Hiện tượng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc và các biện pháp phòng chống

Sốt rét là một bệnh lan truyền đường máu, do ký sinh trùng (KST) sốt rét được truyền từ người bệnh sang người lành bởi muỗi Anophen (hay còn gọi là muỗi đòn xóc).

Đây là một bệnh còn rất phổ biến trên thế giới nói chung và ở nước ta nói riêng. Năm 2006, Việt Nam có 91.635 bệnh nhân mắc sốt rét, chủ yếu là do 2 loài KST Plasmodium falciparum và Plasmodium vivax.

Hiện nay, một số loại thuốc trước đây được dùng để chữa trị bệnh sốt rét do Plasmodium falciparum đã bị giảm hiệu lực như Chloroquin, Pyrimethamin, Fansidar, Quinin … Đây là hiện tượng kháng thuốc. Hiện tượng KST sốt rét kháng thuốc là một trong những nguyên nhân quan trọng gây khó khăn cho công tác phòng chống sốt rét. Tình trạng kháng thuốc của KST đang lan rộng ở nhiều nước trên thế giới đặc biệt ở vùng Đông Nam Á. Tại Việt Nam, hiện tượng KST sốt rét kháng thuốc xuất hiện chủ yếu ở miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO, 1981), KST sốt rét kháng thuốc là khả năng một chủng KST có thể sống sót và phát triển mặc dù bệnh nhân đã được điều trị và hấp thụ một lượng thuốc bằng hoặc cao hơn liều thông thường. Nghĩa là, một người bệnh được xét nghiệm thấy có KST sốt rét đã uống đủ liều thuốc trong ngày và đủ thời gian quy định mà bệnh vẫn không giảm hay nặng hơn, hoặc có thể hết sốt nhưng sau 2 -3 ngày lại bị sốt lại.

Làm sao biết là đã mắc phải KST kháng thuốc? Theo kinh nghiệm của các bác sỹ chuyên khoa, bệnh nhân mắc bệnh sốt rét đã được uống thuốc đủ liều, đủ thời gian,nếu sau 2 - 3 ngày vẫn không hết sốt và xét nghiệm máu lại thấy mật độ KST không giảm hay đang có chiều hướng tăng lên thì có thể đã bị kháng thuốc (sau khi đã loại trừ tất cả các nguyên nhân gây sốt khác).

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng kháng thuốc, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do uống thuốc sốt rét bừa bãi, uống thuốc không đủ liều lượng và không đúng thời gian qui định theo hướng dẫn của bác sỹ. Sau khi uống vài viên thuốc thấy hạ sốt thì tự ý ngưng không uống tiếp, làm cho KST sốt rét quen với thuốc, tăng khả năng chống lại thuốc. Hoặc vì những lý do khách quan phải đi công tác hay du lịch vào những vùng có sốt rét lưu hành nặng và bị muỗi mang KST sốt rét có khả năng kháng thuốc đốt.

Mắc bệnh sốt rét kháng thuốc rất nguy hiểm vì bệnh dai dẳng, dễ tái phát nhiều lần, việc chữa trị tan gốc gặp nhiều khó khăn. Bệnh sốt rét vì thế diễn biến nặng hơn, có thể chuyển thành sốt rét ác tính dẫn đến tử vong nếu không được điều trị khẩn cấp kịp thời. Bệnh còn gây thiệt hại về kinh tế như: giảm thu nhập lao động trong thời gian điều trị bệnh, chi phí để điều trị bệnh nhân và sản xuất thuốc chống kháng tăng cao. Ngoài ra, còn có thể gây thành dịch sốt rét rất nguy hiểm và khó phòng chống.

Do đó, mỗi cá nhân cần phải tự bảo vệ mình để không bị sốt rét kháng thuốc. Nếu ở những vùng có sốt rét lưu hành hoặc mới từ vùng có sốt rét lưu hành trở về địa phương thì khi có những triệu chứng sốt phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để xét nghiệm xác định có bị bệnh sốt rét hay không, kết quả xét nghiệm sẽ có ngay sau 30 phút. Việc thực hiện các xét nghiệm rất quan trọng để xác định chủng loại KST sốt rét gây bệnh nhằm sử dụng thuốc hiệu quả và có hướng điều trị phù hợp. Khi được cấp thuốc sốt rét phải uống đủ liều lượng, đúng thời gian quy định. Phải tiếp tục uống thuốc theo hướng dẫn của bác sỹ điều trị cho dù đã hết sốt.Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc tự điều trị bệnh sốt rét tại nhà vì sẽ không đúng thuốc, không đủ liều lượng làm cho việc chữa trị không đạt hiệu quả, dễ dẫn đến hiện tượng KST sốt rét kháng thuốc.

Tất cả các xét nghiệm chẩn đoán KST sốt rét và thuốc sốt rét đều được thực hiện và cấp phát miễn phí tại các cơ sở y tế và bệnh viện .

Hiện tượng KST sốt rét kháng thuốc ở các vùng sốt rét lưu hành tại Việt Nam hiện nay ngày càng phổ biến với mức độ kháng ngày càng tăng . Do đo, mỗi người cần phải thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh sốt rét nhằm bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình góp phần làm giảm gánh nặng cho xã hội.