Sán dải lùn Hymenolepis nana

Loài Hymenolepis nana thuộc giới Animalia, ngành Platyhelminthes, lớp Cestoda, bộ Cyclophyllidea, họ Hymenolepididae, giống Hymenolepis. Kích thước của loài sán dải này rất nhỏ và thân hình lùn, nên còn gọi là sán dải lùn (dwarf tapeworm), cũng có thể gọi là Vampirolepis nana. Là một trong những loài sán dải ký sinh ở người phổ biến nhất trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt trẻ em.

H. nana là loài sán dải nhỏ nhất, con trưởng thành dài 15 – 44 mm, có khoảng 200 đốt sán. Đầu sán hình cầu, đường kính 0,25 mm, có 4 đĩa hút hình chén và một vòng móc với 24 – 30 móc. Đốt sán trưởng thành hình thang, dài 0,2 - 0,3 mm, ngang 0,8 - 0,9 mm, có một lỗ sinh dục, ba tinh hoàn tròn và một buồng trứng hai thùy. Đốt sán mang trứng có một tử cung hình túi, chứa 80 -180 trứng. Đốt sán già thường tan rã trong đường tiêu hóa và ít khi hiện diện trong phân. Trứng không màu, gần như trong suốt, hình bầu dục hoặc hình thuẫn, kích thước 40 - 60 μm x 30 - 50 μm. Vỏ trứng dày, gồm hai màng, chứa phôi 6 móc. Mỗi cực của màng trong có một chỏm tròn nhỏ, từ chỏm này xuất phát nhiều sợi treo nhuyễn, khúc khuỷu nằm giữa dịch genlatin sền sệt. Trứng có khả năng gây nhiễm ngay khi theo phân ra ngoài và có thể tồn tại đến 10 ngày ở môi trường bên ngoài.

Hình 1,2: H. nana trưởng thành và đầu sán
(Nguồn: http://web.stanford.edu/)

Hình 3: Trứng sán H. nana
(Nguồn: http://www.cdc.gov)

Ký chủ vĩnh viễn của sán là chuột, đôi khi là người. Ký chủ trung gian gồm nhiều loại côn trùng: bọ chét, gián, mọt gạo. Tuy nhiên, ký chủ trung gian không phải lúc nào cũng cần thiết trong chu trình phát triển của sán.

Bệnh phân bố khắp nơi trên thế giới (khoảng 20 triệu người mắc) nhưng thường phổ biến tại các quốc gia ôn đới. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi. Tỷ lệ nhiễm dao động từ 1% ở phía nam của Mỹ đến 9% ở Argentina và 97,3% ở Nga. Bệnh phổ biến hơn ở các vùng nghèo đói và điều kiện vệ sinh kém, đặc biệt là khi có mặt bọ chét. Tại Việt Nam cũng đã phát hiện nhiều trường hợp trẻ em bị nhiễm sán.

Có ba kiểu chu trình phát triển: trứng sán theo phân ký chủ vĩnh viễn ra ngoài, được côn trùng nuốt vào. Phôi thoát khỏi vỏ trứng trở thành ấu trùng trong cơ thể côn trùng. Ấu trùng sán tồn tại trong suốt quá trình lột xác của côn trùng. Khi côn trùng bị ký chủ vĩnh viễn nuốt phải, đầu sán non sẽ nhô ra bám vào thành ruột non. Sán trưởng thành sau 10 ngày (chu trình gián tiếp). Khi ký chủ vĩnh viễn nuốt phải trứng sán, phôi thoát khỏi vỏ, bám trên nhung mao của niêm mạc ruột, biến thành nang sán và trưởng thành sau 5 - 6 ngày (chu trình trực tiếp). Trong chu trình trực tiếp, người hoặc chuột vừa là ký chủ trung gian vừa là ký chủ vĩnh viễn. Trứng theo phân ra ngoài, có thể bị nuốt bởi ký chủ vĩnh viễn, gọi là hiện tượng tái tự nhiễm hay ngoại tự nhiễm. Kiểu chu trình phát triển thứ 3 là tự nhiễm hay nội tự nhiễm. Trong trường hợp này, trứng không theo phân ra ngoài mà nở ra ngay trong ruột ký chủ, trở thành con trưởng thành, bám vào thành ruột non. Chu trình này gây hậu quả nặng nề cho ký chủ vì số lượng sán trưởng thành gia tăng nhanh chóng trong ruột.

Hình 4: H. nana phát triển trong ruột non của chuột (gây nhiễm thực nghiệm)
(Nguồn: http://www.biosci.ohio-state.edu)

Nhiễm ít sán thường không có triệu chứng hoặc rối loạn tiêu hóa nhẹ. Nếu bệnh tự nhiễm, ruột bị tổn thương nhiều do có nhiều nang sán. Từ đó, nhiều đầu sán bám vào thành ruột khiến ruột bị viêm và xuất huyết. Các triệu chứng chỉ xảy ra với nhiễm trùng nặng (khoảng 2.000 con) và rõ ràng nhất là ở trẻ em, bao gồm: rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, mệt mỏi, biếng ăn, đau bụng, nhức đầu. Đôi khi có dấu hiệu thần kinh: mất ngủ, chống mặt, co giật…

Chẩn đoán bệnh bằng xét nghiệm xác định trứng sán trong phân. Đôi khi cần thiết phải xét nghiệm phân nhiều lần vì vài tuần sau khi nhiễm, H. nana mới bắt đầu đẻ trứng. Ngoài ra, dùng phương pháp nội soi để phát hiện sán trưởng thành.

Điều trị bằng Praziquantel (25mg/kg) đường uống, liều duy nhất, hiệu quả 96% hoặc dùng Niclosamid/Albendazole thay thế.

Phòng chống bằng cách rửa sạch, gọt vỏ hoặc nấu chín các loại trái cây và rau quả; Rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước khi chuẩn bị thức ăn hoặc trước khi ăn. Dạy trẻ bỏ thói quen ngậm ngón tay vì trứng sán đôi khi được tìm thấy dưới móng tay.

ThS. Trần Mỹ Duyên

Tài liệu tham khảo:

1. http://www.cdc.gov/dpdx/hymenolepiasis/gallery.html

2. http://www.merckmanuals.com/professional/infectious_diseases/cestodes_tapeworms/hymenolepis_nana_dwarf_tapeworm_infection.html

3. http://www.parasitesinhumans.org/hymenolepis-nana-dwarf-tapeworm.html

4. http://web.stanford.edu/class/humbio103/ParaSites2002/hymenolepsis/