Báo cáo công tác NCKH năm 2015 và định hướng NCKH năm 2016

I. Công tác nghiên cứu khoa học năm 2015

Nghiên cứu khoa học là một trong những hoạt động trọng tâm của Viện Sốt rét - KST - CT TP.HCM. Chất lượng các đề tài nghiên cứu khoa học của Viện ngày càng nâng cao và phát triển về quy mô. Năm 2015, Viện đã triển khai thực hiện 15 đề tài nghiên cứu. Trong đó có 01 đề tài cấp Bộ; 01 đề tài phối hợp với Tổ chức Di dân Quốc tế (The International Organization for Migration) và Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization); 03 đề tài phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới; 01 đề tài cấp thành phố, phối hợp với Viện Sinh học nhiệt đới; 01 đề tài phối hợp với Đại học Y - Dược TP. HCM và 08 đề tài cấp cơ sở. Nhìn chung, các đề tài nghiên cứu của Viện đều là những vấn đề có tính thời sự, có ý nghĩa thiết thực phục vụ công tác chuyên môn và góp phần giải quyết các khó khăn đang gặp phải trong khu vực.

Trong năm 2015, đề tài: “Xác định thành phần loài, sự lưu hành tác nhân gây bệnh và đề xuất quy trình giám sát một số loài chân đốt y học ở khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng ” do PGS.TS Lê Thành Đồng làm chủ nhiệm đề tài đã được Bộ Y tế phê duyệt. Hiện tại đề tài đã được triển khai thực hiện và thu được một số kết quả ban đầu.

Tháng 12 năm 2015, Viện Sốt rét - KST - CT TP. Hồ Chí Minh tổ chức cuộc họp Hội đồng KHKT Viện Sốt rét – KST - CT TP.HCM nghiệm thu các đề tài cơ sở năm 2015 như sau:

1. Đề tài: “Xác định tính đa hình di truyền trong locus gene MSP1 của P. falciparum tại vùng sốt rét lưu hành nặng của tỉnh Bình Phước, 2015”. Chủ nhiệm đề tài là CN. Nguyễn Thị Vân Anh, đề tài được đánh giá xuất sắc.

Nghiên cứu đã sử dụng kỹ thuật Nested - PCR nhằm xác định tính đa hình di truyền trong locus MSP1 của P.falciparum tại vùng sốt rét lưu hành nặng tỉnh Bình Phước từ tháng 5/2015 đến tháng 12/2015 cho thấy: P. falciparum tại 2 huyện Bù Gia Mập và Bù Đăng, Bình Phước có tính đa hình cao. Trên locus MSP1 tỷ lệ kiểu gene K1 chiếm 34.43%, xác định được 5 biến thể allen. Kiểu gene MAD20 chiếm 37.70%, xác định được 6 biến thể allen. Kiểu gene RO33 chiếm 27.87% , xác định được 2 biến thể allen.

2. Đề tài: “Đánh giá thực trạng nhiễm ký sinh trùng sốt rét và hoạt động phòng chống sốt rét ở vùng không còn sốt rét lưu hành nội địa ở khu vực Nam bộ - Lâm đồng”. Chủ nhiệm đề tài là ThS. Nguyễn Văn Khởi, đề tài được xếp loại khá.

Điều tra được tổng số là 3.210 lam/tét so với mẫu nghiên cứu đạt 71,3% so với mẫu nghiên cứu dự kiến ban đầu. Trong đó 2.729 lam máu xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét (KSTSR) thu thập tại các điểm nghiên cứu mang về labo Viện sốt rét KST – CT TP. Hồ Chí Minh nhuộm và soi dưới kính hiển vi. Kết quả ghi nhận được 100% lam và tét chẩn đoán nhanh đều âm tính. Kết quả phát hiện KSTSR bằng phương pháp nhuộm giêm sa soi dưới kính hiển vi và tét chẩn đoán nhanh cho thấy 100% âm tính, kết quả này hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay ở các vùng không còn sốt rét lưu hành tại chỗ. Tuy nhiên ở một số nơi người dân đang sinh sống là những vùng sốt rét cũ đặc biệt là những đối tượng sống trong vùng này cũng có người đã mắc sốt rét và có người chưa mắc. Mặc dù KSTSR không được phát hiện qua kỹ thuật soi dưới kính hiển vi và tét chẩn đoán nhanh nhưng với kỹ thuật PCR đã phát hiện KSTSR dương tính chiếm 14,0%.

3. Đề tài: “Giám sát chủng ký sinh trùng sốt rét trên đối tượng dân di biến động vào vùng sốt rét lưu hành nặng ở tỉnh Bình Phước năm 2015”. Chủ nhiệm đề tài là DS. Huỳnh Kha Thảo Hiền, đề tài được xếp loại khá.

Kết quả khảo sát điểm đột biến trên 34 mẫu dương tính với P. falciparum cho thấy: 5 mẫu/34 mẫu có điểm đột biến gen tại các vị trí mã hóa acid amin, riêng mẫu IB 142 đột biến tại 2 điểm 87, 142 và mẫu M102 đột biến tại 3 điểm 142, 182 và 201. Hai mẫu trên 5 mẫu có tỷ lệ đột biến đa điểm. Khi tiến hành so sánh độ nhạy và độ đặc hiệu của Malaria Antigen P.f/P.v so với kỹ thuật Nested - PCR thu được: độ nhạy là 53,06 % và độ đặc hiệu là 95,24%.

4. Đề tài: “Nghiên cứu thực trạng phòng chống sốt rét cho dân giao lưu qua biên giới Việt Nam - Campuchia tại cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát của tỉnh Tây Ninh, năm 2015”. Chủ nhiệm đề tài là CN. Nguyễn Thị Yến, đề tài được xếp loại khá.

Thực trạng về phòng chống sốt rét của dân giao lưu qua biên giới Việt Nam - Campuchia tại cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát tỉnh Tây Ninh: kết quả phỏng vấn tại 02 điểm nghiên cứu khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát, tỉnh Tây Ninh cho thấy có 72% số người được phỏng vấn có biết về bệnh sốt rét, còn 28% không biết về bệnh sốt rét. Có 19,25% đối tượng nghiên cứu đã từng mắc sốt rét. Trong nhóm người dân đã từng mắc bệnh sốt rét, có 75,3% có uống thuốc sốt rét (79,3% được cấp thuốc sốt rét, 20,7% tự mua thuốc sốt rét). Trong nhóm người có uống thuốc sốt rét, chỉ có 75,9% uống thuốc đầy đủ theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

5. Đề tài: “Đánh giá thực trạng nhiễm giun, sán ở khu vực Nam bộ - Lâm đồng”. Chủ nhiệm đề tài là CN. Hà Thị Thuận, đề tài được xếp loại khá

Tỷ lệ người dân nhiễm chung giun truyền qua đất là 10,8%, tỷ lệ người dân nhiễm giun móc chiếm cao nhất (10,1%), các tỉnh nhiễm nhiều: Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu; người dân nhiễm giun đũa, giun tóc và giun kim chiếm tỷ lệ thấp dưới 1%. Chưa phát hiện trường hợp nhiễm sán qua xét nghiệm phân. Tỷ lệ huyết thanh dương tính với Toxocara canis: 10,9%; với giun lươn: 5,7%, với ấu trùng sán dây lợn: 4,7%; với sán lá gan lớn: 4,7%. Nhiễm phối hợp 2 loại giun, sán chiếm tỷ lệ cao nhất: 4,5%; tỷ lệ nhiễm phối hợp 3 loại giun sán chiếm 1,7%; nhiễm phối hợp 4 loại chiếm 0,3%. Trong đó tỷ lệ huyết thanh dương tính với cả 3 và 4 loại giun sán tập trung ở các điểm điều tra ở Cà Mau. Chưa tìm thấy trứng, ấu trùng giun, sán trong đất, nước sinh hoạt và nước tưới rau của người dân. Tỷ lệ nhiễm trứng, ấu trùng giun móc trên các mẫu rau là 18,3% và giun lươn 1,6%. Tỷ lệ người dân sử dụng cầu tiêu ao cá:15% (chủ yếu tại các điểm nghiên cứu ở Cà Mau), đi tiêu thẳng ra sông chiếm 1,7% (chủ yếu tại các điểm nghiên cứu ở Tây Ninh.

6. Đề tài: “Đánh giá độ nhạy, độ đặc hiệu của kỹ thuật LAMP trong xét nghiệm chuẩn đoán phân biệt sán dây”. Chủ nhiệm đề tài là ThS. Đỗ Thị Phượng Linh và ThS. Phạm Nguyễn Thuý Vy, đề tài được xếp loại khá.

Dựa vào phương pháp hình thái học: Trong số 16 mẫu sán thu thập được có 11 mẫu được xác định là T.saginata (68,75%), 5 mẫu xác định là T.solium (31,25%). Bằng kỹ thuật LAMP: 16/16 (100%) mẫu thu thập được xác định là loài T.saginata. Xác định được độ nhạy của kỹ thuật LAMP là 100 % và độ đặc hiệu là 80 %.

7. Đề tài: “Đánh giá đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và hiệu quả điều trị bệnh viêm da do Demodex bằng Metronidazol và Permethrin”. Chủ nhiệm đề tài là BS. Trần Văn Dũng, đề tài xếp loại đạt.

Tỷ lệ nhiễm Demodex của người dân tới khám với các triệu chứng nghi ngờ viêm da do Demodex tại Viện là 64,9%. Bệnh nhân nhiễm Demodex tập chung chủ yếu ở nhóm tuổi 18 - 40 tuổi (88,33%,), 41 - 57 tuổi (16,67%). Đối tượng mắc Demodex tập chung ở các ngành nghề chính sau: học sinh - sinh viên, kinh doanh đều chiếm 28,33%, nhóm cán bộ viên chức chiếm 26,67%, nhóm khác chiếm 16,67%. Thể bệnh đa dạng, viêm da dạng trứng cá đỏ chiếm tỷ lệ cao nhất (50 %).

II. Định hướng Nghiên cứu khoa học năm 2016

Với tầm nhìn xây dựng Viện Sốt rét - KST - CT TP.HCM phát triển theo định hướng Viện nghiên cứu. Công tác nghiên cứu khoa học được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình xây dựng và phát triển Viện. Mục tiêu của Cấp Uỷ Đảng và của Lãnh đạo Viện là đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu theo hướng thiết thực, hiệu quả và nâng cao năng lực quản lý khoa học theo quy định, bảo đảm thực hiện đầy đủ các thủ tục về quản lý đề tài, các công trình nghiên cứu, các sáng kiến, phát minh, bản quyền và các nội dung khác về khoa học của Viện. Phấn đấu trở thành Đơn vị nghiên cứu khoa học có uy tín hàng đầu về các bệnh Sốt rét, Sốt xuất huyết, giun sán, ngoại ký sinh và các bệnh do vector truyền ở khu vực Nam bộ- Lâm đồng.

Trước mắt công tác nghiên cứu khoa học cần tập trung giải quyết:

- Phát triển các nhóm nghiên cứu chuyên sâu về các lĩnh vực Sốt rét; Sốt xuất huyết; Giun sán; Ngoại ký sinh. Các nhóm nghiên cứu chuyên sâu được xem là mũi nhọn trong việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học ở các cấp.

- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học. Tích cực, chủ động tìm kiếm các đối tác nghiên cứu khoa học quốc tế, nâng chất lượng nghiên cứu khoa học và phối hợp phát triển năng lực của cán bộ Viện.

- Hoàn thiện các quy định về quản lý các hoạt động khoa học và công nghệ sao cho phù hợp với tình hình thực tế của Viện. Đồng thời, cần chú trọng các quy định về ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tế.

DS. Huỳnh Kha Thảo Hiền

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,