Nguyên nhân gây bệnh là do con người nhiễm giun Dirofilaria. Các ký chủ chính trong tự nhiên của loài giun này là chó, loài động vật ăn thịt (chó sói, cáo, mèo…) và gấu trúc. Người nhiễm ấu trùng giun Dirofilaria qua trung gian truyền bệnh là các loài muỗi. Người là ký chủ tình cờ nên hiếm khi ấu trùng giun phát triển thành giun trưởng thành.
Lịch sử phát hiện:
Năm 1856, Leidy phát hiện D.immitis trên chó. Đến 1887, Magalhaes phát hiện giun Dirofilaria ký sinh dưới da một bé trai người Brazil. Năm 1930, Skrjabin báo cáo D.repens ký sinh ở mắt trái của một phụ nữ tại Liên Xô cũ. Tại Mỹ, ca bệnh đầu tiên được phát hiện năm 1941, trên một phụ nữ bị giun ký sinh dưới da. Những năm 1950, trên hình ảnh X-quang phổi có nốt u chẩn đoán nhầm với carcinoma; trong u này phát hiện ra giun non, sau này mới xác định là D.immitis. Năm 1961, tìm ra Dirofilaria trong phổi người.
Phân bố:
D.immitis phân bố khắp nơi trên thế giới, nhất là ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới, liên quan đến nuôi chó, mèo. Tỷ lệ nhiễm trên chó: Mỹ (40%), Italia (22 - 80%), Nhật Bản (29,1 - 50%). D.repens phân bố ở châu Âu, châu Phi và châu Á. Tỷ lệ nhiễm trên chó: Italia (2 - 21%), Hy Lạp (12 - 37%), Tây Ban Nha (5,1 - 84,6%), Pháp (1,36%). Gần 100 năm nay, người nhiễm giun D.repens đã được báo cáo, đầu tiên ở Italia sau đó là Pháp, Sri Lanca, Ucraina, Liên Xô cũ, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Uzbekisan, Ấn Độ, Thái Lan. Trong số các trường hợp được báo cáo ở châu Âu thì Italia chiếm 66%, Pháp (21,7%), Hy Lạp (8%), Tây Ban Nha (4%). D.tenuis được báo cáo ở miền nam nước Mỹ, trong đó 75% ở bang Florida, Texas và Akansa. D.subdermata được tìm thấy ở miền nam nước Mỹ và Canada. Tại Việt Nam, năm 2007 cũng đã có một số trường hợp mắc giun chỉ ở người và đã được xác định là loài D.repens.
Hình thể:
Trong vật chủ tự nhiên, giun trưởng thành có kích thước từ vài cm tới 35cm, giun cái dài hơn giun đực. Kích thước khác nhau giữa các loài. Ví dụ: D.immitis cái dài 25 - 31cm, con đực dài 12 - 20cm. Tận cùng đuôi cuộn lại, có 10 đôi nhú và 2 gai sinh dục. Âm đạo nằm phía mặt bụng và cách tận cùng đuôi 2,7mm. Giun trưởng thành ít khi tìm thấy ở người. Giun đực và cái được tìm thấy ở tim trái một đứa trẻ tại Rio de Janero; một con giun dài 12 cm bắt được ở tĩnh mạch dưới của bệnh nhân 73 tuổi và một giun dài 21cm bắt được ở động mạch phổi của bệnh nhân 40 tuổi ở New Orlands. Trong tiêu bản cắt mảnh tổ chức, D.immitis có kích thước 140 - 300μm, D.repens 220 - 600μm, D.tenuis 150 - 330μm, D.ursi và D. subdermata 200μm.
Hình 1: Giun D.immitis trưởng thành ký sinh ở tim chó, D.tenuis lấy ra từ mắt bệnh nhân (Nguồn: Internet)
Trung gian truyền bệnh:
Có hơn 60 loài muỗi thuộc 6 giống là véc tơ truyền bệnh Dirofilaria. Một số loại muỗi có khả năng truyền nhiễm Dirofilaria: Aedes, Anopheles, Culex và Mansonia. Các loài muỗi thuộc giống Aedes(Ae.albopictus, Ae.aegypty, Ae.togoi), Culex pipiens truyền D.immitis, D.repens. Ngoài ra, D.immitis còn do bọ chét, chấy, rận, ve truyền. Muỗi Ae.taeniorhynchus và An.quadrimaculatus truyền D.tenuis.
Ký chủ:
Ký chủ chính là chó, mèo và các loài động vật hoang dã như: cáo, cọp, chồn, khỉ, chó sói… Người là ký chủ tình cờ do sống cùng sinh cảnh với thú. Các loài thường gặp ở người là D.repens (ký sinh dưới da và dưới kết mạc mắt), D.tenuis (ký sinh dưới da) và D.immitis (ký sinh ở phổi). Ngoài ra, người cũng có thể bị nhiễm D.ursi, D.subdermata và D.striata.
Chu kỳ phát triển:
Giun Dirofilaria ký sinh ở ký chủ chính như chó, mèo…, con đực và cái giao hợp, giun cái đẻ ấu trùng vào máu ngoại biên. Muỗi hút máu có ấu trùng, ấu trùng phát triển đến tuổi nhiễm sẽ được truyền sang chó, mèo khác. Nếu muỗi mang ấu trùng đốt người sẽ gây nhiễm cho người.
Muỗi hút máu có ấu trùng, ấu trùng này đi vào thể Malpigi thành ấu trùng giai đoạn 1 (L1), sau đó tiếp tục phát và lột vỏ hai lần thành ấu trùng giai đoạn 3(L3) - có thể gây nhiễm. Thời gian ấu trùng phát triển trong muỗi là 8 ngày ở 300C và 28 ngày ở 180C. Ấu trùng di chuyển lên đầu, vòi muỗi. Khi muỗi hút máu, ấu trùng sẽ xâm nhập vào cơ thể vật chủ (thú, người) qua vết đốt. Mỗi muỗi truyền 10 - 12 ấu trùng. Trên chó, mèo ấu trùng giai đoạn 3 được muỗi truyền vào, di chuyển đến tổ chức dưới da và cơ (khoảng 2 - 3 tháng), phát triển và lột xác 2 lần thành ấu trùng giai đoạn 5 (L5) rồi trưởng thành. Giun trưởng thành theo tĩnh mạch di chuyển đến tim phải và bắt đầu đẻ ấu trùng (mất khoảng 3 tháng). Thời gian tính từ lúc nhiễm đến khi giun đẻ ấu trùng, ấu trùng vào máu mất khoảng 6 - 7 tháng. Giun Dirofilaria sống trong cơ thể chó, mèo khoảng 3 - 5 năm. Mỗi con chó có thể nhiễm 15 con giun và mỗi con mèo nhiễm 1 - 3 con giun.
Giun Dirofilaria ký sinh ở người hiếm khi phát triển tới giai đoạn trưởng thành và bộ phận sinh dục chưa hoàn chỉnh. Vì vậy, không tìm thấy ấu trùng giun chỉ này trong máu người bệnh. Giun chỉ ký sinh dưới da, nếu không bị chết do hệ thống miễn dịch thì ấu trùng Dirofilaria sẽ phát triển thành giun trưởng thành sau khoảng 5 tháng. Giun này tồn tại trong ổ tổn thương vài tháng tới hàng năm, sau đó chết và phân hủy. Thời gian Dirofilaria gây khối u dưới da không đau, kéo dài và không có triệu chứng.
Lâm sàng
Vì kích thước giun rất dài, nhiễm số lượng nhiều làm động mạch phổi và tim ký chủ phì đại lên, nội mô bị dày lên. Khi nhiễm ít giun thì thường không thấy triệu chứng nhưng đôi khi những giun già hoặc yếu do thuốc cũng có thể dính chặt vào van ba lá, dễ làm cho ký chủ chết. Khi nhiễm nhiều, chất biến dưỡng của giun sẽ sinh ra độc tố và chất gây dị ứng. Hậu quả là gây phù, tràn dịch màng phổi, báng, sung huyết nội tạng. Ho nhiều cũng là một triệu chứng. Hệ tuần hoàn rối loạn từ từ dễ dẫn đến tử vong. Giun cũng có thể đi lạc chỗ lên não, phá hủy nhu mô não hoặc vào mắt nằm ở tiền phòng.
Hình 2: Giun Dirofilaria ký sinh trong mắt người
(nguồn: Internet)
Chưa bao giờ tìm thấy phôi trong máu người. Tuy nhiên, giun vẫn có thể trưởng thành được, một số nghiên cứu cho biết đã gặp một giun đực và một giun cái trong tâm thất trái của bệnh nhân; một giun đực ở xoang tĩnh mạch chi dưới; một giun cái trong động mạch phổi. Đa số phôi giun chết trong khi di chuyển ở cơ thể người hay sau khi tạo thành một nùi nghẽn động mạch, u hạt được thành lập bao quanh giun. Động mạch phổi là vị trí thường gặp nhất, phát hiện bằng X quang ngực, thường là thùy dưới phổi phải.
Hình 3: Hình ảnh tổn thương phổi do D. immitis trên phim X quang ngực
(nguồn: http://emedicine.medscape.com/)
Một số người không có triệu chứng gì, đôi khi một số trường hợp lại có biểu hiện bệnh nặng như ho, đau ngực, sốt, khó thở, ho và khạc đàm có máu. Ngoài ra bướu có thể phát triển ở mô dưới da hay ở xoang bụng rất dễ nhầm lẫn với bệnh khác.
Chẩn đoán
Bệnh ở chó tìm phôi giun trong máu (lấy máu ban đêm tốt hơn ban ngày). Bệnh ở người thường phát hiện ngẫu nhiên do tình cờ chụp X quang, làm sinh thiết hoặc phẫu thuật tìm giun trong khối u. Nốt ở phổi phát hiện khi chụp X quang dễ nhầm với u phổi, lao phổi, nấm phổi. Có thể chẩn đoán bệnh bằng phương pháp miễn dịch ELISA nhưng độ nhạy và độ đặc hiệu không cao. Để chẩn đoán phân biệt giữa các loài Dirofilaria dùng phương pháp sinh học phân tử với chỉ thị di truyền là gen ITS1 (internal transcribed spacer 1), ITS2 (internal transcribed spacer 2) và gen ty thể cox1 (cytochrome oxidase subunit 1) có độ chính xác cao.
Điều trị
Bệnh ở người được giải quyết bằng phẫu thuật cắt bỏ bướu. Điều trị cho chó, mèo bằng Ivermectin, DEC.
Phòng bệnh
Chữa bệnh cho chó, mèo. Diệt lăng quăng, diệt muỗi trung gian truyền bệnh. Người tránh để muỗi đốt: mặc áo quần dài tay, thoa thuốc xua muỗi…
ThS.Trần Mỹ Duyên
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN SỐT RÉT - KÝ SINH TRÙNG - CÔN TRÙNG - TP. HỒ CHÍ MINH
Số 685 Trần Hưng Đạo - Phường 1 - Quận 5 - TP. Hồ Chí Minh | www.impehcm.org.vn
Điện thoại: 84-028-3923.7117 / 3923.9940 / 3923.7422 / 3923.8091 / 3923.9946 - Fax: 84-8-3923.6734
Giấy phép số 125/GP-BC (9/4/2007)