1. Một số thông tin về bệnh viêm da hoại tử Buruli
Loét Buruli (viêm da hoại tử Buruli) là một bệnh suy nhược mãn tính đang gây ra gánh nặng về y tế ở 33 quốc gia- những nơi có khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới và ôn đới, đặc biệt là ở Châu Phi, Nam Mỹ và khu vực Tây Thái Bình Dương. Là bệnh gây tổn thương đến da, xương, có thể dẫn đến biến dạng vĩnh viễn và tàn tật lâu dài. Đây là một trong những bệnh nhiệt đới đang dần bị lãng quên, ngày nay thách thức lớn nhất trong dịch tễ học và kiểm soát bệnh loét Buruli là ổ chứa mầm bệnh và phương thức lan truyền chưa được biết rõ, nên chưa có cách phòng ngừa bệnh hiệu quả. Do đó cần phát hiện, điều trị sớm và giám sát dịch tễ học chặt chẽ về các yếu tố liên quan là rất quan trọng để kiểm soát dịch bệnh này bùng phát trong cộng đồng [1].
Hình 1.Tổn thương loét Buruli điển hình trên cánh tay của một bệnh nhân đến từ Ghana. Hoại tử trung tâm, có vảy màu trắng vàng, mép bị lõm bao quanh vết thương [4]
Để đánh giá gánh nặng toàn cầu và tiến độ kiểm soát dịch bệnh, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu dịch tễ học được các quốc gia báo cáo cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong giai đoạn 2010–2017. Trong thời gian này, có 23.206 trường hợp loét Buruli đã được báo cáo. Trên toàn cầu, số ca mắc bệnh đã giảm xuống còn 2.217 vào năm 2017, nhưng dịch bệnh cục bộ vẫn đang gia tăng như ở Úc và Liberia. Vào năm 2013, WHO đã xây dựng 4 mục tiêu chương trình đối với bệnh loét Buruli nhằm giải quyết việc chẩn đoán sớm bằng PCR, sự xuất hiện của các tổn thương loại III (rộng) và các tổn thương loét cũng như hạn chế vận động do bệnh gây ra. Năm 2004, Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) đã thông qua nghị quyết WHA 57.1, kêu gọi tăng cường giám sát và kiểm soát dịch bệnh này [5].
Hình 2. Tình hình gánh nặng về bệnh viêm da hoại tử Buruli trên phạm vi toàn cầu [5]
Loét Buruli được mô tả lần đầu tiên bởi Albert Cook vào năm 1897 ở Uganda, phải đến những năm 1930, các nhà khoa học Úc (do Peter MacCallum nghiên cứu chính) lần đầu tiên thành công trong việc nuôi cấy vi sinh vật từ các tổn thương của bệnh nhân ở vùng Bairnsdale. Tên Buruli xuất phát từ một khu vực ở Uganda, nơi có nhiều trường hợp được báo cáo ca bệnh vào những năm 1960. Tại Châu Phi, khoảng một nửa số bệnh nhân là trẻ em dưới 15 tuổi. Ở Úc, độ tuổi trung bình là khoảng 60 tuổi. Năm 1998, WHO thành lập 1 tổ chức giúp phòng chống bệnh Buruli trên phạm vi toàn cầu nhằm ứng phó với sự lây lan ngày càng tăng của căn bệnh này, đặc biệt là ở Tây Phi. Loét Buruli là do Mycobacteria gây ra, thuộc họ vi khuẩn gây bệnh lao và bệnh phong. Mặc dù tác nhân gây loét Buruli là một loại vi khuẩn hiếu khí nhưng còn phương thức lây truyền sang người vẫn chưa được biết rõ. Vi khuẩn này tạo ra một loại độc tố mycolactone, gây tổn thương cho da. DNA của tác nhân này đã được tìm thấy ở côn trùng (giai đoạn ở môi trường nước), muỗi, và vật nuôi. Giả thuyết đã được chứng minh, do tổn thương ngoài da dẫn đến việc vi khuẩn xâm nhập vào da và lớp dưới da (đang nghiên cứu ở loài chuột dẫn đến nhiễm trùng). Tuy nhiên, con đường lây truyền trong tự nhiên rất phức tạp, đa yếu tố và phụ thuộc vào hệ sinh thái địa phương. Chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng để giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh, chi phí và ngăn ngừa tình trạng tàn phế [2].
Hình 3. Phân bố địa lý của các trường hợp viêm da hoại tử Buruli [4]
Cho đến nay, chưa có thông tin ca bệnh viêm da hoại tử Buruli ghi nhận ở Việt Nam.
2. Những triệu chứng thường gặp
Bệnh thường khởi phát là các ổ viêm nhỏ dạng nốt, gây sưng, tấy, không đau, không sốt, thường ở cánh tay, chân và đôi khi ở các bộ phận khác của cơ thể. Những vùng này sau đó có thể phát triển thành vết loét hoại tử lớn với nền màu trắng và vàng, gây ra bởi độc tố mycolactone. Điều này có đặc tính ức chế miễn dịch tại chỗ khiến bệnh tiến triển nhanh chóng mà không gây đau và sốt, bệnh tiến triển thầm lặng khiến việc phát hiện sớm trở nên khó khăn do các nốt, mảng bám hoặc phù nề sẽ sớm bị loét- hoại tử trong vòng 4 tuần. Xương cũng thường bị tổn thương, gây biến dạng. Bệnh được chia thành ba loại mức độ nghiêm trọng: Loại I, tổn thương nhỏ đơn lẻ (32%) có đường kính dưới 5 cm; Loại II, mảng bám không loét, loét và dạng phù nề từ 5-15 cm (35%); và các tổn thương loại III có đường kính trên 15 cm, bao gồm các dạng lan tỏa và hỗn hợp như viêm tủy xương và tổn thương khớp (33%). Tổn thương thường xảy ra ở các chi: 35% ở chi trên, 55% ở chi dưới và 10% ở các bộ phận khác trên cơ thể. Khi các ổ viêm loét-hoại tử được điều trị sớm thì hầu hết các vết loét sẽ lành hoàn toàn. Nếu được chẩn đoán muộn hoặc không được điều trị, tình trạng này có thể dẫn đến sẹo, biến dạng vĩnh viễn và tàn phế cho bệnh nhân [1].
3. Chẩn đoán
Cần thận trọng trong chẩn đoán loét Buruli ở bệnh nhân có tổn thương cẳng chân để tránh nhầm lẫn với các nguyên nhân gây loét khác như đái tháo đường, tổn thương do suy động mạch, tĩnh mạch…
Trong hầu hết các trường hợp, các chuyên gia y tế có kinh nghiệm ở các vùng lưu hành bệnh có thể đưa ra chẩn đoán dựa trên lâm sàng với các triệu chứng điển hình thường gặp. Cần phân biệt bệnh loét Buruli bao gồm loét do thể trực khuẩn nhiệt đới, loét mạn tính ở cẳng chân do suy động mạch và tĩnh mạch (thường ở người cao tuổi), loét do tiểu đường, bệnh leishmania ở da, loét ghẻ cóc lan rộng và loét do Haemophilus ducreyi gây ra. Các tổn thương dạng nốt và sẩn sớm có thể bị nhầm lẫn với vết cắn của côn trùng, mụn nhọt, u mỡ, hạch, lao hạch, nốt sần do giun chỉ hoặc nhiễm nấm sâu dưới da. Viêm mô tế bào có thể trông giống như phù nề do một số tác nhân gây nhiễm trùng khác nhưng trong trường hợp viêm mô tế bào sẽ có cảm giác đau và sốt. Đặc biệt khi các bệnh nhân đồng nhiễm HIV/AIDS sẽ gây khó khăn, phức tạp trong việc chẩn đoán và điều trị sớm, làm cho diễn biến lâm sàng trở nên nghiêm trọng hơn, giảm hiệu quả điều trị.
4. Một số xét nghiệm cận lâm sàng
Đáng tin cậy nhất là xét nghiệm sinh học phân tử (PCR), soi kính hiển vi trực tiếp, mô bệnh học và nuôi cấy. Vi khuẩn phát triển tốt nhất ở nhiệt độ từ 29–33 °C (Mycobacteria lao phát triển ở 37 °C) và cần nồng độ oxy thấp (2,5%). Năm 2019, WHO đã thành lập Mạng lưới Phòng thí nghiệm về loét Buruli ở Châu Phi [1], gồm 13 phòng thí nghiệm tham gia vào mạng lưới này, được hỗ trợ bởi Hiệp hội bệnh phong Hoa Kỳ, Anesvad, Quỹ Raoul Follereau và được điều phối bởi Trung tâm Pasteur của Cameroon, giúp tăng cường phát hiện bệnh này tại 9 quốc gia có lưu hành nặng ở Châu Phi. Vào năm 2021, WHO đã hoàn thành bộ tài liệu hướng dẫn giúp chẩn đoán bệnh loét Buruli một cách nhanh chóng, kịp thời [3].
5. Điều trị
Để hạn chế tình trạng kháng thuốc, cần sự phối kết hợp của nhiều loại thuốc kháng sinh và phương pháp điều trị bổ sung khác. Kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy sự kết hợp của rifampicin (10 mg/kg một lần mỗi ngày) và clarithromycin (7,5 mg/kg hai lần mỗi ngày) hiện là phương pháp điều trị được WHO đưa ra khuyến nghị. Ở Úc, sự kết hợp của rifampicin (10 mg/kg một lần mỗi ngày) và moxifloxacin (400 mg một lần mỗi ngày) được sử dụng rộng rãi cho thấy kết quả điều trị tốt. Vật lý trị liệu, phục hồi chức năng là cần thiết trong những trường hợp nặng để ngăn ngừa tình trạng khuyết tật. Những người bị khuyết tật cần được phục hồi chức năng lâu dài. Những biện pháp can thiệp tương tự này cũng thường áp dụng cho các bệnh nhiệt đới bị lãng quên khác như bệnh phong và bệnh giun chỉ bạch huyết [3].
6. Biện pháp phòng, chống bệnh viêm hoại tử Buruli
Hiện tại vẫn chưa tìm ra biện pháp có hiệu quả giúp phòng, chống bệnh viêm hoại tử Buruli mà nguyên nhân chính là do cơ chế về phương thức lây truyền chưa rõ ràng. Giống như bệnh Lao, một số nhà khoa học đã thử nghiệm vaccin chủng ngừa Bacillus Calmette–Guérin (BCG) nhưng không hiệu quả. Mục tiêu của việc kiểm soát bệnh loét Buruli là giảm thiểu tổn thương, khuyết tật và gánh nặng kinh tế xã hội. Do đó việc phát hiện sớm và điều trị bằng kháng sinh phối hợp vẫn được ưu tiên hiện nay [2].
7. Khuyến cáo của WHO
WHO đã cung cấp hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng chính sách và điều phối các nỗ lực kiểm soát và nghiên cứu căn bệnh này. WHO đã thường xuyên tập hợp tất cả các bên liên quan đến bệnh loét Buruli để chia sẻ thông tin, điều phối các nỗ lực nghiên cứu và kiểm soát bệnh. Sự hỗ trợ của WHO đã hướng tới ba ưu tiên nghiên cứu: cần làm rõ phương thức lan truyền bệnh, phát triển các xét nghiệm chẩn đoán nhanh, thiết lập phương pháp điều trị bằng kháng sinh tốt nhất để đảm bảo tính hiệu quả, tính bền vững và khả thi của các chính sách tại các khu vực khác nhau trên thế giới [5].
BS. Nguyễn Văn Hoàn (tổng hợp và dịch)
Nguồn tham khảo:
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN SỐT RÉT - KÝ SINH TRÙNG - CÔN TRÙNG - TP. HỒ CHÍ MINH
Số 685 Trần Hưng Đạo - Phường 1 - Quận 5 - TP. Hồ Chí Minh | www.impehcm.org.vn
Điện thoại: 84-028-3923.7117 / 3923.9940 / 3923.7422 / 3923.8091 / 3923.9946 - Fax: 84-8-3923.6734
Giấy phép số 125/GP-BC (9/4/2007)