Bệnh Giun đầu gai

Bệnh nhân nam sinh năm 1964, ngụ ở huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước đến khám tại Phòng khám chuyên khoa Ký sinh trùng do nổi mề đay, ngứa toàn thân 1 - 2 năm nay. Do dịch bệnh Covid - 19 nên bệnh nhân khám và điều trị tại địa phương nhưng không đỡ, trên da dần xuất hiện thêm nhiều tổn thương và vết thâm. Đến ngày 08/04/2022 bệnh nhân tới khám tại Phòng khám của Viện. Thăm khám cho thấy trên cơ thể có nhiều vùng bầm tím, tập trung nhiều ở hố nách, khuỷu tay chân, bẹn; kẽ ngón bàn tay, bàn chân có nhiều tổn thương loét, trầy tróc; da có sẩn dạng chấm nhiều chi chít thành từng mảng; bệnh nhân ăn uống kém, mệt mỏi nhiều. Xét nghiệm máu thấy tăng bạch cầu đa nhân trung tính, xét nghiệm ELISA dương tính với ấu trùng giun đầu gai. Bác sĩ đã chỉ định điều trị phối hợp thuốc uống và bôi, hẹn 1 tháng sau tái khám.

Kết quả tái khám sau 1 tháng điều trị thấy các tổn thương trên da bệnh nhân đã lành, da còn sạm, ngứa giảm nhiều, không còn nổi mề đay bất thường. Sau gần 2 tháng điều trị, hình ảnh do bệnh nhân cung cấp cho thấy các tổn thương trên da đã khỏi hẳn, bệnh nhân không còn ngứa, ăn uống tốt, da dẻ hồng hào trở lại.

Các hình ảnh so sánh tại cùng vị trí trước và sau điều trị bệnh:

Hình 1. Ban xuất huyết tại hố nách trước và sau điều trị (A: ngày 8/4/2022; B: ngày 29/5/2022)

Hình 2. Các sẩn dạng chấm nhiều chi chít thành mảng tại vùng trước khuỷu tay trước và sau khi điều trị (A: ngày 8/4/2022; B: ngày 29/5/2022)

Hình 3. Tổn thương loét, bong tróc tại kẽ ngón bàn tay trước và sau điều trị (A: ngày 08/04/2022; B: ngày 29/05/2022)

Bệnh giun đầu gai do ấu trùng giun đầu gai ký sinh ở người gây ra. Giun đầu gai hay có tên khoa học là gnathostoma, loài thường gặp là gnathostoma spinigerum. Ký sinh trùng này lây nhiễm qua đường ăn uống các loại thực phẩm như ếch, nhái, lươn, cá, tôm, ... còn sống, chưa nấu chín kỹ hoặc các nguồn nước chứa mầm bệnh.

Phần đầu giun đầu gai có miệng và các gai giúp chúng tạo ra đường hầm di chuyển dưới da. Từ đó gây nên các triệu chứng như: viêm, áp xe, hoại tử, xuất huyết, thâm nhiễm dưới da. Ấu trùng còn có thể di chuyển tới các tạng phủ hoặc các bộ phận cơ thể gây buồn nôn, đau thượng vị, đau hạ sườn phải, bứu giả viêm ở khoang bụng, viêm mống mắt, viêm màng bồ đào, giảm sức nghe, ... Các độc tố đi kèm có thể tham gia hoặc liên quan dẫn truyền thần kinh như acetylcholine, hyaluronidase, protease, hemolysine, ... gây viêm tủy rễ thần kinh (thường gặp nhất), viêm não - màng não, đau dây thần kinh hoặc liệt, mất cảm giác một vài ngày,...

Hiện tại chưa có tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán bệnh, mà phải hội tụ đủ 3 yếu tố: dịch tễ, lâm sàng, cận lâm sàng. Vì vậy cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và tư vấn điều trị sớm, tránh để bệnh kéo dài dẫn đến các biến chứng nguy hiểm hơn.

BS.Nguyễn Thảo Phương

TÀI LIỆU THAM KHẢO

/noi-dung/kham-benh-giun-san/vai-net-so-luoc-ve-giun-dau-gai-phan-2.html