Để đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phòng chống và loại trừ sốt rét, phòng chống giun sán năm 2014, được sự đồng ý của Bộ Y tế và Ban Điều hành dự án quốc gia PC và LTSR, Viện Sốt rét - KST - CT TP. Hồ Chí Minh đã long trọng tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác phòng chống và loại trừ sốt rét, phòng chống giun sán năm 2014, triển khai kế hoạch năm 2015 khu vực NB - LĐ vào ngày 02/02/2015 tại Hội trường Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM.
Toàn cảnh Hội nghị
Tham dự Hội nghị, về phía đại biểu và khách mời có Bà Đoàn Thị Ánh Tuyết, Phó trưởng Đại diện Đại diện Bộ Y tế phía Nam; đại diện Lãnh đạo Viện và các chuyên viên Viện Sốt rét - KST - CT Trung ương, Viện Sốt rét - KST - CT Quy Nhơn; đại diện Lãnh đạo Sở Y tế một số tỉnh, thành phố; các Trung tâm PCSR, Trung tâm YTDP của 20 tỉnh, thành phố khu vực NB - LĐ; đại diện các Trung tâm y tế huyện, Trạm y tế có sốt rét gia tăng, các viện, bệnh viện, các đơn vị y tế của các bộ, ngành khu vực phía Nam; đại diện Công ty Cổ phần thuốc sát trùng Việt Nam - Vipesco. Về phía Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM có PGS. TS. Lê Thành Đồng, Viện trưởng Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM cùng toàn thể cán bộ viên chức của Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM.
PGS.TS. Lê Thành Đồng - Viện trưởng phát biểu khai mạc Hội nghị
Sau phần khai mạc của PGS.TS. Lê Thành Đồng - Viện trưởng, Hội nghị đã nghe đại diện Lãnh đạo các Khoa Dịch tễ, Côn trùng, Ký sinh trùng của Viện lần lượt báo cáo kết quả công tác phòng chống và loại trừ sốt rét, phòng chống sốt xuất huyết, ngoại ký sinh, phòng chống giun sán năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015 khu vực NB - LĐ.
Về công tác phòng chống sốt rét: Năm 2014, tình hình sốt rét ở khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng giảm so với năm 2013. Bệnh nhân sốt rét (BNSR) giảm 18,18% (2.947/3.602). Bệnh nhân sốt rét ác tính (SRAT) giảm 17,14% (29/35). Tổng số ký sinh trùng (KST) sốt rét (+) giảm 14,87% (2.478/2.911). Có 03 ca tử vong do sốt rét, tăng 01 ca so với cùng kỳ năm 2013. Một số xã có sốt rét dai dẳng như xã Bù Gia Mập và Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước; hoặc sốt rét tăng cục bộ ở 1 số xã, huyện như: TT. Đạ Tẻh, xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh; xã Tà Năng, xã Đạ Quyn, xã Đà Loan, huyện Đức Trọng, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng; xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh, TX. Bình Long, tỉnh Bình Phước; huyện Tân Châu, Tân Biên, Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh,... Nhóm đối tượng mắc sốt rét khác là ở các địa phương từ lâu không còn sốt rét hoặc sốt rét lưu hành thấp xuất hiện các ca sốt rét ngoại lai: Long An, Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, ... Đa số những bệnh nhân tại các tỉnh này là dân đi làm thuê ở Bình Phước, Châu Phi, Lào, Campuchia, Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận, ....
Khu vực vẫn phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức do tình hình sốt rét phức tạp, di biến động dân khó kiểm soát (dân di cư tự do, đi rừng, ngủ rẫy, giao lưu biên giới), sốt rét kháng thuốc có nguy cơ tăng và lan rộng, muỗi An.epiroticus, véc tơ truyền bệnh sốt rét chính ở đồng bằng Nam Bộ, tăng sức chịu đựng và kháng với các hóa chất đang sử dụng hiện nay, sốt rét bùng phát ở các địa phương không còn SRLH hoặc đã giảm thấp. Sự biến động về môi trường, diện tích trồng rừng tái sinh, trồng cao su ngày mở rộng là nơi thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh phát triển; vẫn lạm dụng thuốc Artesunat lọ, Arterakine trong điều trị sốt rét cả cho P.vivax; hoạt động của các điểm kính hiển vi, của mạng lưới y tế cơ sở còn yếu, kiêm nhiệm nhiều việc, không có kỹ thuật viên... một số điểm kính hiển vi không hoạt động, các điểm kính chưa chủ động xuống địa bàn lấy lam máu xét nghiệm ở những điểm có sốt rét lưu hành; kết quả soi lam xét nghiệm vẫn còn sai sót; người dân chưa có biện pháp thích hợp để tự bảo vệ khi đi vào vùng sốt rét lưu hành; nguy cơ sốt rét quay trở lại và có thể bùng phát thành dịch bất cứ lúc nào; công tác nghiên cứu khoa học; đào tạo, tập huấn; hợp tác quốc tế; các dịch vụ khoa học kỹ thuật; khám chữa bệnh chuyên khoa ký sinh trùng đều triển khai có hiệu quả.
Các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm năm 2015: (1) Tăng cường chỉ đạo tuyến và giám sát dịch tễ sốt rét trong khu vực, đặc biệt tập trung tại các vùng trọng điểm; (2) Tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe; (3) Nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân sốt rét và phòng chống muỗi sốt rét; (4) Nâng cao chất lượng đào tạo và đào tạo lại về phòng chống sốt rét cho cán bộ y tế các tuyến; (5) Tăng cường đầu tư nguồn lực, nhân lực và kinh phí; (6) Quản lý thuốc sốt rét, hóa chất, vật tư, kinh phí PCSR theo quy định của Bộ Y tế, điều chuyển phù hợp giữa các địa phương để tránh tình trạng nơi dư thuốc, nơi không có thuốc để dùng; (7) Đề xuất các giải pháp về nghiên cứu khoa học, mở rộng hợp tác quốc tế (8) Tiếp tục nghiên cứu, giám sát và triển khai các hoạt động ngăn chặn chủng P.falciparum kháng artesunat lan rộng ra các vùng lân cận và các vùng khác; (9) Rà soát, tổng hợp các điểm kính hiển vi, bố trí, tổ chức lại hoạt động, tập trung các kính hiển vi cho các vùng SRLH, vùng có nguy cơ sốt rét quay trở lại có nhiều đối tượng giao lưu vào SRLH, hải đảo, biên giới. Tăng cường năng suất hoạt động của điểm kính; (10) Triển khai các hoạt động của Dự án PCSR do Quỹ toàn cầu tài trợ đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao tại 5 tỉnh của dự án..
Về công tác phòng chống giun sán: Bắt đầu từ năm 2014, Viện chỉ đạo chuyển giao kỹ thuật chuyên môn trong công tác phòng chống giun, sán cho tuyến tỉnh và tuyến huyện để các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động; tổ chức điều tra, đánh giá tỷ lệ nhiễm giun sán; tẩy giun; tập huấn về kỹ năng truyền thông phòng chống giun, sán; xây dựng nhiều đề tài NCKH về sán máng, sán lá gan lớn, phương pháp chẩn đoán Toxocara sp bằng kỹ thuật ELIZA trên mẫu huyết thanh trực tiếp và mẫu huyết thanh lưu trên giấy thấm Whatman xây dựng thư viện mẫu... Tuy nhiên, công tác phòng chống giun sán vẫn chưa phải là chương trình mục tiêu Quốc gia, Viện không chủ động về nguồn thuốc tẩy giun; kinh phí hoạt động hạn hẹp, chủ yếu dựa vào các nguồn tài trợ; địa phương không có cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác phòng chống giun sán; cán bộ phụ trách còn thiếu và yếu, chưa có cán bộ chuyên trách các tuyến... Trong năm 2015, tiếp tục xây dựng và củng cố hệ thống cán bộ y tế làm công tác phòng chống giun sán ở các tuyến, kêu gọi hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước; xây dựng biểu mẫu báo cáo; đẩy mạnh hoạt động truyền thông hướng đến cộng đồng bằng nhiều hình thức phù hợp với điều kiện kinh tế, trình độ dân trí, phong tục tập quán địa phương…
Về công tác phòng chống sốt xuất huyết: Trong năm 2014 Viện đã tăng cường các hoạt động giám sát, điều tra véc tơ, điều tra bọ gậy nguồn, thử nhạy cảm và đánh giá mức độ nhạy cảm của muỗi Ae.aegypti với hóa chất. Kết quả hầu hết muỗi Aedes tăng kháng với giấy tẩm Deltamethrin 0,05%, Permethrin 0,75%, Alphacypermethrin30mg/m2, Cyfluthrin 0,15% và còn nhạy với giấy tẩm Malathion 5%. Các hoạt động tập huấn, truyền thông, nghiên cứu khoa học được triển khai đều đặn, đạt kết quả khả quan. Trong năm 2015, tiếp tục củng cố, phát huy vai trò của Viện trong hoạt động Dự án phòng chống bệnh sốt xuất huyết, thực hiện tốt công tác tổ chức, chỉ đạo tuyến, thử nghiệm đánh giá nhạy, kháng với hóa chất…
Về công tác ngoại ký sinh: Năm 2014, khu vực xuất hiện nhiều loài ngoại ký sinh mới như bọ xít hút máu người, kiến ba khoang,... Viện đã cử cán bộ tham gia điều tra, xử lý ổ dịch tại địa phương. Tiếp tục điều tra, thu thập thành phần loài; triển khai nghiên cứu về 4 nhóm loài ngoại ký sinh gây bệnh (ve, mò, mạt, bọ chét); tăng cường hoạt động truyền thông cộng đồng để người dân hưởng ứng với công tác phòng chống các loài ngoại ký sinh gây bệnh. Tổng hợp, thu thập và làm tiêu bản mẫu các loài ngoại ký sinh, thiết lập thư viện mẫu ngoại ký sinh phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy. Năm 2015, triển khai thực hiện đề tài cấp Bộ “Xác định thành phần loài, sự lưu hành tác nhân gây bệnh và đề xuất quy trình giám sát một số loài chân đốt y học ở khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng”.
Hội nghị cũng đã nghe PGS.TS. Lê Thành Đồng, Viện trưởng Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM tóm tắt lại tình hình sốt rét khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng giai đoạn 2005 - 2014 và đưa ra các nội dung chủ chốt trong công tác PCSR hiện nay; nghe báo cáo tham luận của các địa phương về các vấn đề trọng tâm như sốt rét gia tăng, bùng phát do di biến động dân ở Lâm Đồng, sốt rét dai dẳng ở Bình Phước và các vấn đề chuyên môn kỹ thuật; những khó khăn trong công tác PCSR ở địa phương, về tình hình kiểm soát di biến động dân, tình hình điều trị; các điểm sốt rét gia tăng, sốt rét kháng thuốc; muỗi kháng hóa chất.
Hội nghị đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn nhiều vấn đề bức xúc, cần giải quyết hiện nay như: Tình hình sốt rét phức tạp; ký sinh trùng P.falciparum đang giảm dần, P.vivax tăng dần; đưa bệnh sốt rét vào kiểm dịch tại cửa khẩu, kiểm soát đối tượng dân di biến động, xây dựng các điểm PCSR miễn phí (hỗ trợ của WHO); Trong bối cảnh sốt rét giảm, sốt rét ngoại lai, dân di biến động, sốt rét kháng thuốc nên triển khai các biện pháp PCSR hay PC-LTSR; tổ chức lồng ghép hoạt động của điểm kính hiển vi với chương trình khác; biện pháp quản lý KST đối với từng vùng sốt rét lưu hành khác nhau; Công tác điều trị bệnh nhân sốt rét, sử dụng thuốc trong điều trị; Công tác tổ chức tập huấn, đối tượng tập huấn; Các biện pháp bảo vệ dân, lưu ý giữa các vùng có điều kiện địa lý tương đồng… đồng thời đề xuất các giải pháp thực hiện.
Báo cáo tham luận của các đại biểu
Sau phần thảo luận, để ghi nhận đóng góp tích cực của những tập thể và cá nhân trong công tác PCSR, Bộ Y tế tặng Bằng khen cho 4 tập thể và 14 cá nhân đã có thành tích xuất sắc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác phòng chống sốt rét năm 2014 của khu vực NB-LĐ.
Các tập thể và cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ Y tế năm 2014
Phát biểu bế mạc hội nghị, PGS.TS. Lê Thành Đồng đánh giá cao những nỗ lực và những thành tích đạt được trong công tác PCSR của các đơn vị y tế trong khu vực NB - LĐ, ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương tiếp tục triển khai tốt các hoạt động PCSR năm 2015, bám sát các chỉ tiêu, mục tiêu đã đặt ra, đặc biệt đánh giá sát tình hình sốt rét thực tế tại địa phương, từ đó xây dựng kế hoạch năm 2015 phải cụ thể, sát với nhu cầu thực tế, nhất là các địa phương có sốt rét giảm, từng bước tiến tới loại trừ sốt rét ở những tỉnh có sốt rét ổn định. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các ca sốt rét nội địa và sốt rét ngoại lai; Triển khai đầy đủ các hoạt động PCSR theo quy định, phát hiện ca bệnh chủ động, điều trị triệt để; Phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường, thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học; Thực hiện đồng bộ các công tác phòng chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng, sốt xuất huyết, ngoại ký sinh.
CN. Nguyễn Thị Yến
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN SỐT RÉT - KÝ SINH TRÙNG - CÔN TRÙNG - TP. HỒ CHÍ MINH
Số 685 Trần Hưng Đạo - Phường 1 - Quận 5 - TP. Hồ Chí Minh | www.impehcm.org.vn
Điện thoại: 84-028-3923.7117 / 3923.9940 / 3923.7422 / 3923.8091 / 3923.9946 - Fax: 84-8-3923.6734
Giấy phép số 125/GP-BC (9/4/2007)