Nguy cơ sốt rét quay trở lại và mắc bệnh sốt rét ở người đi rừng, ngủ rẫy

Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện nay khoảng 40% dân số trên thế giới có nguy cơ mắc bệnh sốt rét. Theo WHO ước tính năm 2013 trên toàn cầu có khoảng 207 triệu ca mắc sốt rét và có 627.000 người chết nhất là trẻ em tại Châu Phi [7]. Cho đến hiện nay, bệnh sốt rét chưa có vắc xin dự phòng, do đó việc lựa chọn giải pháp phòng chống hiệu quả đối với bệnh sốt rét là vấn đề quan trọng đối với từng quốc gia, lãnh thổ.

Trong thời gian qua, mặc dù số bệnh nhân sốt rét (BNSR) ở một số địa phương trên cả nước có xu hướng giảm nhưng số rét ác tính (SRAT) ở những người dân bị mắc sốt rét có chiều hướng gia tăng. Các trường hợp tử vong do SR đã được Viện Sốt rét - KST - CT TP. Hồ Chí Minh phân tích sau khi khảo sát tại cơ sở và ghi nhận do những nguyên nhân khác nhau. Một trong những nguyên nhân đã xác định là bản thân bệnh nhân (BN) và người nhà BN thiếu các thông tin về công tác phòng, chống SR; trên 80% BN chết do sốt rét (SR) là lực lượng lao động bị mắc SR do đi làm ăn tại vùng có nguy cơ cao như đi vào sốt rét lưu hành (SRLH) nặng, đi rừng, ngủ rẫy... Di biến động dân cư, điển hình là hiện tượng di dân đang trở nên phổ biến và ngày càng gia tăng ở nước ta khi đất nước đang trong giai đoạn phát triển kinh tế mạnh mẽ. Di biến động dân thường dưới 2 hình thức, hoặc có tổ chức hoặc tự do, đây là một thách thức lớn trong công tác PCSR hiện nay. Dưới mọi hình thức, di dân đều gây nên sự biến động dân cư và được xem là một trong nhiều nguyên nhân góp phần gia tăng SR. Người dân di chuyển từ chỗ này đến chỗ khác, tạm thời hoặc cố định với nhiều mục đích khác nhau, trong đó lý do tìm kiếm việc làm, để phát triển kịnh tế là chủ yếu, mà việc này rất khó khăn ở quê hương nơi họ đang cư trú. Nhóm dân này thường đến các vùng SR lưu hành (SRLH) để tìm vùng đất mới canh tác, đi vào rừng để khai thác gỗ, tìm đá quý hoặc săn bắt động vật và những người dân qua lại biên giới. Kết quả dẫn đến một số lớn người bị phơi nhiễm cao với SR, thời gian phơi nhiễm tương đối ngắn và không có miễn dịch SR với nhiều nhóm tuổi khác nhau. Điển hình nhất là các khu vực có đất đai mầu mỡ, dễ canh tác, nhiều rừng như các tỉnh Tây Nguyên, và một số tỉnh vùng Đông Nam bộ. Tuy nhiên, nguy cơ mắc sốt rét không những xảy ra đối với những người dân đi rừng ngủ rẫy, dân di biến động, khai thác lâm sản mà còn là nguy cơ mắc bệnh của lực lượng kiểm lâm làm công tác bảo vệ rừng ở nhiều địa phương trên cả nước.

Theo nghiên cứu của Lê Khánh Thuận, Nguyễn Tân, Lê Thành Đồng (2005) Nghiên cứu một số biện pháp khắc phục sốt rét gia tăng do di biến động (đi rừng, ngủ rẫy) ở Bình Tân (Bình Thuận) và Sơn Trạch (Quảng Bình), các đối tượng đi rừng, ngủ rẫy đa phần là nam giới 77,5%, tuổi từ 15 - 30 chiếm 26,8% trong số đó những người bị mắc SR 77,4%. Khi vào vùng sốt rét 57,1% mang theo màng để ngủ; 32,1% mang theo thuốc sốt rét để uống khi bị sốt. Một nghiên cứu cắt ngang khác ở đối tượng là người đi rừng, ngủ rẫy tại Bình Tân tỉnh Bình Thuận cho thấy 7,7 – 75% là không mang theo màn để ngủ khi đi rừng, ngủ rẫy vì các lý do: diện tích nhà rẫy nhỏ không đủ chỗ để treo màn, không đủ màn để ngủ do màn ở nhà bị rách, không tin vào màn phòng được bệnh sốt rét và bên cạnh đó vẫn còn một số người không phải mang theo màn khi đi rừng, ngủ rẫy. Và ý thức của những người này khi bị sốt là tự mua thuốc điều trị, đến y tế thôn bản, đến y tế tư nhân, đến bệnh viện và không làm gì để bệnh tự hết từ 2,27 - 33,64%. Nghiên cứu của Triệu Nguyên Trung, Nguyễn Ngọc Hòa, Huỳnh Bình Phước (2006) "Đánh giá thực trạng quản lý và sử dụng thuốc sốt rét ở các tuyến khu vực miền Trung - Tây nguyên và đề xuất biện pháp khắc phục" và Lê Thuận “Thực trạng về di biến động dân cư và quản lý sốt rét ngoại lai ở Nghệ An 1993-2003” cho thấy sự di biến động dân tại Nghệ An từ năm 1999 - 2003 toàn tỉnh có 3,3% đi làm ăn trong vùng SRLH các tỉnh miền Nam vào các tháng 3, tháng 4 và tháng 9 hàng năm. Khu vực miền Trung - Tây Nguyên, hiểu biết của cộng đồng về nguyên nhân mắc bệnh và sử dụng thuốc sốt rét còn hạn chế ở những người dân thường đi rừng, ngủ rẫy mang theo thuốc sốt rét chiếm rất thấp 2,33%, biết thuốc sốt rét được cấp miễn phí 63,17%. Nguyễn Võ Hinh (2007) "Nghiên cứu hình thái giao lưu và hành vi phòng, chống sốt rét của các đối tượng nguy cơ mắc bệnh tại huyện vùng cao, biên giới A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2005 - 2007". Kết quả ghi nhận được 71,36% đối tượng thường đi rừng, ngủ rẫy và qua lại biên giới 11,62%, những đối tượng này tự đến y tế cơ sở xin cấp thuốc tự điều trị sốt rét 31,48% và tự điều trị khi có sốt là 11,05%. Nghiên cứu của Chế Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Bình, Phan Trọng Lân (2010) “Thực trạng mắc sốt rét và các yếu tố liên quan đến bệnh sốt rét của người dân đi rừng, ngủ rẫy tại huyện Bắc Bình tỉnh Bình Thuận năm 2010”, tự mua thuốc điều trị 33,6%, đến y tế thôn bản 3,2%, đến trạm y tế xã 37,7%, đến y tế tư nhân 19,1%, đến bệnh viện 2,3% và không làm gì để bệnh tự hết là 4,1%. Khi đó đa số người dân không mang màn theo khi đi rừng, ngủ rẫy với nhiều lý do trong đó chủ yếu là do diện tích nhà rẫy nhỏ không đủ diện tích để treo màng 75%, không đủ màn, màn ở nhà bị rách 54,8%, nhiều người dân không tin vào màng có thể phòng tránh sốt rét 41,3% và 7,7% người đi rừng, ngủ rẫy không biết ngủ màn phòng chống được sốt rét. Kết quả nghiên cứu cũng ghi nhận được người dân đi rừng, ngủ rẫy tại huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận mắc sốt rét cao vào các tháng 1, 11 và 12 là do thời gian này người dân tiến hành thu hoạch mùa vụ đồng thời cũng là lúc chuẩn bị đất cho vụ mùa kế tiếp và tỷ lệ mắc sốt rét ở những người đi rừng, ngủ rẫy có nguy cơ mắc sốt rét cao gấp 5,03 [OR = 5,03, (KTC 95% 3,7-6,9) P<0,0001] lần so với người không đi rừng, ngủ rẫy [1], [2], [3], [4], [5], [6].

Các nghiên cứu được tiến hành qua các năm cho chúng ta thấy nhận thức của người dân đặc biệt là những đối tượng đi rừng, ngủ rẫy, người qua lại biên giới và dân di biến động từ vùng không sốt rét đi vào vùng sốt rét lưu hành về phòng chống sốt rét còn hạn chế. Tuy nhiên, trước tình hình sốt rét hiện nay tuy có chiều hướng giảm nhưng nguy cơ bùng phát trở lại ở những vùng sốt rét giảm thấp hoặc không còn sốt rét trong cộng đồng là rất lớn./.

ThS. Nguyễn Văn Khởi

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Võ Hinh (2007) "Nghiên cứu hình thái giao lưu và hành vi phòng, chống sốt rét của các đối tượng nguy cơ mắc bệnh tại huyện vùng cao, biên giới A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2005 - 2007". Phòng chống bệnh sốt rét và các bệnh ký sinh trùng, Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung Ương, tập 4, tr. 17 - 25.

2. Nguyễn Mạnh Hùng (2012) "Loại trừ bệnh sốt rét, tài liệu hướng dẫn cho các nước có bệnh sốt rét lưu hành nhẹ và vừa". Nhà xuất bản Y học, tr. 13 - 14.

3. Triệu NguyênTrung, Nguyễn Ngọc Hòa, Huyỳnh Bình Phước (2006) "Đánh giá thực trạng quản lý và sử dụng thuốc sốt rét các tuyến khu vực Miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất biện pháp khắc phục". Công trình nghiên cứu khoa học, báo cáo hội nghị khoa học toàn quốc chuyên ngành sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng giai đoạn 2001 - 2005, Nhà xuất bản Y học Hà Nội, tập 1, tr. 41 - 48.

4. Chế Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Bình, Phan Trọng Lân (2010) "Thực trạng mắc sốt rét và các yếu tố liên quan đến bệnh sốt rét của người dân đi rừng ngủ rẫy tại huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận năm 2010". Tạp Chí Y Hoc Dự Phòng, Tổng hội Y học Việt Nam xuất bản, số 9 (117), tr. 60 - 65.

5. Lê Thuận (2006) "Thực trạng về di biến động dân cư và quản lý sốt rét ngoại lai ở Nghệ An từ năm 1999 - 2003". Công trình nghiên cứu khoa học, báo cáo hội nghị khoa học toàn quốc chuyên ngành sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng giai đoạn 2001 - 2005, Nhà Xuất Bản Y Học Hà Nội, tập 1, tr. 122 - 130.

6. Lê Khánh Thuận, Nguyễn Tân, Lê Thành Đồng (2005) Nghiên cứu một số biện pháp khắc phục sốt rét gia tăng do di biến động (đi rừng, ngủ rẫy) ở Bình Tân (Bình Thuận) và Sơn Trạch (Quảng Bình), http://www.impe-qn.org.vn/impeqn/vn/portal/InfoDetail.jsp?area=58&cat=1069&ID=506.

7. http://www.who.int/malaria/media/world_malaria_report_2013/en/.

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,