Kết quả chuyến thăm và làm việc của Tổ chức Y tế thế giới tại tỉnh Bình Phước

Để đánh giá tình hình sốt rét, chia sẻ những khó khăn, thách thức cũng như những kinh nghiệm trong công tác phòng chống và loại trừ sốt rét, từ ngày 21-22/6/2019, Đoàn công tác của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), WHO khu vực Tây Thái Bình Dương (WPRO) và WHO tại Việt Nam đã đến thăm quan và làm việc về công tác phòng chống sốt rét ở tỉnh Bình Phước, làm việc với Viện Sốt rét - KST- CT TP. HCM, Sở Y tế và các đơn vị y tế địa phương của tỉnh Bình Phước.

Đại diện của WHO có TS. Pedro Alonso - Giám đốc chương trình sốt rét toàn cầu của WHO; TS. Rabindra Abeyasinghe - Trưởng bộ phận sốt rét, KST và bệnh do véc tơ truyền của WPRO/WHO; TS. Hiromasa Okayasu - Điều phối viên, Trưởng bộ phận loại trừ sốt rét của các nước GMS; TS. Kidong Park - Giám đốc WHO Việt Nam cùng các thành viên. Về phía các Viện Sốt rét - KST - CT có PGS.TS. Lê Thành Đồng - Viện trưởng Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM, TS. Nguyễn Quang Thiều - Phó viện trưởng Viện Sốt rét - KST - CT Trung Ương, cùng các cán bộ chuyên môn.

Đoàn đến thăm và làm việc tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của tỉnh Bình Phước

Đoàn đã làm việc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của tỉnh Bình Phước, kết quả cho thấy trong 5 năm từ năm 2014 - 2018, tình hình sốt rét giảm, tử vong do sốt rét dao động từ 00 - 01 ca. Đặc biệt, 5 tháng đầu năm 2019 tình hình sốt rét giảm rất mạnh (77,5%) so với cùng kỳ năm 2018, KST sốt rét nội địa chiếm 91,79%. Không có tử vong do sốt rét, không có dịch sốt rét xảy ra. Qua tìm hiểu cho thấy diễn biến sốt rét tại tỉnh Bình Phước theo chu kỳ, thường tăng vào những tháng cuối năm và kéo dài sang đầu năm sau, sau đó thì giảm dần. Bên cạnh đó, có nhiều dự án triển khai tại Bình Phước, cấp màn, võng màn, kem xua, … để phòng chống sốt rét. Công tác phát hiện, điều trị và quản lý ca bệnh sốt rét cũng được thực hiện đúng quy định. Đối tượng mắc chủ yếu là người dân địa phương đi làm nương rẫy, làm rừng; một số đi làm tại Campuchia, Đắk Nông, Lâm Đồng về, …

Tại Huyện Bù Gia Mập, tình hình sốt rét năm 2018 tăng 11,48%, KST sốt rét tăng 8,20% so với cùng kỳ năm 2014, không có tử vong do sốt rét. Đây là huyện có tình hình sốt rét cao nhất trong toàn tỉnh, diễn biến sốt rét phức tạp, là vùng trọng điểm sốt rét, sốt rét dai dẳng và sốt rét kháng thuốc, đồng thời cũng là vùng có nhiều đối tượng dân di biến động thường xuyên mắc sốt rét. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2019, tình hình sốt rét giảm 71,84% so với cùng kỳ năm 2018, không có bệnh nhân SRAT và tử vong do sốt rét. Cũng có thể KST sốt rét trên địa bàn huyện Bù Gia Mập hiện nay giảm một phần do công tác phát hiện, chẩn đoán KST sốt rét tại các cơ sở y tế có hạn chế, tổng số xét nghiệm 5 tháng đầu năm 2019 giảm 52,79% so với cùng kỳ.

Đoàn làm việc và chụp hình lưu niệm với cán bộ của TT Y tế Huyện Bù Gia Mập

Cuối cùng, Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với Trạm Y tế xã Bù Gia Mập của huyện Bù Gia Mập, thăm điểm phòng chống sốt rét, trao đổi trực tiếp với các nhân viên của các đơn vị y tế này và kiểm tra sổ sách ghi chép, kiểm tra các điều kiện, trang thiết bị, vật tư, thuốc men, vật liệu truyền thông và nhân lực chuyên trách phòng chống sốt rét. Đây là một trong 3 xã có tình hình sốt rét cao nhất huyện, là “điểm nóng” sốt rét của khu vực. Đối tượng mắc sốt rét chủ yếu là người dân đi rừng ngủ rẫy, giao lưu biên giới, bộ đội và cán bộ kiểm lâm rừng Quốc gia Bù Gia Mập. Tại xã, công tác phòng chống sốt rét đã được triển khai với kết quả khả quan, hằng năm đều cấp màn đôi, màn võng tẩm hóa chất tồn lưu dài, kem xua muỗi cho các đối tượng dân di biến động có nguy cơ sốt rét cao (Nguồn hỗ trợ của các dự án).

Đoàn đến thăm Trạm Y tế xã Bù Gia Mập và điểm phòng chống sốt rét

Qua các báo cáo, trao đổi và xem xét trực tiếp việc tổ chức thực hiện các hoạt động PCSR ở các cấp của tỉnh Bình Phước nhận thấy:

  1. Địa phương đã tổ chức thực hiện các hoạt động PCSR theo kế hoạch bằng nguồn kinh phí của các dự án: RAI2E, HPA, PSI, SCDI, … làm cho công tác PCSR được triển khai rộng và sâu hơn. Điểm PCSR bước đầu đã quản lý được những đối tượng dân đi rừng, ngủ rẫy và qua lại biên giới, thực hiện xét nghiệm và đã phát hiện được 5 ca sốt rét có KST.
  2. Tình hình bệnh sốt rét hiện tại của Bình Phước đã giảm rất mạnh (78,1% ) và giảm ở tất cả các đơn vị. Không có bệnh nhân sốt rét ác tính cũng như tử vong.
  3. Về cơ cấu KST sốt rét, tỷ lệ P. falciparumP. vivax có xu hướng xấp xỉ bằng nhau, 5 tháng đầu năm 2019 thì tỷ lệ P. vivax lại cao hơn P. falciparum (120/86). Điều này làm cho sốt rét ở Bình Phước càng dai dẳng, do tình trạng điều trị tiệt căn đối với P. vivax hầu như không bảo đảm, đa số do thời gian điều trị kéo dài (14 ngày), bệnh nhân không uống thuốc đủ ngày, dẫn tới một số lượng lớn P. vivax vẫn tồn tại trong cộng đồng.
  4. Bình Phước có véc tơ chính truyền bệnh sốt rét là An. minimus, An. dirus, ... Hàng năm đều triển khai phun hóa chất, tẩm lại màn cũ trong dân. Dự án Quỹ Toàn cầu hỗ trợ rất nhiều màn, võng màn tẩm hóa chất tồn lưu lâu, kem xua cho những đối tượng đi rừng, ngủ rẫy, giao lưu qua biên giới. Với địa bàn rộng, thời tiết diễn biến thất thường tạo điều kiện cho véc tơ truyền bệnh phát triển, thay đổi tập tính, khó khăn trong công tác phòng chống véc tơ.
  5. Việc quản lý các đối tượng dân đi rừng, ngủ rẫy và dân giao lưu giữa các vùng sốt rét lưu hành còn gặp nhiều khó khăn. Đây là một thách thức lớn đối với công tác phòng chống và loại trừ sốt rét hiện nay đối với Bình Phước và cả nước. Đặc biệt là những đối tượng đi làm ăn theo thời vụ từ vùng không có sốt rét và vùng sốt rét lưu hành nhẹ đến vùng sốt rét lưu hành vừa và nặng, dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch.

Qua thực tế, Đoàn nhận định tình hình sốt rét tại tỉnh Bình Phước đã giảm rất mạnh. Tiên lượng trong thời gian tới nếu có thuốc để điều trị chống kháng, tuân thủ các hoạt động PCSR như hiện nay thì tình hình sốt rét của Bình Phước tiếp tục giảm và như vậy thì chắc chắn Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu loại trừ sốt rét vào năm 2030.

Kết thúc buổi làm việc, PGS.TS. Lê Thành Đồng - Viện trưởng Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM đề nghị các cấp chính quyền tỉnh Bình Phước có biện pháp quản lý dân di biến động; tăng cường giám sát dịch tễ và áp dụng các biện pháp PCSR thích hợp cho những đối tượng dân di biến động như tẩm màn, võng, màn võng với hóa chất diệt muỗi; Tăng cường tiếp cận, quản lý đối tượng nguy cơ cao. Chủ động phát hiện ca bệnh, điều trị sớm, đúng, đủ. Quản lý ca bệnh sốt rét và truyền thông tốt tại các tuyến. Duy trì thường xuyên các hoạt động giám sát, phát hiện, quản lý và điều trị triệt để KST sốt rét.

ThS. Nguyễn Thị Yến

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,