/vectors/Tsetse_Fly.html
5. https://vi.wikipedia.org/wiki/Ki%E1%BA%BFn_ba_khoang
6. https://vi.wikipedia.org/wiki/Triatominae
7. https://vi.wikipedia.org/wiki/Ruồi_xê_xê
8. http://www.vast.ac.vn/cac-de-tai-nghien-cuu-khoa-hoc-va-phat-trien-cong-nghe?start=60?option=com_detai&view=detai&id=816 1
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN SỐT RÉT - KÝ SINH TRÙNG - CÔN TRÙNG - TP. HỒ CHÍ MINH
Số 685 Trần Hưng Đạo - Phường 1 - Quận 5 - TP. Hồ Chí Minh | www.impehcm.org.vn
Điện thoại: 84-028-3923.7117 / 3923.9940 / 3923.7422 / 3923.8091 / 3923.9946 - Fax: 84-8-3923.6734
Giấy phép số 125/GP-BC (9/4/2007)