Bệnh giun kim: Nhân một trường hợp được xét nghiệm và ghi hình

Giun kim (Enterobius vermicularis) là một loại ký sinh trùng có mặt trên khắp thế giới với tỷ lệ nhiễm tương đối cao và ước tính có khoảng 200 triệu người nhiễm trên toàn cầu. Thời gian qua, Phòng khám bệnh chuyên khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận nhiều trường hợp đến khám và điều trị bệnh, trong đó có cả những người lớn tuổi. Để mô tả cụ thể tác nhân gây bệnh, nhân một trường hợp nam sinh viên đến khám, Phòng khám đã xét nghiệm soi phân tươi trực tiếp và và ghi nhận hình ảnh dưới kính hiển vi quang học, chúng tôi phát hiện có rất nhiều trứng giun kim và có cả giun trưởng thành đang hoạt động.

Giun kim trưởng thành và trứng giun kim khi soi phân trực tiếp

Giun kim được lây truyền qua con đường ăn uống do dùng tay gãi hậu môn có chứa trứng giun kim sau đó cầm thức ăn hoặc mút tay ở trẻ nhỏ. Ngoài ra, trứng giun kim sau khi sinh và phát triển thành ấu trùng giun kim tại nếp hậu môn thì ngược lên manh tràng phát triển thành giun trưởng thành, kiểu này hiếm gặp.

Khi mắc bệnh, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như ngứa quanh hậu môn (nhất là vào ban đêm), trẻ em thường quấy khóc về đêm do ngứa hậu môn và khi quan sát ở rìa hậu môn có thể thấy giun kim cái ở rìa hậu môn. Không những vậy, chúng ta còn có thể thấy ấu trùng giun kim trong phân. Ngoài ra, do giun kim sống tại vùng hậu môn nên có thể chui vào âm đạo gây ngứa âm đạo, rối loạn kinh nguyệt. Một số ít trường hợp giun kim chui vào ruột thừa, gây nên tình trạng viêm ruột thừa. Việc mắc bệnh lâu dài làm người bệnh thiếu máu mạn tính với các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt.

Để phòng ngừa việc lây nhiễm giun kim, chúng ta cần nâng cao ý thức vệ sinh bảo vệ môi trường không bị nhiễm phân, đặc biệt là nền nhà, giường chiếu và quần áo trẻ em. Thực hiện ăn chín, uống sôi. Phụ huynh nên vệ sinh cá nhân tốt cho con trẻ như cắt ngắn móng tay, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Song song đó, không để trẻ mặc quần hở đũng, rửa hậu môn cho trẻ hàng ngày bằng xà phòng vào các buổi sáng. Việc dự phòng quan trọng và hiệu quả nhất là uống thuốc tẩy giun định kì 2 lần/năm.

Tóm lại, phòng ngừa lây nhiễm là quan trọng nhất. Tuy nhiên, khi có các triệu chứng trên, người dân hãy đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, điều trị đúng và hiệu quả.

BS. Nguyễn Bá Nam, BS. Phạm Thị Thiên Lý, CN. Nguyễn Thanh Hoàng