Đánh giá kết quả chỉ đạo và hỗ trợ xã điểm xã Thống Nhất

Thực hiện chỉ thị của Bộ Y tế về tăng cường chăm sóc y tế cho đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, Phân Viện đã tiến hành nhiều hoạt động y tế hỗ trợ xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước trong thời gian 3 năm (1997-2000).

Xã Thống Nhất dân số 7.535 (năm 1997), 11.040 (năm 2000) gồm 15 nhóm dân tộc, chủ yếu là người S’tiêng. Các hoạt động hỗ trợ chính gồm:

- Lồng ghép các chương trình y tế, trong đó đưa vào sử dụng phiếu y tế cá nhân.
- Trợ cấp cho kỹ thuật viên kính hiển vi (50.000 đ/người/tháng), y tế thôn bản (20.000 đ/tháng).
- Kết hợp với trưởng thôn, bản theo dõi, giám sát người di cư: lập danh sách người mới đến gửi Trạm y tế xã; thăm, tuyên truyền giáo dục y tế tại nhà; phát hiện sớm người có sốt.
- Tăng cường màng lưới y tế cơ sở: huấn luyện y tế thôn bản, cung cấp lam kính, túi thuốc y tế…
- Tuyên truyền giáo dục y tế qua hệ thống đài truyền thanh, tranh ảnh, trực tiếp tại nhà, tại trường học.
- Giám sát, hỗ trợ nhân viên y tế qua huấn luyện, cung cấp sách chuyên môn, kỹ thuật.
- Mở 4 lớp huấn luyện cho nhân viên y tế huyện và 16 xã, cấp 1 kính hiển vi và huấn luyện kỹ năng sử dụng kính phát hiện sốt rét, lao, ký sinh trùng đường ruột.

Kết quả cho thấy: số lần thăm, giám sát tại các Trạm y tế tăng từ 7.011 trong năm 1997 lên 15.386 năm 1999. Số lam máu đạt được từ 874 năm 1997 lên 2.441 năm 1999 và lam dương tính từ 149 năm 1997 lên 288 năm 1999. Phát hiện sốt rét ác tính năm 1997: 1, năm 1998: 0, năm 1999: 1. Không phát hiện chết do sốt rét.

Tuy nhiên, tỉ lệ lam dương tính hàng năm (API) vẫn từ 20/1.000 năm 1997 tới 29/1.000 năm 1999. Tỉ lệ tiêm chủng giảm: 95% năm 1997, 86% năm 1999. Có sự cải thiện đáng kể về nhận biết lâm sàng bệnh sốt rét của y tế xã và thôn bản.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Thực hiện công văn 8472/VP1 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc các cơ quan trực thuộc Bộ Y tế chọn một huyện hoặc một xã chỉ đạo toàn diện, từng bước kiện toàn tổ chức y tế cơ sở, nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế xã, y tế thôn bản, đáp ứng ngày càng tốt sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân của Đảng và Nhà nước ta, Phân viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng TP. Hồ Chí Minh chọn xã Thống Nhất huyện Bù Đăng tỉnh Bình Phước để triển khai từ đầu tháng 7/1997.

Được sự chỉ đạo cụ thể của Uy ban nhân dân và của Sở Y tế tỉnh Bình Phước, Huyện ủy - Uy ban nhân dân huyện Bù Đăng đã tạo điều kiện cho Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng tiến hành hoạt động xã điểm. Trong quá trình thực hiện, Phân viện cũng đã nhận được sự hỗ trợ một phần kinh phí từ Dự án Phòng chống sốt rét Việt Nam - EC và trích ra một phần kinh phí hoạt động của Dự án Phòng chống sốt rét quốc gia.

Sau 3 năm hoạt động, cần có đánh giá kết quả đạt được và rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc chỉ đạo xã điểm.

2. ĐẶC ĐIỂM SINH ĐỊA CẢNH VÀ TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI
Xã Thống Nhất thuộc vùng rừng núi miền Đông Nam bộ, cách TP. Hồ Chí Minh 160 km, ranh giới của 3 tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng và Đồng Nai. Độ cao trung bình từ 250 – 280 m trên mực nước biển. Khí hậu nhiệt đới gió mùa (nóng ẩm và mưa nhiều). Diện tích khoảng 140 km2 trong đó 90 km2 là rừng và khoảng 50 km2 là đất canh tác (số liệu tháng 7/1997) nhưng đến nay (tháng 6/2000) thì hầu hết diện tích đất rừng đã bị tàn phá để trở thành đất canh tác.

Địa bàn xã rộng, hệ thống giao thông phủ đều nhưng chất lượng chưa tốt vì thế việc đi lại gặp nhiều khó khăn vào mùa mưa. Do có nhiều tiềm năng kinh tế, nên xã Thống Nhất chịu sức ép nặng nề của tình trạng di dân tự do. Theo thống kê từ Uy ban nhân dân xã thì dân số vào tháng 7/1997 là 7535 khẩu, 1580 hộ. Nhưng đến nay (6/2000) dân số đã là 11040 khẩu, 2224 hộ, tăng 46, 51% trong 3 năm (chủ yếu là lứa tuổi lao động và trẻ em). Xã gồm 15 dân tộc khác nhau (Kinh, Stiêng, Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu, Sán Chỉ, Khmer, Cao Lang, Hoa, Châu Mạ, Toại, Thái, Mường, Hmông), phần lớn từ miền Bắc vào và số ít từ các tỉnh miền Tây nam bộ lên định cư.

Dân bản xứ là người Stiêng. Người dân của xã chủ yếu sống bằng nghề làm rẫy, đi rừng (95%) và số còn lại là buôn bán (5%), diện tích đất canh tác bình quân đầu người về lý thuyết là 1400 m2 nhưng thực tế cao hơn, khoảng 3000 m2. Tỉ lệ hộ đủ ăn là 77,2% và thiếu ăn là 22,8%. Số hộ có phương tiện thông tin như TV, radio là 30%. Tỉ lệ mù chữ của xã là 10%. Nhưng đặc điểm nêu trên của xã Thống Nhất cũng là đặc điểm chung của huyện Bù Đăng.

Xã có 1 trạm y tế được trang bị tương đối đầy đủ. Hiện nay trạm có 6 nhân viên gồm 1 bác sĩ, 2 y sĩ, 1 y tá, 2 nữ hộ sinh hoạt động lồng ghép các chương trình y tế quốc gia. Xã có 8 thôn bản, mỗi thôn bản đều có nhân viên y tế, trình độ là y tá và y sĩ; đội ngũ cán bộ này ngày một trưởng thành, họ đã cùng với y tế xã thực hiện ngày càng tốt công tác điều trị, quản lý và chăm sóc sức khoẻ của nhân dân trong toàn xã.

3. NỘI DUNG CHỈ ĐẠO VÀ CÔNG TÁC HỖ TRỢ
Phân viện Sốt rét-KST-CT TP.HCM thường xuyên đưa cán bộ về xã để chỉ đạo thực hiện các nội dung sau:
- Lồng ghép các chương trình y tế quốc gia
- Hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở
- Quản lý di dân tự do
- Tuyên truyền giáo dục sức khoẻ cho nhân dân
- Phòng chống sốt rét: ngoài các hoạt động thường kỳ của xã, đặc biệt chú trọng:
+ Nâng cao khả năng chẩn đoán và điều trị cho nhân viên y tế, đặc biệt là y tế thôn bản.
+ Nâng cao tinh thần trách nhiệm của nhân viên y tế đối với cộng đồng.
- Hỗ trợ kinh phí và điều kiện làm việc.
- Giám sát, uốn nắn, đôn đốc về chuyên môn.

4. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH CHỈ ĐẠO
4.1 Lồng ghép các chương trình y tế
- Quản lý bệnh nhân chung
+ Thực hiện: Lập phiếu theo dõi sức khoẻ cho từng cá nhân trong xã. Quản lý bằng cách sắp xếp tên từng chủ hộ theo đội, thôn và theo mẫu tự ABC… trong từng hồ sơ riêng biệt.
+ Mục tiêu: Quản lý, theo dõi tình hình sức khoẻ, bệnh tật của từng cá thể trong cộng đồng để đưa ra các biện pháp can thiệp cụ thể, hiệu qủa cho từng cá thể đó.
- Hướng dẫn lập biểu đồ theo dõi bệnh tật cho các chương trình y tế quốc gia.
- Tham gia xây dựng kế hoạch làm việc cho nhân viên y tế đặc biệt là y tế thôn bản cho từng tháng, phối hợp lồng ghép các chương trình y tế khi tiếp xúc với cộng đồng cũng như trong công việc thường ngày.

4.2 Hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở
- Thành lập đội ngũ y tế thôn bản, mỗi thôn 1 người.
- Đào tạo và đào tạo lại để y tế thôn bản đủ sức quản lý, chăm sóc sức khoẻ nhân dân ở thôn bản mình phụ trách.
- Phối hợp nhân viên y tế thôn bản và trưởng thôn khi làm việc.
- Trang bị phương tiện làm việc cho nhân viên y tế thôn bản như lam kính, túi thuốc và dụng cụ y tế.
- Nâng cao khả năng chuyên môn cho nhân viên y tế xã qua việc huấn luyện định kỳ.
- Đào tạo kỹ thuật viên soi lam cho nhân viên y tế xã nhằm nâng cao khả năng chẩn đoán và điều trị sốt rét tại trạm y tế xã.
- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giúp đỡ về chuyên môn để họ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

4.3 Quản lý di dân tự do
Giao trách nhiệm cho nhân viên y tế thôn bản:
+ Phối hợp với Trưởng thôn lập danh sách những đối tượng di dân mới đến địa bàn của mình quản lý, gởi lên trạm y tế xã vào cuối mỗi tháng để lên kế hoạch tuyên truyền giáo dục và phòng bệnh cho họ.
+ Tổ chức vãng gia đối với những hộ mới đến để tuyên truyền giáo dục ý thức tự phòng bệnh và cấp thuốc, lấy lam máu nếu họ bị bệnh.
+ Kết hợp vẽ sơ đồ hộ gia đình khi làm việc tại thôn.

4.4 Tuyên truyền và giáo dục sức khoẻ cho nhân dân
Viết bài có nội dung tuyên truyền giáo dục sức khoẻ gửi đài phát thanh xã đọc định kỳ mỗi tháng.
Phổ biến rộng rãi nguyên nhân lây truyền bệnh cũng như biện pháp phòng tránh bệnh tật vào trường học, tổ chức tôn giáo… để nhân dân tự phòng bệnh cho bản thân và cho cộng đồng.
Nhân viên y tế xã, y tế thôn bản khi xuống nhà dân công tác ngoài nhiệm vụ làm kỹ thuật, mỗi người đều phải kết hợp tuyên truyền giáo dục sức khoẻ cho người dân.

4.5 Hỗ trợ kinh phí và điều kiện làm việc
Ngoài lương cơ bản và các khoản phụ cấp của tỉnh, Dự án Phòng chống sốt rét (PCSR), Phân viện còn trợ cấp cho kỹ thuật viên soi lam của xã 50.000 đ/tháng và một ít tiền xăng xe cho việc đi lại của các nhân viên y tế từ nguồn kinh phí tự có của Phân viện trong suốt thời gian thực hiện dự án.
Trang bị hồ sơ, phiếu quản lý sức khoẻ, các bảng biểu, hướng dẫn cách lập hồ sơ, vẽ biểu đồ theo dõi diễn biến bệnh tật.

4.6 Công tác kiểm tra giám sát và chỉ đạo
Thường xuyên giám sát, uốn nắn, hỗ trợ về chuyên môn cho nhân viên y tế xã và thôn bản để họ hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đáp ứng các yêu cầu của y tế xã và y tế thôn bản về tài liệu chuyên môn, tranh tuyên truyền…
Giáo dục cho cán bộ y tế ý thức “tất cả vì sức khoẻ nhân dân” nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm và thái độ làm việc của nhân viên y tế.

4.7 Công tác chỉ đạo và hỗ trợ trực tiếp của Dự án PCSR VN – EC
Nâng cao dịch vụ y tế tuyến huyện, xã và thôn bản
+ Tổ chức 4 lớp đào tạo, huấn luyện cho 26 nhân viên tuyến huyện, xã để nâng cao khả năng chuyên môn về PCSR ở huyện Bù Đăng, trong đó có xã Thống Nhất.
+ Đào tạo 1 xét nghiệm viên về sốt rét, lao và ký sinh trùng đường ruột ở xã Thống Nhất.
+ Cung cấp tranh tuyên truyền PCSR, cấp túi thuốc cho y tế thôn bản ở xã Thống Nhất.

5. KẾT QUẢ
Về quản lý các bệnh xã hội, mạng lưới y tế xã với sự tích cực đã phát hiện sớm và điều trị đúng các trường hợp bệnh xã hội (lao, phong, tâm thần, bướu cổ) đồng thời quản lý được 100% các trường hợp này trong suốt thời gian thực hiện dự án. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp không tuân thủ theo chế độ điều trị, dẫn đến kết qủa điều trị khỏi không đạt 100%.

Hiệu quả của việc hoàn thiện mạng lưới y tế thôn bản
Thành lập được mạng lưới y tế thôn bản:
+ Có đủ khả năng chuyên môn để thực hiện các chương trình y tế quốc gia.
+ Có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc.
+ Được trang bị phương tiện làm việc.

Từ năm 1998 đến 2000 y tế xã đều có viết bài về tuyên truyền giáo dục sức khoẻ và vệ sinh môi trường, riêng năm 1999 đã có 3 bài viết với nội dung như trên và tổ chức phát thanh định kỳ hàng tháng trên đài phát thanh của xã.

Tổ chức phát các tờ rơi hoặc dán tranh tuyên truyền giáo dục sức khoẻ và PCSR cho từng hộ gia đình nhất là những gia đình mới di dân đến.
Cán bộ y tế kiên trì giáo dục tuyên truyền ý thức tự phòng bệnh cho cá nhân và gia đình mỗi khi xuống thực địa, nhờ vậy nhân dân địa phương ngày càng có ý thức trong việc chăm sóc sức khoẻ của gia đình và cộng đồng.

6. THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN
6.1 Thuận lợi
Đội ngũ cán bộ y tế từ trung ương đến địa phương có tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình, chủ động trong công việc, đặc biệt là sự năng nổ của nhân viên y tế xã và nhân viên y tế thôn bản.
Có sự hỗ trợ đắc lực của Phân viện Sốt rét-KST-CT TP.Hồ Chí Minh, Dự án PCSR Việt Nam – EC, Trung tâm Y tế Dự phòng và Trung tâm PCSR tỉnh Bình Phước, Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng và đặc biệt là sự hỗ trợ của chính quyền địa phương xã Thống Nhất.
Cơ sở vật chất hạ tầng của trạm y tế xã tương đối đầy đủ.

6.2 Khó khăn
Địa bàn xã khá rộng, hệ thống giao thông xấu nên việc đi lại làm việc tại thực địa của nhân viên y tế gặp khó khăn vào mùa mưa.

Sức ép nặng nề từ việc di dân tự do và phá rừng làm cho việc quản lý, phòng chống bệnh gặp khó khăn mà đây là yếu tố nguy cơ cho mọi loại dịch bệnh.
Mặt bằng dân trí còn thấp và không đồng đều. Người dân chưa ý thức được sự nguy hiểm của bệnh tật nên phần lớn chưa biết tự chăm sóc sức khoẻ cho bản thân. Hơn nữa, nạn mê tín dị đoan còn khá phổ biến trong cộng đồng đặc biệt ở nhóm người dân tộc thiểu số, dẫn đến hành vi không có lợi trong việc tự chăm sóc sức khoẻ.

Vấn đề lương bổng và các khoản thu nhập khác của nhân viên y tế còn quá thấp nhưng công việc phải gánh vác ngày một tăng, vả lại hầu hết nhân viên y tế còn phải lo cho gánh nặng gia đình nên công việc chuyên môn chưa phát huy hết tác dụng.

7. KẾT LUẬN
Sau 3 năm thực hiện việc hỗ trợ và chỉ đạo toàn diện cho xã Thống Nhất, tất cả các chương trình y tế quốc gia đều được triển khai hiệu quả. Tình hình bệnh tật diễn tiến theo chiều hướng tốt. Chất lượng phục vụ của trạm y tế xã được nâng cao. Việc quản lý bệnh tật từng bước đi vào nề nếp, ổn định và không quá tải.

Điều đáng ghi nhận là tinh thần thái độ làm việc của nhân viên y tế xã cũng như y tế thôn bản được cải thiện và nâng cao rõ rệt. Đặc biệt, xã đã kiện toàn được mạng lưới y tế thôn bản đủ trình độ chuyên môn để làm việc một cách hiệu quả theo đúng chức năng của họ.

Với những thành quả thu được nêu trên, vấn đề chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ngày càng được nâng cao, từng bước kiện toàn công tác chỉ đạo, giám sát, quản lý bệnh tật trong tình hình y tế mới của ngành.

8. BÀI HỌC KINH NGHIỆM
Sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các cấp lãnh đạo và các tổ chức tài trợ.
Thường xuyên đôn đốc, giám sát, giúp đỡ đội ngũ cán bộ y tế.
Trang bị đầy đủ phương tiện làm việc (phương tiện chẩn đoán và điều trị) cho nhân viên y tế, đặc biệt là nhân viên y tế thôn bản.
Nâng cao khả năng chuyên môn và tinh thần thái độ làm việc cho cán bộ y tế thôn bản.
Đầu tư kinh phí phù hợp với công tác.
Tăng cường công tác trong TTGD sức khỏe trong cộng đồng.
Lồng ghép các chương trình y tế quốc gia ở tuyến YTCS góp phần phát hiện và điều trị sớm các bệnh xã hội ở cộng đồng.

THAM KHẢO

1. Lê Đình Công. Báo cáo kết quả Phòng chống sốt rét 1992-1997 và kế hoạch Phòng chống sốt rét 1998 -2000. Mekong malaria forum: số 1-12/1998.
2. Hoàng Hà. Đào tạo nhân viên y tế thôn bản tình nguyện cho công tác phát hiện và điều trị sớm bệnh nhân sốt rét nhằm hạn chế sốt rét ác tính và tử vong do sốt rét tại Quảng Trị. Kỷ yếu công trình nghiên cứu khoa học – Viện Sốt Rét KST – CT Hà Nội. 1:48-52(1977).
3. Nguyễn Quốc Hưng. Malaria control in Vietnam – Thesis for Master in Public Health – Prince Leopold Institute of Tropical Medecine – Belgium 1998.
4. Sauerborn R et al. Low utilisation of community health worker: Result from a household interview survey in Burkina - Faso. Social Sciences in Medecine, 29:1163-1174 (1989)
5. Kế hoạch kiện toàn và củng cố y tế cơ sở huyện Xuân Lộc 1999. Trung tâm y tế huyện Xuân Lộc – Sở Y tế tỉnh Đồng Nai.

Nhóm tác giả: Nguyễn Quốc Hưng, Phạm Xuân Đỉnh, Đinh Văn Sự, Nguyễn Thế Khởi, Đỗ Hùng Sơn, Nguyễn Vũ Linh và cs

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,