Bệnh giun chỉ Onchocerca hay bệnh mù lòa đường sông

Tổng quan

Onchocerciasis là một bệnh nhiệt đới bị lãng quên, gây ra bởi giun xoắn Onchocerca. Quá trình bệnh xảy ra khi một loại côn trùng truyền bệnh, loài ruồi đen (Simulium damnosum) chích vào da người để hút máu và truyền những ấu trùng giun chưa trưởng thành từ người bệnh sang những người lành. Ở người khi bị nhiễm Onchocerciasis gây suy giảm thị lực hoặc mù, Onchocerciasis còn gây bệnh ngoài da, trong đó có các nốt sần dưới da và ngứa. Các biểu hiện nghiêm trọng nhất bao gồm các tổn thương cấu trúc quan trọng và thường gây mù vĩnh viễn. Đây là căn bệnh đáng để được quan tâm với mức gây mù lòa cao và xảy ra ở những cộng đồng có dịch bệnh này lan tràn. Bệnh này thường gây khủng hoảng trong cộng đồng do những hậu quả nặng nề về kinh tế và xã hội mà nó gây ra. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Onchocerciasis trên toàn thế giới chỉ đứng sau bệnh đau mắt hột là một nguyên nhân gây lây nhiễm của bệnh mù [3].

Dịch tễ học

Tính đến năm 2008 hơn 99% các trường hợp bị nhiễm Onchocerca và mù do Onchocerca liên quan được tìm thấy tại tiểu vùng Sahara của Châu Phi do WHO quản lý. Mặc dù cũng có trường hợp cũng đã được báo cáo ở Yemen và 6 quốc gia ở Trung và Nam Mỹ. WHO ước tính rằng trong năm 2008 khoảng 26 triệu người bị Onchocerciasis, trong đó 265.000 bị mù và 746.000 bị khiếm thị. Hơn 85 triệu người sống trong vùng lưu hành, và một nửa trong số này cư trú tại Nigeria. Khoảng 120 triệu người có nguy cơ mắc bệnh này. Do môi trường sống của vector truyền bệnh, bệnh nặng hơn dọc theo các con sông lớn ở các khu vực miền Bắc và miền Trung của Châu lục này, và mức độ nhẹ hơn ở vùng cách xa các con sông mà loài ruồi đen (Simulium damnosum) sinh sống [1][2].

Theo một báo cáo 2002 của WHO, Onchocerciasis không gây ra cái chết, nhưng gánh nặng toàn cầu do Onchocerciasis là 987.000 người bị khuyết tật suốt cuộc đời (DALYs)[2]. Theo Tổ chức Y tế Panamerican (PAHO), ngày 29 tháng 7 năm 2013, Colombia đã trở thành quốc gia đầu tiên loại bỏ hoàn toàn bệnh do Onchocerciasis [2]. Tháng 9 năm 2014 Ecuador trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới sau khi Colombia vào năm 2013 được công bố hết nhiễm Onchocerciasis. Nước này đã thực hiện thành công các hoạt động loại bỏ bệnh do Onchocerciasis [4].

Hình 1: Sự phân bố onchocerciasis [1]

Vòng đời

Ruồi đen Simulium cái hút máu người bị nhiễm bệnh Onchocerciasis. Các trùng chỉ xâm nhập vào ruột vào cơ ngực, chúng di chuyển bên trong ruồi đen, tiến triển thành ấu trùng giai đoạn một (L1). Ấu trùng phát triển thành ấu trùng giai đoạn hai (L2), và di chuyển đến các vòi rồi chuyển vào tuyến nước bọt, ấu trùng phát triển thành giai đoạn ba (L3). Thời gian để phát triển thành giai đoạn ba khoảng 7 ngày. Ruồi đen (Simulium damnosum) hút máu của người khỏe mạnh, các ấu trùng xâm nhập vào vật chủ tiếp theo thông qua vết cắn. Ấu trùng di chuyển đến các mô dưới da. Chúng tạo thành các nốt sần để phát triển thành ký sinh trùng trưởng thành gọi là Filarie (trùng chỉ), thời gian chúng phát triển thành giun trưởng thành (khoảng 6 đến 12 tháng). Sau khi thành con trưởng thành, giun đực và giun cái giao phối với nhau trong các mô dưới da để sinh sản, mỗi ngày sản sinh từ 700 đến 1.500 ấu trùng (Larvae) còn gọi là microfilariae. Các trùng chỉ di chuyển lên da vào ban ngày, những con ruồi đen cái chỉ hút máu vào ban ngày, do đó các ký sinh trùng sẽ xâm nhập vào ruồi để lặp lại chu kỳ mới. Hầu hết các nốt sần có 3-5 con giun, nhưng đôi khi lên đến 50 con giun có thể sống trong một nốt. Tuổi thọ chúng có thể sống đến 15 năm [1][2].

Hình 2: Chu kỳ Onchocerciasis [1]

Triệu chứng

Con người bị nhiễm bệnh Onchocerciasis khi ruồi đen (Simulium damnosum) cắn, các ấu trùng Onchocerciasis xâm nhập qua vết cắn. Một khi vào bên trong cơ thể con người, ấu trùng phát triển thành giun trưởng thành trong khoảng 6 tháng đến 1 năm. Giun trưởng thành sống trong nốt sần, thường là trong các mô dưới da, ở nơi đây chúng được an toàn, không bị ảnh hưởng bởi hệ thống miễn dịch và chúng có thể giao phối và sinh sản tại đây. Các nốt sần được tìm thấy chủ yếu ở các khu vực như: hông, háng, sườn, vai và hộp sọ... Một số người mặc dù đã bị nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng nào, bởi vì ấu trùng có thể di chuyển khắp nơi cơ thể con người mà không gây ra một đáp ứng từ hệ miễn dịch của cơ thể. Nhưng một số người lại có những triệu chứng, trong đó bao gồm phát ban ở da, nổi hạch dưới da và thay đổi thị lực. Các triệu chứng của Onchocerciasis chủ yếu được gây ra bởi các phản ứng viêm đối với microfilariae chết hoặc sắp chết. Phản ứng ở da từ nhẹ cho đến nặng, ngứa trầm trọng dẫn đến gãi có thể gây tổn thương da và nhiễm trùng do vi khuẩn. Nếu không được điều trị, các bệnh ở da có thể tiến triển thành da thô và có màu, viêm da mãn tính gây ra tình trạng tăng sắc tố da làm da bị đen (dark skin). Trong các giai đoạn sau da sẽ mỏng như giấy cuốn thuốc lá và cuối cùng da sẽ xuất hiện vằn vện như da báo. Tình trạng vàng da do Onchocerciasis gây ra có thể rất trầm trọng. Tổn thương mắt chỉ xảy ra sau nhiều năm nhiễm bệnh nặng và do đó chúng thường không xuất hiện ở những người dưới 30 tuổi. Phản ứng dị ứng gây ra bởi ấu trùng chết tại mắt sẽ gây ra hậu quả xuất hiện các vết nhỏ tại võng mạc, những vết này thường xuất hiện kèm theo tình trạng viêm đỏ kết mạc mắt. Ở giai đoạn sau võng mạc sẽ bị mờ đi và sẽ bị mù vĩnh viễn.

Hình 3: Ảnh minh họa Onchocerciasis trong mô và mắt [5,6]

Chẩn đoán:

Thời gian từ khi bị nhiễm cho tới khi phát hiện các microfilariae là 6 đến 15 tháng. Khám sức khỏe của bệnh nhân có thể phát hiện viêm da tại chỗ hoặc có nốt dưới da. Phương pháp phổ biến nhất của chẩn đoán trong phòng thí nghiệm được sử dụng để xác định microfilariae là làm sinh thiết da. Các Microfilariae nổi lên khi da được cho vào trong dung dịch nước muối. Nốt sần cũng có thể được phẫu thuật cắt bỏ để xác định giun trưởng thành.

Kỹ thuật PCR (Polymerase Chain Reaction) cũng được sử dụng, chúng rất tốn kém nhưng độ nhạy rất cao, có thể được sử dụng để chẩn đoán bệnh nhân nhiễm trùng ở mức độ nhẹ. Ngoài ra có thể dùng đèn rọi hoặc kính hiển vi, được sử dụng để chẩn đoán ấu trùng trong mắt hoặc tại các vết thương.

Xét nghiệm kháng thể hiện đang được dùng để phát hiện nhiễm trùng. Những xét nghiệm này không thể phân biệt được tình trạng mới nhiễm hay đã nhiễm từ lâu. Do đó xét nghiệm này không đặc hiệu với những người sống ở các khu vực mà Onchocerciasis tồn tại. Tuy nhiên, test này rất hữu ích cho các du khách du lịch vào khu vực này.

Điều trị

Cho đến nay lựa chọn điều trị duy nhất có thể tiêu diệt ký sinh trùng trưởng thành thì lại độc hại cho người bệnh, thuốc thường được sử dụng là Ivermectin (biệt dược là Mectizan) có tác dụng đến Microfilariae, chúng tác dụng nhanh, an toàn và hiệu quả. Ivermectin tiêu diệt Microfilariae đang hoặt động cũng như ký sinh trùng trưởng thành [1].

WHO khuyến cáo dùng Ivermectin để điều trị Onchocerciasis ít nhất một lần mỗi năm trong khoảng 10 đến 15 năm. Trước khi điều trị bệnh mù sông điều quan trọng là các bác sĩ cần xác định rõ bệnh nhân hoặc cộng đồng được điều trị không bị nhiễm trùng chỉ Loa Loa đây là một dạng ký sinh trùng gây trùng chỉ khác. Lý do là thuốc Ivermectin có thể gây ra phản ứng nguy hiểm đối với người bệnh bị nhiễm trùng chỉ Loa Loa [4].

Hoàng Anh, Trần Thị Xuyến

Tài liệu tham khảo

  1. Onchocerciasis. http://www.neglecteddiseases.gov/target_diseases/onchocerciasis/ accessed on 23th september 2015.
  2. Onchocerciasis. https://en.wikipedia.org/wiki/Onchocerciasis accessed on 23th september 2015.
  3. Onchocerciasis. http://www.cdc.gov/parasites/onchocerciasis/ accessed on 23th september 2015.
  4. Onchocerciasis.http://www.who.int/mediacentre/factsheets/fs374/en/ accessed on 23th september 2015.
  5. http://www.hxbenefit.com/onchocerciasis.html accessed on 24th september 2015.
  6. http://married2medicine.hubpages.com/hub/Loiasis-And-Onchocerciasis-Health-Implications-And-Clinical-Presentations-To-Man accessed on 24th september 2015.