Hội thảo Sơ kết hoạt động phỏng vấn dân di cư, di biến động và các yếu tố nguy cơ lan truyền sốt rét kháng thuốc trên địa bàn tỉnh Bình Phước

Ngày 24/6/2015, tại Trung tâm Phòng chống sốt rét tỉnh Bình Phước, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức di cư quốc tế (IOM) và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP. HCM phối hợp tổ chức Hội thảo Sơ kết hoạt động phỏng vấn dân di cư, di biến động và các yếu tố nguy cơ lan truyền sốt rét kháng thuốc trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Tham dự Hội thảo có các đại biểu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO); Tổ chức di dân quốc tế (IOM); Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn,Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP. HCM; các Sở ban ngành tỉnh Bình Phước: Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Ngoại vụ, Sở Lao động thương binh và xã hội, Công an tỉnh, Bộ đội biên phòng tỉnh, Trung tâm phòng chống sốt rét; các Trung tâm y tế huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, Bù Đốp; UBND, trạm y tế và cộng tác viên y tế thôn bản các xã Bom Bo, Đăk Nhau, Đăk Ơ, Bù Gia Mập, Thiện Hưng, Phước Thiện.

Tại Hội thảo, Tiến sĩ Phùng Đức Truyền, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP. HCM báo cáo sơ kết hoạt động phỏng vấn dân di cư, di biến động và các yếu tố nguy cơ lan truyền sốt rét kháng thuốc trên địa bàn tỉnh Bình Phước, thực hiện từ tháng 12/2014 đến tháng 2/2015.

Tiến sĩ Phùng Đức Truyền báo cáo hội thảo

Theo báo cáo, hoạt động phỏng vấn hướng đến mục tiêu chung là “Ngăn ngừa nguy cơ sốt rét của dân di biến động, hiểu biết các mô hình di biến động và phòng chống bệnh sốt rét và các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến sự lan truyền sốt rét kháng thuốc trên địa bàn tỉnh Bình Phước của Việt Nam”. Hoạt động này được thực hiện tại 6 xã Bom Bo, Đăk Nhau, Đăk Ơ, Bù Gia Mập, Thiện Hưng, Phước Thiện thuộc 3 huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, Bù Đốp của tỉnh Bình Phước.

Qua khảo sát thực địa, nhóm nghiên cứu đã phỏng vấn 2005 người dân di biến động đến từ 62 tỉnh thành trong cả nước, trong đó số dân tỉnh Bình Phước chiếm 30,57%. Trong số 2005 người này, có 64,79% (1299 người) nam và 35,21% (706 người) nữ; chủ yếu là người Kinh (1165 người, 58,10%) và người Stiêng (367 người, 18,30%), còn lại là M’Nông, Khmer… Số người có tín ngưỡng tôn giáo và không theo tôn giáo (999 người, 49,83%) gần như tương đương; đa số người có tín ngưỡng tôn giáo theo Phật giáo. Đa số có trình độ dưới trung học phổ thông (86,28%), trong đó có 17,41% (349 người) không biết chữ, chủ yếu là người Stiêng (171 người, chiếm 46.59% trên tổng 367 người Stiêng tham gia phỏng vấn). Số người trong độ tuổi thanh niên (25-39 tuổi) chiếm 46,45%. Các đối tượng phỏng vấn được xếp thành 5 nhóm, bao gồm: nhóm đi rừng ngủ rẫy (498 người, 24,84%), qua lại biên giới (114 người, 7,18%), theo mùa vụ (368 người, 18,35%), thường xuyên (462 người, 23,04%) và nhóm khác (758 người, 37,08%). Có 738 gia đình có trẻ em dưới 5 tuổi.

Hầu hết những người được phỏng vấn đều đã biết về bệnh sốt rét (91,77%), chủ yếu nghe qua tivi, radio và nhân viên y tế, biết được nguyên nhân gây bệnh là do muỗi đốt (83,79%). Có 97,05% ngủ màn, tuy nhiên, trong số này, có đến 19,40% dân số phỏng vấn (389 người) hầu như không biết chắc chắn là có thể phòng chống bệnh sốt rét. Số hộ gia đình có màn chiếm tỷ lệ 99,20% (nghĩa là có 2,15% có màn nhưng không nằm màn), trong đó, số hộ có màn tẩm hóa chất chiếm 40,32%.

Người bị sốt rét khi đến y tế công đều được nhận thuốc miễn phí, làm xét nghiệm máu và đa số đã khỏi bệnh, tuy nhiên, không phải bất kỳ ai bị sốt rét cũng đến khám và điều trị tại cơ sở y tế công. Có đến 66,28% (1329 người) biết là có y tế thôn bản; tuy nhiên, ước tính trong số 1329 người này, chỉ có 21,97% (292 người) đến gặp y tế thôn bản khi bị bệnh. Thời gian bắt đầu điều trị sau khi nghi mắc sốt rét thường là từ 1 - 3 ngày (71,87%). Lý do người dân không đến cơ sở y tế công khi bị sốt rét chủ yếu là xa chỗ ở và điều kiện đi lại khó khăn…

PGS. TS Lê Thành Đồng phát biểu tại Hội thảo


Sau khi nghe báo cáo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến rất thiết thực cho công tác phòng chống sốt rét đối với dân di biến động. Hội thảo hy vọng sẽ có các nghiên cứu tiếp theo chuyên sâu hơn nhằm đi đến các biện pháp phòng chống sốt rét tốt hơn cho dân di biến động.

CN. Nguyễn Thị Băng Thanh