Sán lá ruột nhỏ Metagonimus yokogawai

Metagonimus yokogawai là loại sán lá ruột nhỏ nhất ký sinh ở người và động vật có vú ăn cá khác như: chó, mèo, lợn và các loài chim ăn cá. Bệnh do M. yokogawai được tìm thấy chủ yếu ở vùng Viễn Đông, Siberia, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Indonesia, Philippines, các nước vùng Balkans, Israel, Tây Ban Nha và Ai Cập. Ở Hàn Quốc M. yokogawai là phổ biến nhất trong các loài sán lá ruột được xác định trên ở người.

  1. VỀ HÌNH THỂ:

Sán trưởng thành có hình chiếc lá, dài từ 1,0 - 2,5mm, ngang 0,4 - 0,75mm; lớp biểu bì bên ngoài có gai; phẳng; cơ thể đối xứng; có 02 giác hút: giác hút miệng và giác hút bụng. Các khoang miệng nối với thực quản, sau đó chia nhánh thành hai manh tràng song song với nhau đến hậu môn. M. yokogawai là loài lưỡng tính, có hai tinh hoàn và một buồng trứng; tử cung là cơ quan lớn nhất, uốn lượn quanh sán, hướng về các lỗ sinh dục (nơi trứng được đẻ ra).


Trứng của M. yokogawai rất khó phân biệt với trứng của các loài sán lá nhỏ khác, đặc biệt các sán thuộc họ Heterophyidea và cũng gần giống với trứng sán lá gan nhỏ thuộc các chi Clonorchis và Opisthorchis. Trứng có chiều dài từ 26,5 - 30μm; chiều ngang 15 - 17μm; có nắp; màu vàng hoặc nâu.

Hình 1: Sán M. yokogawaitrưởng thành. Miệng (OS), hầu họng (PH), ruột (IN), genitoacetabulum (GA), buồng trứng (OV), lớn , 02 tinh hoàn (TE),và trứng trong tử cung (EG). (Nguồn: CDC)

Hình 2: Trứng của M. yokogawai​(Nguồn: http://web.stanford.edu)

  1. ĐẶC ĐIỂM DỊCH TỄ:

2.1. Vật chủ trung gian:

M. yokogawai có một vòng đời phức tạp liên quan đến hai vật chủ trung gian. Vật chủ trung gian thứ nhất là ốc của chi semisulcospira và vật chủ trung gian thứ hai là một số cá nước ngọt và nước lợ như: Pecoglossus altevelis là một trong những loài cá phổ biến nhất bị nhiễm bệnh, cá chép vàng (Carassius auratus), cá chép (Cyprinus carpio), Zacco temminckii, Protimus steindachneri, Acheilognathus lancedata và Pseudorashora parva.

Hình 3: Ốc họ Semisulcospira

(Nguồn: CDC)

Hình 4: Ốc Semisulcospira libertina

(Nguồn http://web.stanford.edu)

Hình 5:Pecoglossus altevelis

(Nguồn http://web.stanford.edu)

2. 2. Phân bố địa lý:

Bệnh do M. yokogawai được tìm thấy chủ yếu ở vùng Viễn Đông, Siberia, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Indonesia, Philippines, các nước vùng Balkans, Israel, Tây Ban Nha và Ai Cập. Ở Hàn Quốc M. yokogawai là phổ biến nhất trong các loài sán lá ruột được xác định trên ở người.
Một cuộc khảo sát năm 1981 tại Hàn Quốc cho thấy: ít nhất 450.000 người (1,2% dân số của Hàn Quốc) đã được phát hiện có trứng của M. yokogawai trong phân. Trong cộng đồng sống bên cạnh con sông chạy dọc theo bờ biển phía Đông và phía Nam, họ ghi nhận tỷ lệ nhiễm lên đến 20%.

Hình 6: Sự phân bố của M. yokogawai(Nguồn: http://web.stanford.edu)

  1. CHU TRÌNH PHÁT TRIỂN:

Hình 7: Chu trình phát triển của M. yokogawai (Nguồn: CDC)

Sán trưởng thành ký sinh ở ruột non và đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài (1). Trứng rơi xuống nước, ốc (thuộc chi semisulcospira) ăn trứng sán, trứng nở và phát thành các ấu trùng lông trong ruột ốc (2). Ở ốc, ấu trùng lông trải qua nhiều giai đoạn từ sporocysts (2a), rediae (2b), và phát triển thành nhiều ấu trùng đuôi (2c). Ấu trùng đuôi rời khỏi ốc bơi lội trong nước (3) xâm nhập vào cá thích hợp và hình thành nang ấu trùng trong thịt cá (4). Người và động vật ăn cá khác ăn cá sống có chứa nang ấu trùng hoặc cá có chứa nang ấu trùng chưa nấu chín (5). Nang trùng sán phát triển thành sán trưởng thành và ký sinh ở ruột non (6)(7)(8).

  1. BIỂU HIỆN LÂM SÀNG

Triệu chứng chính thường là tiêu chảy và đau bụng, các triệu chứng hầu như nhẹ có thể dễ dàng bị bỏ qua nhưng có ý nghĩa quan trọng trong chẩn đoán. Sán bám vào thành của ruột non nhưng thường không có triệu chứng, khi nhiễm sán với số lượng lớn có thể gây tiêu chảy mãn tính, buồn nôn, đau bụng, bạch cầu ưa eosin ngoại vi có thể tăng sớm trong giai đoạn nhiễm bệnh. Bệnh do M. yokogawai cấp tính, biểu hiện lâm sàng được phát triển từ 5 - 7 ngày sau khi nhiễm. Bệnh nặng được kết hợp với đau thượng vị, mệt mỏi, khó chịu và chán ăn.

Đôi khi, sán xâm nhập vào niêm mạc và đẻ trứng, trứng có thể tìm cách lưu thông trong cơ thể, có thể xâm nhập vào não, tim, hoặc tủy sống gây thuyên tắc mạch làm đe dọa đến tính mạng. Sự hình thành u hạt quanh trứng có thể gây suy tim, co giật và biểu hiện thần kinh không bình thường.

  1. CHẨN ĐOÁN

Việc chẩn đoán chủ yếu là tìm trứng sán trong phân, chẩn đoán có thể khó gặp khăn vì khả năng đẻ trứng của M. yokogawai được giới hạn, do đó phương pháp tập trung trứng trong phân để chứng minh trường hợp nhiễm nhẹ là rất cần thiết. Việc nhận dạng các loài chính xác cũng rất khó khăn bởi vì trứng của sán tương tự về mặt kích thước và hình thái, đặc biệt các sán thuộc họ Heterophyidea và sán lá gan nhỏ thuộc các chi Clonorchis và Opisthorchis. Điều quan trọng là người đó đã mắc bệnh, tìm hiểu xem họ đã từng đến vùng lưu hành M. yokogawai, kiểm tra các dấu hiệu và triệu chứng có thể dẫn tới bệnh do M. yokogawai.

  1. ĐIỀU TRỊ:

Thuốc được lựa chọn để điều trị là: bithionol, niclosamid, nicoflan, và praziquantel nhưng lựa chọn tốt nhất hiện nay là praziquantel với liều điều trị 25mg/kg x 3 lần /ngày.

Praziquantel có một số tác dụng phụ nhưng nói chung là tương đối nhẹ và thoáng qua bao gồm: đau bụng, dị ứng, tiêu chảy, nhức đầu, rối loạn chức năng gan, buồn nôn hoặc nôn, ngứa, phát ban, buồn ngủ, hay chóng mặt. Trong thực tế, vào năm 2002, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo dùng Praziquantel ở phụ nữ mang thai và cho con bú, mặc dù các thử nghiệm kiểm soát vẫn còn cần thiết để xác minh điều này.

  1. PHÒNG BỆNH:

Để phòng bệnh cho người chủ yếu bằng truyền thông giáo dục sức khỏe, diệt ốc trung gian truyền bệnh, quản lý nguồn phân của người, không đại tiện xuống ao, không ăn gỏi cá hoặc cá nấu chưa chín, phát hiện và điều trị người bệnh.

CN. Nguyễn Thị Mộng Siêng

Tài liệu tham khảo:

  1. CDC, Metagonimiasis, http://www.cdc.gov/dpdx/metagonimiasis/, truy cập ngày 20/6/2016.
  2. Metagonimiasis, https://en.wikipedia.org/wiki, truy cập ngày 20/06/2016
  3. Metagonimiasis, http://parasitologyillustrated.com/classes_of_parasites/trematodes/m%20yokogawai.html, truy cập ngày 20/06/2016
  4. Metagonimiasis, https://web.stanford.edu/class/humbio103/ParaSites2005/Metagonimiasis/What%20Is%20Metagonimiasis.htm, truy cập ngày 20/06/2016
  5. Metagonimiasis, http://web.stanford.edu/group/parasites/ParaSites2001/metagonimiasis/meta.htm#pub%20health, truy cập ngày 20/06/2016