Hội nghị tổng kết phòng chống và loại trừ sốt rét, phòng chống giun sán, phòng chống sốt xuất huyết, ngoại ký sinh năm 2015, kế hoạch hoạt động năm 2016, Khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng

Để đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phòng chống và loại trừ sốt rét, phòng chống giun sán, phòng chống sốt xuất huyết, ngoại ký sinh năm 2015, được sự đồng ý của Bộ Y tế, Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM đã long trọng tổ chức Hội nghị tổng kết phòng chống và loại trừ sốt rét, phòng chống giun sán, phòng chống sốt xuất huyết, ngoại ký sinh năm 2015, kế hoạch hoạt động năm 2016, Khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng vào ngày 11/3/2016 tại Hội trường Viện.

Toàn cảnh Hội nghị

Tham dự Hội nghị, về phía đại biểu và khách mời có đại diện Lãnh đạo Viện và các chuyên viên Viện Sốt rét - KST - CT Trung ương, Viện Sốt rét - KST - CT Quy Nhơn; đại diện Lãnh đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố; các Trung tâm PCSR, Trung tâm YTDP của 20 tỉnh, thành phố khu vực NB - LĐ; đại diện các Trung tâm y tế huyện, Trạm y tế có sốt rét gia tăng, các viện, bệnh viện, các đơn vị y tế của các bộ, ngành ở khu vực phía Nam; đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, Quỹ sáng kiến tiếp cận sức khỏe Clinton tại Việt Nam; đại diện Công ty Cổ phần thuốc sát trùng Việt Nam - Vipesco và toàn thể cán bộ viên chức của Viện.

ThS. Lương Trường Sơn, Phó Viện trưởng, phát biểu khai mạc

Sau phần khai mạc của ThS. Lương Trường Sơn, Phó Viện trưởng, Hội nghị đã nghe báo cáo kết quả PC-LTSR, PCGS, SXH, ngoại ký sinh năm 2015 và triển khai kế hoạch năm 2016, khu vực NB - LĐ. Đồng thời nghe các báo cáo tham luận từ các địa phương khu vực, cũng như toàn quốc và khu vực Miền Trung - Tây Nguyên.

Về công tác phòng chống và loại trừ sốt rét

Tình hình sốt rét khu vực NB - LĐ năm 2011-2015

- Tình hình sốt rét 5 năm 2011-2015 ở khu vực có xu hướng giảm và giảm đều ở hầu hết các chỉ số bệnh nhân sốt rét, ký sinh trùng sốt rét, sốt rét ác tính, riêng tử vong do sốt rét năm 2011 có 7 ca, các năm sau dao động từ 1 đến 3 ca, không có dịch SR xảy ra. So với năm 2011, năm 2015 số BNSR giảm 58,19% (2.696/6.448); số KST SR giảm 49,38% (2.339/4.621), trong đó tỷ lệ P.falciparumP.vivax tương đương nhau (8.382/8.053); SRAT giảm 81,4% (16/86); tử vong do SR giảm 85,71% (1/7).

- BNSR chủ yếu vẫn tập trung ở các huyện Bù Gia Mập và huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, đây là vùng trọng điểm sốt rét, sốt rét dai dẳng, sốt rét kháng thuốc ở khu vực, đồng thời là vùng có nhiều đối tượng di biến động, dân di cư tự do lớn từ các tỉnh thành trên cả nước đến làm ăn, buôn bán; hoặc nhóm đối tượng mắc sốt rét khác là ở các địa phương thuộc vùng SRLH, và nhóm còn lại là ở các địa phương từ lâu không còn sốt rét hoặc SRLH thấp xuất hiện các ca sốt rét nội địa và ngoại lai.

- Về số lam xét nghiệm, từ năm 2012 đến nay, hàng năm đều giảm, có thể ảnh hưởng đến số lượng KST SR được phát hiện giảm, mặc dù các năm gần đây triển khai cả xét nghiệm bằng test nhanh ở một số tỉnh.

- Về KST SR, hàng năm đều giảm so với năm trước, nhưng các năm sau giảm chậm, trong khi tỷ lệ KST SR / lam tăng dần trong 3 năm gần đây. Do đó có phải KST SR giảm thực sự hay do số lam xét nghiệm giảm mà KST SR được phát hiện giảm? Trên thực tế hiện nay, tại một số địa phương có SRLH từ trước, có ổ SRLH cũ đến nay không phát hiện thấy KST SR, có thể thực tế không còn KST, cũng có thể còn nhưng ở mật độ thấp dưới ngưỡng phát hiện bằng kính hiển vi, khi có điều kiện thuận lợi và sẵn có véc tơ sốt rét tại chỗ, KST sẽ bùng phát trở lại. Do đó, khi triển khai chiến lược loại trừ sốt rét công tác phát hiện ca bệnh cần phải cân nhắc, chú trọng các vấn đề nêu trên.

- Về tổng số lượt người điều trị sốt rét giảm 79,06% (9.000/42.981). Số lượt điều trị giảm do số BNSR giảm và do hạn chế việc cấp thuốc tự điều trị. Thực tế rất khó triển khai công tác điều trị và đánh giá kết quả điều trị đối với các đối tượng di biến động vào vùng SRLH.

- Về tổng số dân được bảo vệ, hàng năm đều giảm, giảm mạnh ở các năm 2014, 2015 gấp 3 lần so với năm 2011 do thực tế nhu cầu và sự chỉ đạo của Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM trong việc hạn chế và kiểm soát chặt chẽ việc phun tẩm hóa chất ở các địa phương, sau 3, 4 năm giảm liên tục, quần thể véc tơ có thể gia tăng trở lại và xuất hiện các ca bệnh nội địa nên năm 2015 việc phun tẩm hóa chất lại tăng lên, so với kế hoạch vượt 140,5% (632.443/450.100).

- Muỗi An.epiroticus - véc tơ truyền bệnh sốt rét chính ở đồng bằng Nam Bộ tăng sức chịu đựng và kháng với các hóa chất đang sử dụng hiện nay ở khu vực như Alpha-cypermethrin 30mg/m2, Lambda-cyhalothrin 0,05%, Permethrin 0,75%; muỗi An.sinensis đã kháng với hóa chất Pirimiphos-methyl 0,25%; một số loài khác cũng có nguy cơ kháng như An.sinensis, An.nimpe, … Kết quả thử tồn lưu cho thấy hóa chất Alpha-cypermethrin (Fendona 10SC) còn tác dụng tồn lưu sau 4 tháng tẩm hóa chất (73%). Đối với phun tồn lưu trên tường vách chỉ còn tác dụng tồn lưu sau 1 tuần (73,33%). Sự biến động về môi trường, biến đổi về khí hậu, nước biển dâng, diện tích trồng rừng tái sinh, trồng cao su ngày mở rộng, hệ thống kênh mương phong phú, phủ rộng toàn tỉnh là nơi thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh phát triển.

- Sốt rét kháng thuốc có xu hướng tăng và lan rộng ở Bù Đăng, Bù Gia Mập của tỉnh Bình Phước, nơi đồng thời là trọng điểm sốt rét của khu vực, nơi có sự giao lưu lớn của các cộng đồng, cá nhân vào vùng SRLH, đa dạng, liên tục và phức tạp nhất hiện nay. Theo số liệu nghiên cứu, tỷ lệ dương tính ngày D3 rất cao (22/46) đối với P.falciparum, đối với P.vivax tỷ lệ dương tính ngày D7 là 1/40, D21 là 2/40 (tại xã Đắk Nhau, Đắk Ơ và Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước).

- Trong 5 năm từ 2011-2015, tình hình sốt rét tại các điểm có sốt rét gia tăng ở tỉnh Bình Phước có chiều hướng giảm dần đều, tổng số BNSR tại 3 xã xã Đắk Nhau, Đắk Ơ và Bù Gia Mập giảm 16,32%, KST SR giảm 16,18%, gần như 100% BNSR đều có KST. Tuy nhiên, số bệnh nhân mắc sốt rét tăng cao trở lại và tăng xấp xỉ năm 2011, đặc biệt tại xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập.

- Để duy trì thành quả PCSR, tiến tới chiến lược LTSR, các hoạt động giám sát, phát hiện, quản lý và điều trị triệt để KST sốt rét phải được thực hiện thường xuyên, rộng khắp, trong đó điểm KHV là nhân tố quan trọng nhất. Do đó, nhất thiết phải tổ chức mạng lưới hoạt động của các cụm KHV, đề nghị các địa phương quan tâm đến công tác nhân lực phụ trách điểm KHV, bổ sung số lượng thiếu, khẩn trương đào tạo, tập huấn cho cán bộ mới.

- Công tác đào tạo, tập huấn vẫn được duy trì và thực hiện đồng bộ từ tuyến Viện đến địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao kiến thức, kỹ năng của cán bộ làm công tác sốt rét, giun sán, sốt xuất huyết trong khu vực.

- Công tác nghiên cứu khoa học đang được đổi mới, đưa khoa học công nghệ cao vào nghiên cứu lĩnh vực ký sinh trùng và côn trùng học, đề xuất và thực hiện các đề tài NCKH có các kỹ thuật cao và chuyên sâu. Bình quân mỗi năm có từ 10 đến 15 đề tài NCKH các cấp, đề tài hợp tác trong nước và quốc tế, đang xúc tiến hợp tác nghiên cứu với Đại học Duke (Mỹ), Đại học Tokyo, Viện các bệnh nhiệt đới của Nhật Bản. Thúc đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế, tiếp nhiều Đoàn công tác nước ngoài đến thăm và làm việc. Viện đã hợp tác nghiên cứu và triển khai các dự án thuộc lĩnh vực PCSR, giun sán, SXH, NKS và các bệnh KST khác. Hiện tại, Viện đã, đang thực hiện các hoạt động của dự án hợp tác y tế với WHO, IOM; đề xuất với WHO hỗ trợ các hoạt động của Viện về nghiên cứu ngoại ký sinh, nâng cao năng lực PCGS dựa vào cộng đồng và hỗ trợ hợp tác với Nhật Bản trong nghiên cứu.

Tình hình sốt rét khu vực NB - LĐ năm 2015

- Năm 2015, tình hình sốt rét ở khu vực NB - LĐ giảm so với năm 2014. BNSR giảm 8,52% (2.696/2.947). SRAT giảm 44,83% (16/29). KST SR (+) giảm 5,61% (2.339/2.478). Có 01 ca tử vong do sốt rét, giảm 02 ca so với cùng kỳ năm 2014.

- Tại Bình Phước, sốt rét tăng cục bộ ở 1 số huyện như: TX. Phước Long: 17,12% (130/111), Bù Đốp: 43,24% (212/148), Bù Gia Mập: 42,17% (971/683). Tổng số BNSR của Bình Phước chiếm 67,69% (1.825/2.696), KST chiếm 76,97% (1.788/2.323) so với cả khu vực. Trong năm 2015, khu vực có 7 tỉnh cả năm chỉ có dưới 10 BNSR, tất cả các tỉnh này nằm trong kế hoạch LTSR đến năm 2015 theo Quyết định 4717/QĐ-BYT ngày 11/11/2014 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch hành động phòng chống bệnh sốt rét giai đoạn 2015-2020 là: Hậu Giang (0), Long An (7), Tiền Giang (3), An Giang (8), Vĩnh Long (4), Trà Vinh (8), Cần Thơ (1). Ngoài ra 2 tỉnh Bến Tre, Kiên Giang nằm trong kế hoạch LTSR đến năm 2020 cũng chỉ có 2 BNSR trong năm 2015.

- Tình hình sốt rét tại điểm có sốt rét gia tăng của 3 xã Đắk Ơ, Bù Gia Mập, Đắk Nhau là 974 BNSR chiếm 53,37% tổng số BNSR toàn tỉnh (974/1.825). Tại 3 xã trọng điểm Đắk Ơ, Bù Gia Mập, Đắk Nhau, diễn biến sốt rét rất phức tạp và đáng báo động, số BNSR và KST SR đều tăng 58,89% (974/613) so với cùng kỳ năm 2014, BNSR và KST SR ở 3 xã lần lượt có tỷ lệ tăng là: 53,73% (701/456); 84,15% (151/82); 62,67% (122/75). Toàn bộ BNSR đều có KST SR.

- Về điều trị sốt rét, năm 2015 toàn khu vực có số lượt người điều trị là 9.000 lượt người, giảm 25,31% so với năm 2014 (9.000/12.049), đạt 33,7% so với kế hoạch.

- Các địa phương đã thực hiện kế hoạch phun tẩm đúng tiến độ, đúng mục tiêu và đối tượng đích. Một số địa phương đã chủ động thực hiện phun, tẩm bằng nguồn kinh phí đối ứng của địa phương hoặc sử dụng hóa chất do Viện hỗ trợ thêm.

- Kiểm tra kết quả soi lam xét nghiệm của các địa phương gửi về Viện vẫn còn sai sót, chiếm tỷ lệ 0,07%; việc soi lam, kiểm tra, bảo quản lam ở các tuyến và gửi lam kiểm tra theo quy định cần quản lý chặt chẽ hơn nữa. Các điểm KHV chưa chủ động xuống địa bàn lấy lam máu xét nghiệm ở những điểm có SRLH, chủ yếu là bệnh nhân đến Trạm y tế khám, có sốt thì mới lấy lam máu xét nghiệm sốt rét.

- Tổ chức giám sát dịch tễ sốt rét tập trung vào các trọng điểm sốt rét, các xã biên giới, xã có nhiều dân di cư, giao lưu vào vùng SRLH; điều tra, giám sát, điều trị sốt rét những đối tượng đi rừng về; điều tra, giám sát véc tơ; thử nghiệm nhạy cảm với muỗi An.epiroticus. Công tác nghiên cứu khoa học; đào tạo, tập huấn; hợp tác quốc tế, các dịch vụ khoa học kỹ thuật, khám chữa bệnh chuyên khoa ký sinh trùng đều triển khai có hiệu quả.

- Căn cứ tình hình sốt rét khu vực NB - LĐ hiện nay đã giảm rất mạnh, trong đó nhiều tỉnh liên tiếp trong nhiều năm trở lại đây (ít nhất từ 3-5 năm) không còn sốt rét nội địa và nhiều tỉnh chỉ có vài chục ca SR nội địa hàng năm. Xét các điều kiện thực tế về tình hình sốt rét của các tỉnh, Viện đã chỉ đạo một số địa phương triển khai “Kế hoạch hành động Loại trừ bệnh sốt rét, khu vực NB - LĐ giai đoạn 2015-2020”. Lãnh đạo Viện đã đến các địa phương chỉ đạo và thống nhất kế hoạch LTSR tại các tỉnh như: Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An. Trước mắt, các địa phương thành lập Ban chỉ đạo LTSR các cấp (thành phần, số lượng) hoặc dựa vào Ban chỉ đạo Chăm sóc Sức khỏe Nhân dân các cấp; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.

Những khó khăn, thách thức trong công tác phòng chống và loại trừ sốt rét:

- Khu vực vẫn phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức do tình hình sốt rét phức tạp, di biến động dân khó kiểm soát (dân di cư tự do, đi rừng, ngủ rẫy, giao lưu biên giới); Sốt rét kháng thuốc của P.falciparum chưa được giải quyết, có xu hướng tăng và lan rộng, cũng đã phát hiện kháng thuốc của P.vivax ở khu vực. Muỗi An.epiroticus - véc tơ truyền bệnh sốt rét chính ở đồng bằng Nam Bộ tăng sức chịu đựng và kháng với các hóa chất đang sử dụng hiện nay, chưa có hóa chất hiệu quả thay thế. Một số trọng điểm sốt rét trong khu vực khó giải quyết do nhiều nguyên nhân như môi trường sinh thái biến đổi, khí hậu nóng, ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện cho các véc tơ truyền bệnh phát triển, hoạt động của người dân luôn ra khỏi tầm bảo vệ PCSR của các địa phương. Dân di cư tự do theo mùa vụ, dân đi rừng ngủ rẫy còn nhiều, khó kiểm soát. Chưa có sự phối hợp liên ngành trong công tác PCSR. Sự quan tâm, chỉ đạo của các địa phương không được quyết liệt và thường xuyên như trước, sự tập trung chuyên môn theo đó ngày một giảm. Tình hình sốt rét bộc lộ không ổn định, nguy cơ sốt rét quay trở lại khó tránh khỏi.

- Do tình hình sốt rét ngày càng giảm thấp, kinh phí đầu tư hạn chế, có thể các quan tâm, đầu tư nguồn lực của các địa phương cũng giảm dần, sự tập trung chuyên môn theo đó ngày một giảm.

- Giám sát, phát hiện ca bệnh còn thụ động. Chưa có biện pháp quản lý KST sốt rét ở vùng SRLH nặng, dai dẳng hoặc ở vùng SRLH thấp, không còn SRLH.

- Hệ thống các điểm KHV chưa đảm bảo độ bao phủ cho phù hợp với phân bố lưu hành bệnh sốt rét. Chất lượng đào tạo kỹ thuật viên về sốt rét chưa chuyên sâu, vẫn mang tính hình thức.

- Vấn đề phun, tẩm hóa chất bảo vệ cho dân chưa thật sự có hiệu quả. Người dân chưa có ý thức tự bảo vệ khi đi vào vùng SRLH. Công tác truyền thông còn chưa được chú trọng.

Về công tác Phòng chống giun sán

- Tiếp tục thực hiện Dự án “Phòng chống giun sán trẻ em lứa tuổi học đường khu vực NB - LĐ” triển khai mở rộng ra các địa phương khác trong khu vực. Chiến lược là tập trung truyền thông giáo dục sức khỏe PCGS, từng bước xã hội hóa PCGS. Triển khai tẩy giun cho học sinh tiểu học và phụ nữ lứa tuổi sinh sản. Công tác tập huấn, truyền thông và giám sát cũng được Viện đẩy mạnh. Hoàn thiện các mẫu báo cáo công tác PCGS. Duy trì hoạt động NCKH, tiếp tục xây dựng thư viện mẫu KST.

- Bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn như công tác PCGS chưa phải là chương trình mục tiêu Quốc gia, Viện không chủ động về nguồn thuốc tẩy giun; kinh phí hoạt động hạn hẹp, chủ yếu dựa vào các nguồn tài trợ; địa phương không có cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác PCGS; cán bộ phụ trách còn thiếu và yếu, chưa có cán bộ chuyên trách các tuyến, ...

Về công tác phòng chống sốt xuất huyết

- Năm 2015 tình hình dịch SXH có nhiều chuyển biến phức tạp, số ca tử vong tiếp tục tăng cao kể từ tháng 8/2015. Số mắc SXHD của khu vực phía Nam năm 2015 là 64.532 ca, tăng 113% (64.532/30.302), tử vong do SXHD tăng 30 ca (49/19), số ổ dịch được phát hiện tăng 92,9% (9.121/4.729) so với cùng kỳ năm 2014, tỷ lệ xử lý ổ dịch đạt 98,7% cao hơn so với cùng kỳ năm 2014. Viện đã tăng cường các hoạt động giám sát, điều tra véc tơ, điều tra bọ gậy nguồn, thử nhạy cảm và đánh giá mức độ nhạy cảm của muỗi Ae.aegypti với hóa chất. Kết quả 15 mẫu thử nghiệm hầu hết muỗi Aedes aegypti có thể kháng và kháng với giấy tẩm Deltamethrin 0,05%, Permethrin 0,75% và Alphacypermethrin 0,05%, Cyfluthrin 0,15%. Các hoạt động tập huấn, truyền thông, NCKH được triển khai đều đặn, đạt kết quả khả quan.

- Tuy nhiên, vẫn còn đó những tồn tại như cơ sở vật chất cho hệ dự phòng và điều trị một số nơi còn thiếu và xuống cấp chưa đáp ứng kịp thời với tình hình dịch bệnh ngày càng gia tăng và phức tạp. Cơ sở làm việc và trang thiết bị cho hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe từ tỉnh đến huyện một số nơi còn hạn chế; Vai trò cộng tác viên tại một số nơi hiệu quả vẫn chưa đạt; Tình trạng thiếu, thay đổi nhân lực, kinh phí chương trình chuyển về chậm; Di biến động dân số quá lớn, mật độ dân số cao, môi trường ô nhiễm.

Về công tác phòng chống ngoại ký sinh

Trong những năm qua mặc dù không có kinh phí cho hoạt động chương trình, Viện đã tận dụng mọi nguồn kinh phí từ các chương trình SXH, sốt rét,… để thực hiện các đề tài cơ sở từ năm 2011- 2015. Năm 2015, Viện triển khai thực hiện đề tài cấp Bộ “Xác định thành phần loài, sự lưu hành tác nhân gây bệnh và đề xuất quy trình giám sát một số loài chân đốt y học ở khu vực NB - LĐ”. Tiếp tục điều tra, thu thập thành phần loài; triển khai nghiên cứu về 4 nhóm loài ngoại ký sinh gây bệnh (ve, mò, mạt, bọ chét); tăng cường hoạt động truyền thông cộng đồng để người dân hưởng ứng với công tác phòng chống các loài NKS gây bệnh. Tổng hợp, thu thập và làm tiêu bản mẫu các loài NKS, thiết lập thư viện mẫu NKS phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy.

Hội nghị cũng đã nghe PGS.TS. Lê Thành Đồng, Viện trưởng, tóm tắt lại tình hình sốt rét 5 năm 2011-2015 khu vực NB - LĐ, nghe báo cáo tham luận của các địa phương tại các tỉnh có SRLH thấp, không còn sốt rét, nằm trong chiến lược LTSR giai đoạn 2015-2020 như An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và 01 báo cáo tham luận của tỉnh có sốt rét nặng nhất hiện nay là Bình Phước. Hội nghị đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn nhiều vấn đề bức xúc, cần giải quyết hiện nay như: Về triển khai kế LTSR trong thời gian tới, trước mắt xây dựng kế hoạch trình Sở Y tế phê duyệt về kế hoạch hoạt động và kế hoạch kinh phí; Thành lập Ban chỉ đạo LTSR các cấp (thành phần, số lượng) hoặc dựa vào Ban chỉ đạo Chăm sóc Sức khỏe Nhân dân các cấp; Duy trì hoạt động của các điểm KHV; Tổ chức tập huấn, đào tạo chuyên khoa cho cán bộ tuyến dưới; Tập trung phun, tẩm tại 3 xã trọng điểm của tỉnh Bình Phước; Sự phối hợp, ủng hộ của chính quyền, đoàn thể, cộng đồng trong công tác PCSR; Vấn đề sốt rét kháng thuốc có xu hướng tăng và lan rộng, nếu không thay đổi phác đồ điều trị sẽ khó loại trừ P. falciparum; Về công tác PCGS phải dựa vào cộng đồng; Tăng cường giám sát véc tơ SXH, báo cáo lên tuyến trên đúng và đầy đủ theo quy định; Báo cáo về Viện những côn trùng lạ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Báo cáo tham luận của các đại biểu

Để ghi nhận công lao, đóng góp và kịp thời động viên khuyến khích, tôn vinh các tập thể và cá nhân của Viện và các đơn vị thuộc khu vực NB - LĐ có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác PCSR 5 năm giai đoạn 2011-2015, Bộ Y tế tặng Bằng khen cho 15 tập thể và 14 cá nhân đã có thành tích xuất sắc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác phòng chống sốt rét giai đoạn 2011-2015.

Lãnh đạo Viện trao Bằng khen của Bộ Y tế cho các tập thể và cá nhân

Phát biểu bế mạc hội nghị, PGS.TS. Lê Thành Đồng đánh giá cao những nỗ lực và những thành tích đạt được trong công tác PCSR của các đơn vị y tế trong khu vực NB - LĐ, ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương tiếp tục triển khai tốt các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm năm 2016 như sau:

PGS. TS. Lê Thành Đồng, Viện trưởng, phát biểu bế mạc

Về công tác phòng chống và loại trừ sốt rét

Đề nghị tất cả các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống và loại trừ sốt rét trình UBND tỉnh/thành phố để đưa vào chương trình kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó, phần kinh phí nên chủ động từ nguồn ngân sách địa phương, khi có ngân sách trung ương thì bổ sung sau.

* Đối với vùng SRLH nặng

- Tập trung tăng độ bao phủ về mọi mặt chuyên môn (phun tẩm, phát hiện, điều trị,…tại các trọng điểm sốt rét. Tăng cường giám sát điều trị, có thể kéo dài ngày hoặc tăng liều cho phù hợp để đẩy lùi P.falciparum nhằm tiến đến mục tiêu loại trừ P.falciparum theo kế hoạch. Chú trọng điều trị P.vivax, giám sát các cơ sở điều trị theo đúng quy định của Bộ Y tế.

- Duy trì hoạt động của các điểm KHV, quan tâm đến chất lượng của đội ngũ KTV xét nghiệm, tăng cường công tác soi lam bằng KHV, tăng tỷ lệ phát hiện KST.

* Đối với vùng SRLH nhẹ, không còn SR nội địa

- Tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương để quản lý, giám sát nhóm đối tượng di biến động vào vùng sốt rét, từ đó quản lý bệnh sốt rét.

- Đối với nhóm đối tượng giao lưu qua biên giới, đề nghị xét nghiệm nhanh sốt rét bằng test nhanh tại cửa khẩu để phát hiện KST.

- Giám sát ổ dịch cũ về KST, về véc tơ truyền bệnh sốt rét để chủ động xử lý.

- Quản lý sốt rét ngoại lai, kịp thời xử lý, tránh lây lan, bao vây, điều trị.

- Tăng cường công tác giám sát véc tơ sốt rét.

Định hướng hoạt động LTSR trong giai đoạn tới: Các tỉnh triển khai nhằm mục tiêu LTSR đến năm 2015 gồm 8 tỉnh: Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp. Các tỉnh triển khai nhằm mục tiêu LTSR đến năm 2020 gồm 11 tỉnh: Đồng Nai, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Lâm Đồng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau.

Về công tác Phòng chống giun sán

Đề xuất các giải pháp và kế hoạch thực hiện công tác năm 2016 phải xây dựng và củng cố hệ thống cán bộ y tế làm công tác PCGS dựa vào cộng đồng ở các tuyến, kêu gọi hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước; xây dựng biểu mẫu báo cáo; xây dựng thư viện mẫu vật ký sinh trùng phục vụ công tác NCKH, đào tạo; đẩy mạnh hoạt động truyền thông hướng đến cộng đồng bằng nhiều hình thức phù hợp với điều kiện kinh tế, trình độ dân trí, phong tục tập quán địa phương…

Về công tác phòng chống sốt xuất huyết

Trong năm 2016, tiếp tục củng cố, phát huy vai trò của Viện trong hoạt động Dự án phòng chống bệnh SXH, thực hiện tốt công tác tổ chức, chỉ đạo tuyến, thử nghiệm đánh giá nhạy, kháng với hóa chất…

Về công tác phòng chống ngoại ký sinh

Năm 2016, tiếp tục thực hiện đề tài cấp Bộ “Xác định thành phần loài, sự lưu hành tác nhân gây bệnh và đề xuất quy trình giám sát một số loài chân đốt y học ở khu vực NB - LĐ”. Thu thập mẫu để xây dựng thư viện mẫu về côn trùng trong khu vực. Tư vấn trực tiếp và hướng dẫn biện pháp phòng chống bệnh do các loài côn trùng và các loài ngoại ký sinh (bọ chét, bọ xít, ve, mò, mạt…) cho các công ty, xí nghiệp, và người dân tại khu vực theo yêu cầu.

CN. Nguyễn Thị Yến, CN. Phùng Thị Thanh Thúy