Vài nét sơ lược về giun đầu gai - Phần 2

(Bệnh học; Triệu chứng; Chẩn đoán phân biệt; Cận lâm sàng; Chẩn đoán; Điều trị; Phòng bệnh)

IV. Bệnh học

Nguyên nhân gây bệnh là tổn thương cơ học ở các mô bởi di chuyển của Gnathostome và các độc tố đi kèm tham gia vào hoặc có liên quan dẫn truyền thần kinh như acetylcholine, hyaluronidase, protease, hemolysine. Ngoài ra còn có sự đáp ứng của cơ thể vật chủ.

Theo thời gian, thì các triệu chứng diễn ra ít rầm rộ và ít kéo dài hơn.

Trên thực nghiệm, người ta đã gây nhiễm được qua da hoặc cho uống nước có ấu trùng.

Bệnh giun đầu gai thường chia làm 2 thể điển hình: thể chu du dưới da và thể phủ tạng. Nguy hiểm nhất là biến chứng hệ thần kinh trung ương.

V. Triệu chứng

1. Triệu chứng toàn thân

  • Thời gian ủ bệnh thường 3-7 ngày, thời gian nhiễm bệnh tiềm tàng có thể kéo dài nhiều tháng, nhiều năm.
  • Suy nhược nhẹ, sốt, chán ăn, buồn nôn.

2. Triệu chứng cơ năng

Triệu chứng phụ thuộc vị trí ấu trùng di chuyển.

  • Da và mô mềm: một hay nhiều vùng như mề đay, đau, ngứa, ban đỏ, nốt dưới da hoặc dạng đinh nhọt.
  • Phổi: ho, ho ra máu, ho ra giun, khó thở, đau ngực.
  • Hệ tiêu hóa: đau hạ sườn phải, triệu chứng giống như viêm ruột thừa, viêm túi mật hoặc giả khối tổn thương ở ruột.
  • Hệ tiết niệu: có thể tiểu ra máu.
  • Mắt: giảm thị lực, mù, đau mắt hoặc sợ ánh sáng.
  • Tai: giảm sức nghe hoặc ù tai.
  • Hệ thần kinh trung ương:

+ Viêm tủy rễ thần kinh (hay gặp nhất),

+ Viêm não - tủy - rễ thần kinh,

+ Viêm não - màng não,

+ Đau liên quan đến thần kinh, tiếp theo sau đó có thể liệt hoặc giảm cảm giác một vài ngày,

+ Dấu chứng và triệu chứng thần kinh định vị.

3. Triệu chứng thực thể

Tùy thuộc vị trí di chuyển của ấu trùng.

  • Da và mô mềm: viêm mô mỡ dưới da, phù Quincke, ban trườn, xuất hiện các nốt dưới da hoặc abces.
  • Hô hấp: hội chứng đông đặc phổi hoặc xẹp phổi, tràn dịch, tràn khí màng phổi, tràn dịch và khí màng phổi.
  • Hệ tiêu hóa: đau ở hạ sườn phải, vùng thượng vị.
  • Về thị giác: viêm mạch màng nho, viêm mống mắt, xuất huyết nội nhãn, tăng nhãn áp, sẹo hoặc bóc tách võng mạc.
  • Hệ thần kinh trung ương: sốt, cứng cổ và/hoặc sợ ánh sáng, tăng áp lực sọ não, dấu hiệu thần kinh định vị thay đổi.

VII. Chẩn đoán phân biệt

  1. Viêm não màng não do amíp
  2. Nhiễm giun móc, mỏ
  3. Phù mạch
  4. Viêm ruột thừa
  5. Bệnh giun đũa
  6. Bệnh giun chỉ W.Bancrofti
  7. Ung thư trẻ em
  8. Viêm túi mật
  9. Viêm mạch võng mạc
  10. Bệnh nấm Coccidioidomycosis
  11. Hội chứng ấu trùng di chuyển
  12. Ấu trùng sán dây lợn
  13. Nhiễm Diphyllobothriumlatum
  14. Bệnh giun chỉ Dirofilariasis
  15. Bệnh giun chỉ Dracunculiasis
  1. Bệnh Echinococcosis
  2. Bệnh sán lá gan lớn
  3. Bệnh đau sợi cơ
  4. Bệnh giun chỉ bạch huyết
  5. Bệnh giun móc
  6. Bệnh Hymenolepiasis
  7. Hội chứng tăng nhiễm eosin
  8. Bệnh đơn bào đường tiêu hóa
  9. Viêm nàng não vô trùng
  10. Viêm màng não nhiễm khuẩn
  11. Ấu trùng sán lợn ở hệ thần kinh
  12. Bệnh sán lá phổi
  13. Bệnh sán máng
  14. Bệnh giun lươn
  15. Bệnh nhiễm sán dây

VI. Cận lâm sàng

1. Huyết học: Công thức máu: Bạch cầu ái toan tăng cao (có thể > 50% so với tổng bạch cầu chung, tăng BC toàn phần).

2. Tổng phân tích nước tiểu: Tiểu máu vi thể

3. Huyết thanh chẩn đoán: Xét nghiệm ELISA và Western Blot là những xét nghiệm đầy hứa hẹn, tuy nhiên, các test này không phải luôn sẵn có tại các quốc gia.

4. Chẩn đoán hình ảnh: Xquang phổi và đường tiêu hóa.

CT-Scanner: CT hiếm khi giúp chẩn đoán được điều gì, nhất là khi giun nằm ở mô mềm và bản thân giun cũng vậy. Trong bệnh lý hệ thần kinh trung ương, CT có thể cho thấy bằng chứng xuất huyết nội sọ, lấp đầy nước tắc nghẽn hoặc viêm màng não trong 50% số ca.

5. Xét nghiệm khác: Soi đờm có thể thấy giun.

6. Các thủ thuật khác: Phẫu tích hoặc phẫu thuật vết thương hiếm khi giúp được điều gì cho chẩn đoán tại các vết thương, mô dưới da, mô mềm.

7. Chọc dịch não tủy: tăng bạch cầu (trung bình từ 20-1430 bạch cầu/mm3, nhưng điển hình thường tăng nhưng <500, trung bình 250);tăng bạch cầu eosin (5-94%, trung bình là 38%) và có dấu hiệu nhiễm sắc vàng với một số hồng cầu.

8. Xét nghiệm mô học: Tìm thấy ấu trùng, ấu trùng có kích thước 2.5-12.5mm x 0.4-1.2 mm.

VII. Chẩn đoán

Chưa có tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán bệnh.

Việc chẩn đoán phải hội đủ cả 3 yếu tố: dịch tễ, lâm sàng và xét nghiệm.

Trong chẩn đoán bệnh rất dễ nhầm với các bệnh khác vì triệu chứng của bệnh không đặc hiệu.

Chấn đoán xác định bệnh do ấu trùng Gnathostoma khi bắt được ấu trùng hoặc giun non từ sang thương (da, niêm mạc, kết mạc mắt,…) nhưng điều này rất hiếm xảy ra. Do vậy có thể dựa vào 3 tiêu chuẩn để chẩn đoán:

  1. Triệu chứng lâm sàng của hội chứng ấu trùng di chuyển;
  2. Tiền sử đi du lịch đến các quốc gia có bệnh lưu hành, có ăn thủy hải sản tái hoặc sống;
  3. Bạch cầu toan tính tăng, huyết thanh chẩn đoán miễn dịch phát hiện kháng thể IgG chống lại với kháng nguyên Gnathostoma spinigerum dương tính.

Đặc biệt, có thể khẳng định lại ca bệnh sau khi áp dụng điều trị thử:

VIII. Điều trị

1. Tư vấn cho bệnh nhân

  • Việc tư vấn, giải thích cho bệnh nhân phụ thuộc vào các tình huống lâm sàng, bệnh sử và bệnh lý kèm theo, từ đó đưa ra lời khuyên thích hợp.
  • Đa số các bệnh nhân điều trị ngoại trú và dài ngày nên việc tuân thủ điều trị phụ thuộc phần lớn vào bệnh nhân.

2. Điều trị

Mổ hoặc phẫu tích lấy giun ra là không cần thiết, ngoại trừ ca bệnh có dấu hiệu viêm tấy tại chỗ nặng.

Những trường hợp nặng có thể kết hợp phẫu thuật hay điều trị nội, ngoại khoa.

Thuốc:

  • Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như phác đồ hữu hiệu cho loại giun này.
  • Ivermectin liều duy nhất dung nạp tốt hơn Albendazole, nhưng Albendazole có thể hiệu quả hơn và có tác dụng bổ sung điều trị.
  • Việc dùng Mebendazole không nên kéo dài.
  • Albendazole 400mg. Liều 800mg/ngày X 3 – 4 tuần [1]; TE: 15mg/kg chia 2 lần/ngày x 21 ngày.
  • Ivermectin: Người lớn và trẻ em trên 5 tuổi: Dùng một liều duy nhất 0,15 mg/kg. Uống vào buồi sáng trước ăn 2 giờ
  • Corticoisteroides đóng vai trò quan trọng trong điều trị vì tác dụng kháng viêm, chống dị ứng trong: mề đay, đau, ngứa, ban đỏ, nốt, dạng đinh nhọt hay thể hệ thần kinh trung ương [1].

IX. Phòng bệnh

  • Không ăn các thực phẩm sống hoặc nấu chưa chín nhất là vùng lưu hành bệnh.
  • Uống nước đun sôi để nguội, nên đun sôi trên 5 phút.
  • Mang găng tay khi chế biến đồ ăn hay tiếp xúc với nước hoặc thịt nhiễm bệnh.

Bs. Trần Văn Dũng

Tài liệu tham khảo

  1. Huỳnh Hồng Quang và cộng sự (2011), Kỷ yếu công trình nghiên cứu khoa học, Nxb. Y Hà Nội, tr. 300 - 309.
  2. Nguyễn Văn Đề và cộng sự (2013), Ký sinh trùng trong lâm sàng, Nxb. Y học, tr. 60 - 61.

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,