Kết quả Hội nghị sơ kết phòng chống và loại trừ sốt rét, phòng chống giun sán 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2013 khu vực NB - LĐ

Ngày 12/8/2013, tại Bình Phước, Viện Sốt rét - KST - CT TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phòng chống và loại trừ sốt rét, phòng chống giun sán 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2013, khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng.

Tham dự Hội nghị có TS. Trần Thanh Dương, Trưởng Ban điều hành dự án quốc gia phòng chống và loại trừ sốt rét - Viện trưởng Viện Sốt rét - KST - CT Trung ương; TS. Lê Thành Đồng, Viện trưởng Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM; TS. Hồ Văn Hoàng, Phó viện trưởng Viện Sốt rét - KST - CT Quy Nhơn; BS.CKII. Nguyễn Đồng Thông - Giám đốc Sở Y tế Bình Phước; BS. Trần Công Đại - Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam; Các chuyên viên Cục Y tế dự phòng. Hơn 100 đại biểu là lãnh đạo của các viện, bệnh viện, các đơn vị y tế của các bộ, ngành ở phía Nam, sở y tế các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh; lãnh đạo của các Trung tâm PCSR, Trung tâm YTDP của 20 tỉnh, thành khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng, lãnh đạo trung tâm y tế các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập (Bình Phước), … cùng lãnh đạo các khoa, phòng, trung tâm Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM.

Sau phần khai mạc của TS. Lê Thành Đồng - Viện trưởng và phát biểu chào mừng của BS.CKII. Nguyễn Đồng Thông - Giám đốc Sở Y tế Bình Phước, Hội nghị đã nghe ThS. Lương Trường Sơn, Phó viện trưởng Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM báo cáo kết quả công tác phòng chống và loại trừ sốt rét, phòng chống giun sán 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2013 khu vực NB-LĐ.


TS. Lê Thành Đồng, Viện trưởng Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM
phát biểu khai mạc Hội nghị
Năm 2013 khu vực NB - LĐ vẫn phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức do tình hình sốt rét phức tạp, di biến động dân khó kiểm soát (dân di cư tự do, đi rừng, ngủ rẫy, giao lưu biên giới), ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc sốt rét (P.falciparum kháng artesunat), sốt rét dai dẳng và có xu hướng tăng ở vùng có SRLH nặng, sốt rét bùng phát ở các địa phương không còn SRLH hoặc đã giảm thấp, véc tơ truyền bệnh khu vực ven biển và các tỉnh Tây Nam Bộ kháng hóa chất, hoạt động của các điểm kính hiển vi, của màng lưới y tế cơ sở chưa cao, ... nên nguy cơ sốt rét quay trở lại và có thể bùng phát thành dịch bất cứ lúc nào… Báo cáo cho thấy: Tình hình sốt rét ở khu vực giảm so với 6 tháng đầu năm 2012. Bệnh nhân sốt rét (BNSR) ở 19/20 tỉnh đều giảm (trừ tỉnh Lâm Đồng 211/202). Bệnh nhân sốt rét ác tính (SRAT) giảm 43,24% (21/37). Tổng số ký sinh trùng (KST) sốt rét (+) giảm 23,76% (1.890/2.479). Có 02 ca tử vong do sốt rét, so với cùng kỳ năm 2012 tăng (2/0). BNSR chủ yếu vẫn ở một số trọng điểm sốt rét - sốt rét dai dẳng ở huyện Bù Gia Mập và huyện Bù Đăng tỉnh Bình Phước. Vùng trọng điểm sốt rét - sốt rét dai dẳng - sốt rét kháng thuốc ở khu vực đồng thời là vùng có nhiều đối tượng di biến động, dân di cư tự do lớn, hầu hết các tỉnh của cả nước đến làm ăn, buôn bán. KST sốt rét kháng thuốc và muỗi Anopheles kháng hoá chất diệt là những khó khăn về kỹ thuật chưa được giải quyết. Đây là nguyên nhân gây trở ngại cho sự thành công của hoạt động phòng chống sốt rét hiện nay. Với tình hình như vậy, trong khi chúng ta chuyển chiến lược sang phòng chống và loại trừ sốt rét đòi hỏi phải có các điều kiện tại chỗ (trước hết là nhân lực), đồng thời “phát triển các yếu tố bền vững, bảo vệ thành quả phòng chống sốt rét” không thực hiện được.

ThS. Lương Trường Sơn báo cáo kết quả công tác PC và LTSR, PCGS
6 tháng đầu năm và triển khai KH 6 tháng cuối 2013
Những khó khăn, thách thức trong công tác phòng chống và loại trừ sốt rét như: kinh phí cấp muộn nên triển khai các hoạt động phòng chống và loại trừ sốt rét chậm; tình hình dịch tễ sốt rét khu vực NB - LĐ diễn biến ngày càng phức tạp; việc giám sát dịch tễ sốt rét, giám sát phun, tẩm của các tuyến chưa thường xuyên; việc thực hiện các biện pháp phòng chống sốt rét đối với các đối tượng dân di cư tự do theo mùa vụ, dân đi rừng, ngủ rẫy, giao lưu biên giới rất khó khăn, đa số không thực hiện được; một số trọng điểm sốt rét khó giải quyết; chẩn đoán, điều trị tại các cơ cở y tế còn nhiều hạn chế, chẩn đoán muộn hoặc chẩn đoán không đúng bệnh sốt rét, điều trị không kịp thời hoặc không được điều trị sốt rét, chủ yếu ở các địa phương có sốt rét giảm thấp hoặc không còn sốt rét, các ca bệnh do P.vivax, chủng ký sinh trùng hay gây tái phát và dai dẳng khó điều trị; Véc tơ sốt rét ở các tỉnh Tây Nam Bộ kháng hóa chất đang sử dụng hiện nay đang là những trở ngại lớn cho công tác PCSR. Một số điểm kính hiển vi hoạt động kém hiệu quả, hoạt động kiểm tra lam chưa được thực hiện thường xuyên; Năm 2013, Viện đã cấp 50 kính hiển vi cho địa phương để bổ sung cho các điểm KHV bị hư hỏng, quá cũ không thể sử dụng được hoặc chưa có.

Các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2013: (1) rà soát, xây dựng kế hoạch PCSR năm 2014 khu vực sát với nhu cầu thực tế của địa phương; (2) tập trung giám sát dịch tễ sốt rét và chỉ đạo các điểm nóng sốt rét, khống chế KST SR kháng thuốc lan tràn; (3) tăng cường giám sát chất lượng chẩn đoán, điều trị sốt rét cho các tuyến, chú trọng ở tuyến huyện, xã; (4) triển khai kế hoạch ngăn chặn chủng P.falciparum kháng artesunat lan rộng ra các vùng lân cận và các vùng khác; (5) tăng cường quản lý, cấp thuốc tự điều trị cho các đối tượng đi rừng, ngủ rẫy, dân giao lưu; (6) tiếp tục giám sát theo dõi chặt chẽ biến động của véc tơ và đánh giá hiệu quả công tác phun tẩm, triển khai nghiên cứu khoa học tìm kiếm hoá chất mới thay thế hoá chất đã kháng với véc tơ sốt rét ven biển Tây Nam Bộ và đề xuất với Bộ Y tế để chỉ đạo sử dụng cho khu vực; (7) rà soát, tổng hợp các điểm kính hiển vi, bố trí, tổ chức lại hoạt động, tập trung các kính hiển vi cho các vùng sốt rét lưu hành, vùng có nguy cơ sốt rét quay trở lại, hải đảo, biên giới; (8) đảm bảo đúng quy định về thời gian báo cáo từ các tuyến, đồng loạt thực hiện thống kê theo mẫu báo cáo mới.

Về công tác phòng chống giun sán trong khu vực, năm 2013, tiếp tục thực hiện Dự án “Phòng chống giun sán trẻ em lứa tuổi học đường khu vực Nam bộ - Lâm Đồng”. Các hoạt động chỉ đạo, giám sát; điều tra, đánh giá tỷ lệ nhiễm giun sán; tẩy giun; tập huấn; truyền thông phòng chống giun, sán tiếp tục triển khai.

Hội nghị cũng được nghe báo cáo kết quả phòng chống và loại trừ sốt rét toàn quốc 6 tháng đầu năm 2013 do TS. Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét - KST - CT Trung ương trình bày; nghe các báo cáo tham luận của các địa phương về tình hình sốt rét 6 tháng đầu năm, những khó khăn trong công tác PCSR ở địa phương, tình hình sốt rét gia tăng, bùng phát, kiểm soát di biến động dân, về tình hình điều trị … Hội nghị đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn nhiều vấn đề bức xúc hiện nay, nghe giải đáp những thắc mắc trong việc lập và triển khai thực hiện kế hoạch phòng chống và loại trừ sốt rét, nghe hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng chống và loại trừ sốt rét năm 2014 đối với các địa phương.

TS. Trần Thanh Dương, Viện Trưởng Viện Sốt rét - KST - CT Trung ương trình bày báo cáokết quả PC và LTSR toàn quốc 6 tháng đầu và triển khai KH 6 tháng cuối 2013
Phát biểu bế mạc hội nghị, TS. Lê Thành Đồng đánh giá cao những nỗ lực và những thành tích đạt được trong công tác PCSR của các đơn vị y tế trong khu vực NB - LĐ, ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương trong thời gian tới cần phải tập trung giám sát, quản lý hoạt động PCSR cho các vùng trọng điểm, chú trọng nhóm nguy cơ cao, ngăn chặn sự lan truyền của KST sốt rét kháng thuốc; tăng cường kiểm tra, giám sát chỉ đạo các địa phương có sốt rét lưu hành thấp hoặc không còn sốt rét lưu hành chấn chỉnh, củng cố công tác phát hiện, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời bệnh nhân sốt rét, củng cố; giám sát theo dõi chặt chẽ biến động của véc tơ và đánh giá hiệu quả công tác phun tẩm, và tăng cường hoạt động của điểm kính hiển vi, duy trì thực hiện các yếu tố bền vững, bảo vệ thành quả PCSR, không để sốt rét quay trở lại, từng bước triển khai chiến lược phòng chống và loại trừ sốt rét theo quy định của chương trình quốc gia; lập kế hoạch năm 2014 sát với nhu cầu thực tế từng địa phương.
CN. Nguyễn Thị Yến