Những triển vọng ban đầu trong thử nghiệm lâm sàng vắc xin sốt rét

Một vắc xin sốt rét đang cho kết quả hứa hẹn với giai đoạn đầu của thử ngiệm lâm sàng.

Các nhà nghiên cứu tìm thấy loại vắc xin sốt rét, hiện đang được triển khai ở Mỹ, bảo vệ được 12 trong số 15 bệnh nhân không mắc bệnh, khi dùng với liều cao.

Phương pháp này khác với thông thường là tiêm chích trực tiếp ký sinh trùng sốt rét sống nhưng đã được làm suy yếu vào bệnh nhân để kích hoạt khả năng miễn dịch. Nghiên cứu này đã được công bố trên Tạp chí Science.
Đứng đầu nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Robert Seder, Trung tâm nghiên cứu vắc xin tại Viện Y tế Quốc gia ở Maryland, cho biết: "Chúng tôi rất hào hứng và vui mừng với kết quả, nhưng điều quan trọng là chúng ta cần lặp lại, mở rộng phạm vi và nhân rộng số lượng".

Vết cắn

Trong nhiều thập kỷ qua, chúng ta đã biết rằng tiếp xúc với muỗi đã được chiếu tia xạ trị có thể bảo vệ chống lại bệnh sốt rét. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng phải mất hơn 1.000 vết cắn từ côn trùng mới đủ thời gian để thiết lập nên khả năng miễn dịch một cấp độ cao, chính vì thế phương pháp này là không thực tế để bảo vệ rộng rãi cho cộng đồng.
Thay thế cho điều đó, Công ty Sanaria, một công ty công nghệ sinh học của Hoa Kỳ đã nuôi muỗi trong điều kiện phòng thí nghiệm, chiếu xạ chúng và sau đó trích xuất các ký sinh trùng gây bệnh sốt rét (Plasmodium falciparum), tất cả đều thực hiện trong điều kiện vô trùng.

Những ký sinh trùng sống nhưng đã bị làm suy yếu sau đó được đếm và đặt trong ống, sau đó tiêm trực tiếp vào máu của bệnh nhân. Sản phẩm vắc xin dự kiến này được gọi là PfSPZ.

Để thực hiện thử nghiệm lâm sàng, các nhà nghiên cứu đã tiến hành trên một nhóm 57 tình nguyện viên, không ai trong số họ đã từng mắc bệnh sốt rét.

Trong số này, 40 người được tiêm với những liều vắc xin khác nhau, 17 người còn lại thì không tiêm. Sau đó, tất cả được tiếp xúc với muỗi mang ký sinh trùng sốt rét.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng đối với những người tham gia không được tiêm vắc xin, và những người tiêm liều thấp, hầu hết đều bị nhiễm bệnh sốt rét, còn đối với các nhóm nhỏ mà được tiêm liều lượng vắc xin cao thì chỉ có 03 trong số 15 bệnh nhân bị bệnh sốt rét.

Tiến sĩ Robert Seder cho biết: "Căn cứ vào tài liệu được ghi nhận trước đây, chúng tôi biết rằng liều lượng là quan trọng bởi vì để được bảo vệ trước bệnh sốt rét phải cần có 1.000 vết muỗi đốt. Để tối ưu hóa vắc xin trong các nghiên cứu ở tương lai, chúng ta cần tăng liều và thay đổi phương thức của vắc xin. Các câu hỏi quan trọng tiếp theo là loại vắc xin này có độ bền cao trong khoảng thời gian dài hay không và khi được chủng ngừa có thể bảo vệ được trước các chủng khác nhau của bệnh sốt rét không".

Bình luận về nghiên cứu, Tiến sĩ Ashley Birkett, cho biết: "Thử nghiệm này chỉ mới ở giai đoạn sớm với số lượng tình nguyện viên ít, nhưng chúng tôi thật sự phấn khích bởi những kết quả. Ông nói thêm rằng “các giai đoạn nghiên cứu vắc xin hiện nay chỉ nhắm vào các giai đoạn của ký sinh trùng P.falciparum thay vì toàn bộ vòng đời. Cách nghiên cứu này chỉ nhằm đưa ra các kết luận cho các giai đoạn khác nhau của ký sinh trùng", ông nói.

Hiện tại có khoảng 20 loại sản phẩm dự kiến làm vắc xin sốt rét đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Tiên tiến nhất là RTS, S/AS01, được Công ty dược phẩm GlaxoSmithKline thực hiện, một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 dự kiến sẽ thực hiện trên 15.000 trẻ em ở châu Phi.

CN. Nguyễn Thị Minh Châu

(Lược dịch từ: http://www.bbc.co.uk/news/health-23607612)