Kết quả kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại tỉnh Sóc Trăng

Thực hiện Quyết định số 4005/QĐ-BYT ngày 28/9/2015 của Bộ Y tế về việc kiểm tra, giám sát và chỉ đạo công tác SXH, ngày 09/10/2015, Đoàn công tác gồm các cán bộ Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM, Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương, Bệnh viện Nhiệt đới TP. HCM do đồng chí Phó viện trưởng Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM làm trưởng đoàn đã đến tỉnh Sóc Trăng thực hiện công tác.

Nội dung công tác:

- Làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch từ tuyến tỉnh đến tuyến xã của địa phương về việc triển khai các hoạt động tăng cường công tác PCSXH.

- Kiểm tra công tác triển khai dập dịch SXHD tại cộng đồng ở các vùng trọng điểm (diệt lăng quăng, phun hóa chất, hoạt động của CTV, truyền thông, kinh phí, vật tư hóa chất và các điều kiện triển khai hoạt động).

- Kiểm tra công tác khám, chữa bệnh SXHD tại cơ sở điều trị.

- Kiểm tra các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe của địa phương.


Đoàn công tác làm việc với Ban phòng chống dịch tỉnh Sóc Trăng
1. Tình hình SXH và hoạt động phòng chống SXH tại các tuyến

1.1.Tình hình bệnh SXH 9 tháng năm 2015

- Bệnh nhân SXH

+ Tổng số ca mắc toàn tỉnh tính đến tuần 40 là 1.221 ca, tăng 544 ca so với cùng kỳ 2014 (677 ca). Trong đó, thị xã Vĩnh Châu 678 ca, tăng 492 ca so với cùng kỳ 2014 (186 ca), chiếm 55% tổng số ca mắc của toàn tỉnh.

+ Có 7/11 địa phương có số ca mắc tăng so với cùng kỳ 2014. Tuy nhiên, chỉ có thị xã Vĩnh Châu có số mắc tăng cao so với trung bình 5 năm (2010 - 2014), các địa phương còn lại đều có số mắc thấp hơn nhiều (giảm trên 60%) so với số mắc trung bình 5 năm (2010 - 2014).

+ Trên 70% địa phương trong tỉnh có số ổ dịch tăng so với cùng kỳ. Đặc biệt là thị xã Vĩnh Châu với 121 ổ dịch, tăng 101 ổ dịch so với cùng kỳ 2014 (20 ổ dịch), không có ca tử vong.

- Kết quả giám sát huyết thanh và phân lập virút Dengue: số mẫu huyết thanh làm Mac-Elisa (55/181 mẫu ); phân lập vi rút Dengue (87/462 mẫu). Có sự hiện diện của 4 các tuýp virus D1,D2, D3 và D4; trong đó D1 chiếm ưu thế.

- Về giám sát véc tơ:

Chỉ số mật độ muỗi tăng cao chủ yếu tại thị xã Vĩnh Châu với (DI >0,6 con/nhà) từ tháng 2/2015, cao điểm ở tháng 5/2015 (DI =2.3 con/nhà) và vẫn còn ở ngưỡng nguy cơ cao với (DI ≥ 1 con/nhà).

1.2. Nhân lực phụ trách công tác sốt xuất huyết

- Tuyến tỉnh: 09 cán bộ

- Tuyến huyện: 22 cán bộ

- Tuyến xã: 109 cán bộ

- Cộng tác viên: thuộc dự án: 175, kiêm nhiệm: 776

Khi có dịch hoặc tổ chức chiến dịch sẽ có sự huy động nhân lực tùy theo mục tiêu yêu cầu đề ra.

1.3. Kinh phí, vật tư, hóa chất phòng chống dịch

- Kinh phí: 999.000.000đ từ chương trình và 2.754.000.000đ do địa phương hỗ trợ.

- Hóa chất: Hóa chất nguồn cấp cho tỉnh chủ yếu từ chương trình Dự án và tỉnh mua. Tổng số hóa chất năm 2015 là: 1.187 lít. Bao gồm các loại:

+ Permethrin 50 EC: 702 lít

+ Han-pec 50 EC : 150 lít

+ Stmed Permethrin 50 EC: 325 lít

+ K-Othrine 2EW: 10 lít

Đã cấp và sử dụng: 993 lít

Số hóa chất hiện tồn tại kho TTYTDP, tổng số là 194 lít. Bao gồm:

+ Permethrin 50 EC: 09 lít

+ Han-Pec 50 EC : 59 lít

+ Stmed Permethrin 50 EC: 126 lít

+ K- Othrin 2 EW: 0 lít

Dự kiến hóa chất sẽ thiếu để triển khai phun tiếp và dự phòng khoảng 300 lít (cung cấp hóa chất cho địa phương phải chú ý đến hạn sử dụng trước 6 tháng đến 1 năm). Nhằm đáp ứng tốt công tác phòng chống dịch của địa phương.

- Vật tư:

+ Máy hút muỗi: 30 máy (toàn tỉnh)

+ Vợt lăng quăng: 100 cây (đang sử dụng)

+ Đèn pin: 333 cây (đang sử dụng)

+ Máy phun: Tổng số máy phun đeo vai đang sử dụng tại 11 huyện/thị xã/tp là: 112 cái (Still). Tại kho TTYTDP: 34 cái (Still); 16 cái (Fontan); 2 máy phun lớn đặt trên xe ô tô ( TP.Sóc Trăng: 1 máy; TTYTDP: 1 máy).

1.4. Hoạt động của địa phương

- Có xây dựng kế hoạch hoạt động PCSXH và phân bổ kinh phí tuyến cơ sở; Có thành lập BCĐ Phòng, chống dịch, bệnh nguy hiểm trên người.

- Tổ chức truyền thông phòng chống SXH trên địa bàn toàn tỉnh. Đặc biệt tổ chức tọa đàm trực tiếp và mit tinh ngày ASEAN phòng chống SXH tại Thị xã Vĩnh Châu (15/6/2015).

- Tổ chức triển khai chiến dịch diệt lăng quăng toàn tỉnh, đặc biệt tập trung các vùng trọng điểm SXH (đã tổ chức thực hiện lần 1/địa phương, bắt đầu vào tháng 5/2015 và kết thúc trong tháng 6/2015; hiện đang ra quân diệt lăng quăng lần 2 (các địa phương đã thực hiện: Vĩnh Châu, Mỹ Xuyên, Châu Thành, Tp. Sóc Trăng; riêng Thị xã Vĩnh Châu đang chuẩn bị tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng lần 3.

- Hệ thống giám sát hoạt động đều từ tỉnh đến xã, tổ chức giám sát báo cáo ca bệnh hàng ngày; đồng thời tổ chức xử lý triệt để ổ dịch theo quy định.

- Chủ động dập dịch diện rộng trong các đợt bùng phát mạnh, nhằm bao vây không để dịch lan rộng (đã tổ chức triển khai 15 đợt dập dịch chủ động diện rộng quy mô xã/phường tại các điểm nóng SXH của tỉnh: Thị xã Vĩnh Châu, Huyện Trần Đề, TP Sóc Trăng, Huyện Long Phú, , Huyện Thạnh Trị).

- Hoạt động cộng tác viên tại 03 phường/ xã điểm với 175 CTV. Hoạt động của cộng tác viên đáp ứng tiêu chí của Dự án.

- Tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác chương trình về kỹ năng điều tri, giám sát ca bệnh cũng như phương pháp giám sát và xử lý ổ dịch.


Đoàn công tác làm việc với TTYT thị xã Vĩnh Châu
1.5. Tại cộng đồng

Làm việc TTYT với Thị xã Vĩnh Châu, địa phương có 10 phường, xã.

- Bệnh nhân sốt xuất huyết đến tuần 40 số ca mắc 678 tăng 265% so với cùng kỳ năm 2014 (186 ca), xử lý ổ dịch 10 tăng 30% với cùng kỳ năm 2014 (7 ổ dịch). Đặc biệt tại các điểm nóng: Vĩnh Phước, Phường 1, Phường 2, Vĩnh Hải, Lạc Hòa, Khánh Hòa và Vĩnh Hiệp.

- Do tình hình khô hạn, thiếu nước xảy ra sớm ở địa phương nên người dân phải trữ nước dùng để sinh hoạt và ăn uống, tạo điều kiện thuận lợi cho côn trùng phát triển, mật độ côn trùng theo đó tăng cao ngay từ đầu năm, làm cho tình hình SXH gia tăng.

- Dịch bùng phát và diễn biến phức tạp ngay từ những tháng đầu năm (từ tuần 13 - 20) với bình quân từ 30 - 35 ca/tuần. Có 02 tuýp vi rút là Den1, Den3 tại Thị xã Vĩnh Châu.

- TTYT Thị xã thường xuyên tăng cường phổ biến kiến thức phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tới các cấp Ban ngành, đoàn thể và cộng tác viên.

- TTYT Thị xã đang tiến hành các bước để thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng đợt 3 trên toàn Thị xã.

Giám sát tại Khóm Trà Niên, Phường Khánh Hòa, Thị xã Vĩnh Châu. Nơi có điều kiện sinh hoạt của nhân dân liên quan nhiều đến mắc SXH (đặc điểm ở đây quanh năm các hộ dân sử dụng nhiều dụng cụ chứa nước), đã triển khai chiến dịch diệt lăng quăng.

Qua khảo sát 05 hộ dân vẫn thấy lăng quăng ở 03 hộ.


Hình 3. Đoàn công tác kiểm tra bọ gậy tại các hộ dân ở P. Khánh Hòa, TX. Vĩnh Châu
2. Hoạt động điều trị bệnh nhân SXH

Kiểm tra công tác điều trị bệnh nhân SXH tại BV tỉnh cho thấy:

- Về tổ chức và nhân lực:

+ Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh có 05 khoa trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân SXH gồm: Khoa Nhiễm, Khoa Nhi, Khoa Cấp cứu, Khoa Hồi sức tích cực nhi và Khoa Hồi sức tích cực người lớn.

+ Nhận lực: 38 bác sỹ, điều dưỡng 106 . Trên 90% bác sĩ và điều dưỡng của các Khoa đã được tập huấn chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân SXH.

- Về thu dung điều trị: tổng số bệnh nhân SXHD điều trị nội trú từ 1/1/2015 đến 07/10/2015 là 340 bệnh nhân, trong đó có 45 ca sốt xuất huyết Dengue nặng.

- Hoạt động chẩn đoán và điều trị SXH:

+ Có khả năng thực hiện được các thủ thuật hỗ trợ điều trị bệnh nhân SXHD nặng: CVC đo áp lực tĩnh mạch trung tâm, HA xâm lấn, lọc máu liên tục, chọc tháo dịch màng bụng màng phổi, hỗ trợ hô hấp xâm lấn….

+ Thực hiện được các xét nghiệm giúp chẩn đoán và theo dõi bệnh: NS1, khí máu động mạch, xét nghiệm đông máu toàn bộ….

+ Có đầy đủ các loại dịch truyền thiết yếu, H.E.S, máu và các chế phẩm máu ( hồng cầu lắng, huyết tương tươi, kết tủa lạnh), tiểu cầu khi cần thiết sẽ liên hệ BV Cần Thơ và nhận về trong vòng 1 đến 2 giờ.

+ Bệnh viện có kế hoạch thu dung, điều trị, phòng chống dịch, quy trình chuyển tiếp, chuyển tuyến đầy đủ, chi tiết và các phương tiện truyền thông giáo dục sức khỏe cho thân nhân bệnh nhân SXH.

- Khó khăn hạn chế:

+ Một số trang thiết bị còn thiếu: Máy đếm giọt tại mỗi khoa điều trị SXHD, máy thở còn thiếu.

+ Dụng cụ máy thở chưa xử lý được bằng phương pháp hấp vô khuẩn, hiện xử lý bằng hóa chất Cidex do đó khó khan trong khâu bảo quản.

+ Là địa phương ở xa tuyến Trung ương nên chuyển viện khó khăn, chịu áp lực lớn từ thân nhân bệnh nhân.

3. Hoạt động truyền thông phòng chống SXH

- Các hoạt động truyền thông gián tiếp được triển khai rộng khắp tại cộng đồng 109 xã và 11 huyện thị; tại Trung tâm y tế và bệnh viện huyện bằng nhiều kênh để tiếp cận người dân trong cộng đồng thông qua: truyền thông trên báo in của tỉnh, trên báo điện tử, các nội dung về phòng chống sốt huyết qua chuyên mục trên sóng phát thanh, truyền hình tỉnh. Phát thông điệp thông thông qua đài PTTH tỉnh, phát thanh huyện, xã.

Bảng 1: truyền thông gián tiếp trong 9 tháng đầu năm


- Truyền thông trực tiếp: bên cạnh truyền thông gián tiếp công tác truyền thông trực tiếp được triển khai tại 11 huyện và 109 xã thông qua tư vấn sức khỏe tại các phòng truyền thông thuộc Trung tâm y tế, vãn gia, thảo luận nhóm tại cộng đồng, nói chuyện chuyên đề và tọa đàm tại cộng đồng.

Bảng 2: truyền thông trực tiếp trong 9 tháng đầu năm
- Xây dựng 01 mô hình truyền thông phòng chống SXH tại 2 trường ở phường 5.

- Cấp phát tài liệu truyền thông cho các hộ gia đình tại huyện trọng điểm và xã trọng điểm (Vĩnh Châu, Phường Khánh Hòa..): 23.000 tờ.

- Các chiến dịch truyền thông được kết hợp với chiến dịch diệt lăng quăng đã có kết quả không để dịch lớn bùng phát trên diện rộng: 3 đợt

- Nội dung truyền thông đảm bảo do Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Cục Y tế dự phòng cung cấp: băng, đĩa, và các khyến cáo phát hiện bệnh sớm, phòng bệnh... các nội dung được trung tâm truyền thông chuyển tải thành 3 thứ tiếng Kinh, Hoa, Khơ me để phát trên phương tiện thông tin đại chúng.

4. Những thuận lợi, khó khăn của địa phương

4.1. Thuận lợi

Được sự quan tâm chỉ đạo cấp trên của chính quyền các cấp của địa phương hỗ trợ trong các hoạt động của y tế đặc biệt công tác phòng chống dịch bệnh, được sự hỗ trợ về lĩnh vực chuyên môn của các Viện trong các hoạt động phòng chống dịch bệnh của địa phương.

4.2. Khó khăn

- Tình hình bệnh SXH tăng cao thị xã Vĩnh Châu có số mắc tăng cao so với trung bình 5 năm (2010 - 2014).

- Nhân lực hoạt động PC SXH thiếu, thay đổi thường xuyên nên thiếu kinh nghiệm trong điều trị cũng như dự phòng.

- Cơ sở vật chất cho hệ dự phòng và điều trị một số nơi còn thiếu và xuống cấp chưa đáp ứng kịp thời với tình hình dịch bệnh ngày càng gia tăng và phức tạp.

- Cơ sở làm việc và trang thiết bị cho hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe từ tỉnh đến huyện một số nơi còn hạn chế.

- Chiến dịch diệt lăng quăng chưa triệt để dẫn đến sau chiến dịch ca bệnh vẫn còn dai dẳng.

- Nhận thức của người dân còn hạn chế, chưa tự giác tham gia các hoạt động cộng đồng PCSXH, đặc biệt là loại trừ lăng quăng tại hộ gia đình.

5. Đánh giá của Đoàn công tác

Qua làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống SXH tỉnh Sóc Trăng và kiểm tra tại thực địa cho thấy:

- Số mắc SXH tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng chỉ tập trung tại thị xã Vĩnh Châu, đặc biệt không có ca tử vong trên địa bàn.

- Tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống SXH, đã thành lập và triển khai hoạt động của các Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, đã hỗ trợ nguồn kinh phí tương đối so với đầu tư từ chương trình từ các tuyến.

- Đã chủ động triển khai các hoạt động dập dịch kịp thời không để lan rộng. Qua giám sát các biên bản xử lý ổ dịch cũng như kết quả giám sát côn trùng của TTYT thị xã Vĩnh Châu thực hiện theo đúng quy định giám sát và xử lý ổ dịch. Tuy nhiên đơn vị cần thực hiện sau đợt phun hóa chất diệt muỗi nên đánh giá độ bao phủ của các hộ phun nhằm tránh bỏ sót hộ trong quá trình phun

- Hoạt động của CTV tại các xã điểm thực hiện tương đối tốt nhiệm vụ trong hoạt động chương trình PC SXH.

- Nhận định:

Do tình hình SXH trong khu vực cũng như các chỉ số côn trùng đang gia tăng nhất là đang trong những tháng mùa mưa, đồng thời với một số yếu tố liên quan thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, khó kiểm soát, dự đoán bệnh nhân SXH sẽ tiếp tục tăng, kéo dài và lan rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

6. Đề nghị của đoàn công tác

- Địa phương cần tổ chức chỉ đạo và triển khai quyết liệt các hoạt động phòng chống SXH. Phân công, giao trách nhiệm cụ thể đối với các tuyến y tế, các đoàn thể, các địa phương trong tỉnh.

- Sở Y tế tổ chức giám sát, kiểm tra đánh giá và chỉ đạo sát sao bảo đảm các hoạt động chuyên môn kỹ thuật theo đúng quy định của Bộ Y tế tại Quyết định số 3711/QĐ-BYT. Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện/thành phố tăng cường PC SXH, đề nghị hỗ trợ kinh phí PC SXH tuyến cơ sở.

- Trong giai đoạn khống chế dịch hiện nay, nếu xác định ở một thôn, ấp, cụm dân cư có nguy cơ dịch lan rộng, khó kiểm soát, chủ động triển khai mở rộng phun hóa chất trên diện rộng ở các thôn, ấp, cụm dân cư có 2 ca mắc SXHD.

- Tổ chức diệt lăng quăng trước phun và tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phòng chống SXH, thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường và đến ngay cơ sở y tế khi có biểu hiện SXH.

- Đối với xã điểm có CTV tổ chức tập huấn thường xuyên cho đội ngũ CTV về kỹ năng phát hiện và các biện pháp xử lý lăng quăng. Đồng thời lập kế hoạch hỗ trợ giám sát và kiểm tra các hoạt động của CTV theo đúng quy định.

- TTYT dự phòng tăng cường hỗ trợ hoạt động phòng chống dịch tại các điểm đang có nguy cơ dịch bùng phát. Đối với các huyện số ca mắc không cao vẫn phải tăng cường công tác giám sát không nên chủ quan. Tại các xã đang trong giai đoạn phun dập dịch cần chú trọng theo dõi số ca mắc và chỉ số côn trùng chặt chẽ.

- Đối với hệ điều trị: Cần tăng cường đào tạo chuyên môn cho các cán bộ còn ít kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị SXHD. Lập kế hoạch bổ sung các thiết bị thiết yếu cho điều trị SXHD. Đặc biệt máy đếm giọt, máy thở.

- Trung tâm TTGDSK tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo đặc biệt là giám sát hỗ trợ, kiểm tra hoạt động phòng chống dịch, công tác truyền thông ở các địa bàn trọng điểm. Tập trung mạnh vào các địa bàn trọng điểm có ca bệnh dương tính, chỉ số giám sát côn trùng tăng, truyền thông trong các cơ sở y tế, khu công nghiệp, trường học.

- Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM sẽ xem xét việc hỗ trợ địa phương hóa chất phòng chống véc tơ SXH theo quy định.

CN. Trần Thị Kim Hoa

ThS. Đoàn Bình Minh