Tình hình sốt xuất huyết tháng 3/2012 và hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết của Viện Sốt rét - KST - CT TP. Hồ Chí Minh

Trong tháng 3/2012 cả nước ghi nhận 2.815 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue (SXHD), 04 trường hợp tử vong; tại TP. HCM, Bình Dương, Tây Ninh và Đồng Nai.

So với tháng 02 /2012 (2714/2) số mắc tăng 3,7%, tử vong tăng 02 trường hợp. So với tháng 03/2011(2419/1), số mắc cả nước tăng 16,4% tử vong tăng 03 trường hợp. Trong đó, ở khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng có 2.501 trường hợp (chiếm 88,9% số mắc cả nước), 04 trường hợp tử vong (chiếm 100% số tử vong cả nước); khu vực miền Trung có 268 trường hợp mắc (chiếm 9.5% so với cả nước), không có tử vong; khu vực Tây Nguyên có 9 trường hợp mắc (chiếm 0.3% số mắc cả nước), không có tử vong; khu vực miền Bắc có 37 trường hợp mắc (chiếm 1,3% số mắc cả nước), không có tử vong.

So với cùng kỳ năm 2011, ở khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng, số mắc 2.120, tăng 18%. Tỉnh/thành phố có số mắc /100.000 cao nhất lần lượt là: Bình Dương (40,91), Cà Mau (39,66), Tiền Giang (32,26), Long An (30,92), TP. HCM (28,00). Các tỉnh có số mắc tích lũy tăng so với năm 2011: Tây Ninh (2,2), Vĩnh Long (1,8), Kiên Giang (1,6), Tiền Giang (1,2), Long An (1,2).
Kết quả giám sát véc tơ tháng 4/2012 tại một số điểm đại diện khu vực phía Nam. Chỉ số BI cao (BI≥ 50) là: tỉnh Sóc Trăng (Thạnh Phú, An Mỹ) An Giang (An Hòa, Bình Khánh) Kiên Giang (An Bình, Long Thạnh), Tiền Giang (Gò Công,Gò Công Đông), Trà Vinh (Long Hữu,Kim Hòa) Vĩnh Long (Phú Đức,Hòa Tinh), Bến Tre (Tân Phong), Đồng Tháp (Tân Mỹ).

Như vậy trong 3 tháng đầu năm 2012 số ca mắc SXHD ở khu vực Nam Bộ – Lâm Đồng tăng, mặc dù số bệnh nhân tử vong có giảm hơn năm 2011 và kết quả điều tra véc tơ của các điểm đại diện của các tỉnh tuy là trong mùa khô nhưng đều vượt.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Viện Sốt rét – KST – CT TP. HCM đã triển khai kế hoạch hoạt động giám sát véc tơ, xử lý ổ dịch, kết quả cho thấy:
- Ở quận 12 thành phố Hồ Chí Minh, chỉ số Ae. aegypti cao hơn ngưỡng nguy cơ (DI ≥ 1 con/nhà), chỉ số BI thấp hơn ngưỡng nguy cơ (BI ≤ 50). Bọ gậy tập trung chủ yếu các dụng cụ: lu chứa nước, xô, thùng, vật chứa linh tinh, phế thải quanh nhà.

- Thử tính nhạy cảm của muỗi Ae.aegypti ở các tỉnh Tây Ninh, An Giang và quận 9 thành phố Hồ Chí Minh với giấy thử: Deltamethrin, Permethrin, Malathion. Tại tất cả các điểm thử xác định Aedes aegypti đã kháng với hóa chất Deltamethrin 0,05%, Aedes aegypti nhạy với hóa chất Malathion 5%, Permethrin 0,75%.

- Thử hiệu lực diệt muỗi Ae. aegypti ở thị xã Tân Châu tỉnh An Giang đối với hóa chất Map-Permethrin 50EC ở tỷ lệ 1/6 hiệu lực diệt của Map-Permethrin 50EC còn tốt.