Bệnh sán máng (Schistosomiasis)

Sán máng (Schistosomiasis) là một loại sán dẹp, có con đực và con cái riêng biệt, sống chủ yếu trong hệ tuần hoàn và hút máu; tùy theo từng loại ký sinh ở các hệ tĩnh mạch của các các cơ quan khác nhau.

Có 5 loài sán máng gây bệnh ở người:
- Schistosoma hamatobium (S. hamatobium)
- Schistosoma mansoni (S.mansoni)
- Schistosoma japonicum (S.japonicum)
- Schistosoma intercalatum
- Schistosomamekongi
Trong đó có 3 loài sán máng gây bệnh cho người nhiều nhất là sán máng S. hamatobium; S.mansoni và S.japonicum.

NGUỒN NHIỄM
Sán máng ký sinh ở các nhánh mạc treo của hệ tĩnh mạch gánh, lách, bàng quang. Trong khi cuộn với nhau, con cái giao hợp với con đực, sau đó con cái rời bỏ con đực đi ngược chiều máu chảy tới những huyết quản nhỏ để đẻ trứng. Số lượng trứng không nhiều nhưng có gai, những gai này làm rách niêm mạc vi quản để ra nước phát triển thành trùng lông, trùng lông bơi trong nước để tìm đến vật chủ trung gian là ốc để phát triển thành trùng đuôi. Trùng đuôi rời khỏi ốc bơi trong nước, trùng đuôi có đuôi xẻ đôi; khi người bơi lội hoặc tắm, trùng đuôi sẽ xâm nhập vào người qua da. Sau khi chui qua da, trùng đuôi xâm nhập vào các mao mạch bạch huyết rồi theo tuần hoàn ruột rồi cư trú ở hệ tĩnh mạch cửa; sau khoảng 60 ngày trùng đuôi sẽ trở thành sán trưởng thành.


Trứng sán máng


PHƯƠNG THỨC LÂY TRUYỀN
Ấu trùng chui qua da người khi người bơi lội hoặc tắm trong nước có ấu trùng sán máng.


Chu kỳ của sán máng


BIỂU HIỆN BỆNH
Biểu hiện sớm nhất của bệnh là ấu trùng chui qua da gây những điểm xuất huyết nhỏ, vài ngày sau khi nổi mẩn từng đám. Ở những bệnh nhân nhiễm nhiều có tính chất nhiễm độc: nhức đầu, đau các chi, rét run, ban đêm đổ mồ hôi, bạch cầu ái toan tăng, có thể tăng 20-60%.
- Khi sán đẻ trứng, tùy từng loài sán mà biểu hiện lâm sàng khác nhau:
+ Đối với S. hamatobium triệu chứng tiết niệu là nổi bật, bệnh nhân có thể đái máu kèm theo đái rắt, đái buốt. Đôi khi có trường hợp không có triệu chứng gì đặc biệt, chỉ sốt qua loa, nổi mề đay; có trường hợp đái máu kiết lỵ nặng rồi tử vong
+ Đối với S.mansoni triệu chứng chủ yếu là đại tiện ra máu do ruột bị loét, gan lách to giống như hội chứng Banti, kèm theo sốt, thiếu máu nặng, sa trực tràng
+ Đối với S.japonicum triệu chứng chủ yếu là gan rất to và xơ hóa, lách to và đau; giai đoạn cuối xuất hiện cổ trướng.


Hình ảnh tổn thương ở ruột do sán máng


Ấu trùng tiếp cận để chui qua da


Viêm da do ấu trùng sán máng


CHẨN ĐOÁN BỆNH
Để chẩn đoán xác định tùy từng loài sán mà ta có thể xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm phân tìm trứng. Có thể dùng phương pháp soi bàng quang, soi trực tràng kết hợp với xét nghiệm. Có thể chẩn đoán dán tiếp bằng các phương pháp phản ứng ngưng kết kháng nguyên, ELISA

ĐIỀU TRỊ BỆNH
Trước đây người ta dùng thuốc Niridazole, Nilodin, Hycanthone… Ngày nay Praziquantel 600mg được lựa chọn để điều trị có hiệu quả nhất đối với các loại sán máng với liều 40mg/kg cân nặng/24h chia 2 lần, uống sau khi ăn no

PHÒNG BỆNH
Cần phát hiện sớm và điều trị cho người bệnh, quản lý và xử lý phân và nước tiểu của người bệnh không cho khép kín chu kỳ của sán máng; đồng thời bảo vệ da khỏi sự xâm nhập của ấu trùng, cảnh giác với các hồ bơi công cộng vùng có lưu hành bệnh.

Nguồn: www.impe-qn.org.vn

Bs Đặng Thị Nga