Bệnh sán dải heo (Taenia solium và taenia asiatica hay Taenia solium và pork tapeworm)

I. Hình thể

1. Sán trưởng thành

Sán dải heo trưởng thành có thân dẹp, màu trắng đục, dài từ 2-4 m, có khoảng 800-1000 đốt. Cấu tạo cơ thể gồm có đầu, cổ và thân đốt sán. Đầu nhỏ, hình cầu, kích thước khoảng 1mm, có 4 giác bám. Trên đầu có chùy và chân chùy có hai vòng móc, mỗi vòng từ 25-35 móc[1],[3].

Đầu sán Taenia solium trưởng thành (Nguồn: PHIL 5262 - CDC)

Cổ của sán mảnh khảnh nối tiếp với đầu, là nơi sản sinh ra đốt sán bằng cách nảy chồi. Thân gồm các đốt sán, đốt sán non ở gần cổ, đốt sán càng xa cổ thì càng to và già, ở gần cổ đốt sán chiều ngang rộng hơn chiều dài, chỉ có cơ quan sinh dục đực. Đốt trưởng thành có chiều ngang bằng chiều dài chứa cơ quan sinh dục đực và cái. Các đốt già cơ quan sinh dục đực tiêu biến chỉ còn thấy tử cung phân nhánh.

Các đốt sán già của sán dải heo có 7-12 nhánh chứa 30.000 đến 50.000 trứng. Mỗi đốt sán có lỗ sinh dục xen kẽ hai bên hông khá đều, chiều dài đốt sán gấp rưỡi chiều ngang (1-2 cm x 0,5-0,7 cm), Các đốt sán thường rụng thành từng khúc, mỗi khúc 5 đến 6 đốt liền nhau theo phân ra ngoài[1],[2],[3].


Hình thái cơ quan trong đốt sán Taenia solium (Nguồn: PHIL 5261 - CDC)

Bên trong mỗi đốt sán dải chứa các cơ quan nội tạng bao gồm: cơ quan bài tiết, cơ quan thần kinh, cơ quan sinh dục. Sán dải không có cơ quan tiêu hóa, cơ quan hô hấp hay cơ quan tuần hoàn. Dưới tác dụng của các cơ, sán dải có thể co dãn.


Sán dải heo và sán dải bò trên cùng một bệnh nhân được tẩy tại
Trung Tâm Khám bệnh chuyên ngành, Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM

Sán dải sinh sản lưỡng tính, sự thụ tinh có thể xảy ra trong cùng một đốt sán (tự thụ tinh) hoặc giữa hai đốt khác nhau trong cùng một con hoặc giữa hai con (thụ tinh chéo). Sán tiêu hóa bằng cách chất dinh dưỡng đi qua vỏ để thẩm thấu vào thân sán. Những dịch tiêu hóa không thể thẩm thấu vào thân sán khi sán còn sống nhờ đó sán không bị tiêu diệt.

2. Trứng

Trứng của sán heo rất giống sán dải bò, trứng hình cầu, màu vàng xám, bên trong là khối nhân có hạt, chiết quang nằm trong nhân, có vỏ dày có đường kính khoảng 35 µm, bên trong chứa phôi 6 móc[1].

Trứng sán Taenia saginata và Taenia solium (Nguồn: PHIL 4832 - CDC)

3. Nang ấu trùng

Nang ấu trùng sán dải heo (tên khoa học là Cysticercus cellulosae) được gọi là “gạo heo” (phổ biến và dễ nhận biết). Nang chứa dịch và đầu sán rất giống với đầu sán trưởng thành. Dịch gồm nước, albumin và các thành phần khác nên có màu trắng đục, kích thước từ 0,5-1,5 cm. Tuy nhiên, cũng có những nang lớn kích thước từ 3-4 cm, nhưng loại này hiếm. Hình dạng nang cũng khác nhau tùy thuộc vị trí: ở não hình dạng nang tùy thuộc vào áp suất, ở cơ có hình bầu dục giống như hạt gạo, ở mô dưới da có hình hạt đậu, ở thủy tinh dịch - não thất có hình cầu [1],[2],[3].

II. Chu kỳ phát triển

Chu kỳ phát triển của sán dải heo (Nguồn: CDC)

Sán trưởng thành ký sinh ở ruột non người (người là ký chủ vĩnh viễn). Nhờ các giác hút và móc, sán bám vào niêm mạc ruột ở đoạn trên hỗng tràng, là nơi có sẵn các chất dinh dưỡng dễ hấp thu. Chất dinh dưỡng từ đây ngấm vào cơ thể sán. Trước đây, người ta thường cho rằng người chỉ nhiễm một con sán vì sán thứ nhất tạo miễn dịch tương đối chống lại sự phát triển của con sán thứ hai. Tuy nhiên, bội nhiễm khi ta ăn phải miếng thịt chứa nhiều ấu trùng một lúc. Hiện nay có những trường hợp nhiễm từ 2 đến 5 con sán, cá biệt có người bị nhiễm đến 17 sán. Một người có thể nhiễm nhiều loại sán khác nhau như sán dải heo, sán dải bò, sán dải cá. Hàng ngày, người nhiễm sán dải heo trưởng thành thải ra môi trường các chuỗi từ 5-6 đốt sán già theo phân. Đốt sán vỡ, phát tán trứng ra môi trường. Ký chủ trung gian là heo nuốt trứng vào ruột, tại ruột phôi được phóng thích, đi xuyên qua vách ruột vào máu, từ đây chúng phát tán khắp cơ thể. Khi phôi đến vị trí ký sinh tạo thành nang gọi là “gạo heo”. Gạo heo thường gặp ở dưới lưỡi, cơ cổ, cơ vai. Khoảng một năm sau nang ấu trùng chết và hóa vôi không còn khả năng gây nhiễm.

Người nhiễm sán dải heo bằng ba cách: thứ nhất là người ăn phải thịt heo có nang sán không nấu chín; thứ hai là vô tình nuốt trứng có trong thức ăn, rau sống, nước uống hay tay có nhiễm trứng sán đưa vào miệng; thứ 3 là tự nhiễm do người nhiễm sán trưởng thành bị nôn rồi nuốt đốt sán già vào dạ dày. Nang hay trứng sán đến dạ dày ruột dưới tác dụng của các men tiêu hóa đầu sán được phóng thích, lộn đầu ra ngoài bám vào niêm mạc ruột và phát triển thành sán trưởng thành sau 8-10 tuần. Ngoài ra sau khi phôi được phóng thích, chui qua niêm mạc vào vách ruột, theo đường máu đến các cơ quan trong cơ thể và ký sinh tại đây. Các vị trí ký sinh có thể là mắt, não, mô dưới da, tại đó chúng có thể phát triển thành sán trưởng thành. Người ăn phải trứng sán dải heo có thể bị nhiễm nang sán, còn gọi là bệnh ấu trùng sán dải heo, có địa phương người dân gọi là sán cơ hoặc sán não. Sán sống ở người 20-25 năm.

III. Dịch tễ học

1. Các yếu tố nguy cơ nhiễm

Người có thể bị nhiễm sán dải heo ăn thịt heo không được nấu chín.

2. Đặc điểm dịch tễ

Trên thế giới có khoảng 2,5 triệu người mắc bệnh sán dải heo, bệnh gặp khắp nơi trên thế giới. Tỷ lệ mắc bệnh phụ thuộc vào thói quen ăn nhất là ở những nơi có tập tục ăn thịt heo sống, chưa nấu chín. Việc quản lý phân thải chưa tốt như sử dụng các loại hố xí không hợp vệ sinh, nuôi heo thả rông. Ngoài ra, chưa có chế độ quy định về kiểm tra an toàn thực phẩm chặt chẽ cũng làm bệnh có thể lưu hành. Ở châu Mỹ La tinh tỷ lệ nhiễm từ 0,2-2,7%, châu Á từ 3,9-38%, châu Phi từ 0,13-8,6%, các nước theo đạo Hồi ở vùng Bắc Phi, Do Thái giáo thì hiếm gặp hơn. Tại Việt Nam, theo điều tra của Viện Sốt Rét KST - CT TW, tỷ lệ nhiễm sán dải heo vùng đồng bằng từ 0,5-2%, vùng trung du và miền núi là 3,8-6%[1][2].

IV. Triệu chứng

1. Triệu chứng lâm sàng

1.1 Triệu chứng nhiễm sán trưởng thành

Bệnh sán dải trưởng thành thường không biểu hiện triệu chứng rõ rệt, một số trường hợp có biểu hiện lâm sàng: đau bụng, đau tức vùng thượng vị, rối loạn tiêu hóa hoặc có triệu chứng thần kinh (suy nhược); dấu hiệu chính là thấy đốt sán ra theo phân; xuất hiện đốt sán theo phân (những đoạn nhỏ, dẹt, trắng ngà như sơ mít, đầu sán bằng phẳng) và một số trường hợp có trứng sán trong phân được phát hiện.

1.2 Triệu chứng nhiễm ấu trùng sán dải heo

Ấu trùng sán dải thường hình thành nang ấu trùng có thể thấy ở bất cứ nơi nào trong cơ thể vật chủ của bệnh nhân.

Tùy theo số lượng nang ấu trùng và vị trí của nang mà người bệnh có những biểu hiện lâm sàng nặng, nhẹ khác nhau hoặc có thể gây tử vong.

Bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng khác nhau:

  • Tại não: cũng tùy thuộc vị trí mà triệu chứng biểu hiện chức năng cũng khác nhau như động kinh, liệt, nói ngọng, rối loạn ý thức và có những cơn nhức đầu dữ dội (tăng áp lực nội sọ);
  • Khi ấu trùng cư trú ở mắt gây: nang trong mí mắt, trong hốc mắt, kết mạc. Tùy vị trí nang sán mà có các triệu chứng như chèn ép sau nhãn cầu, tăng nhãn áp, giảm thị lực, chảy nước mắt, song thị, mù,…;
  • Ấu trùng cư trú ở cơ vân: xuất hiện các nang dưới da với kích thước 0.5-2cm, di động dễ dàng, không ngứa; nang thường ở cơ bắp tay, chân hoặc cơ liên sườn, cơ lưng, ngực; các nang này có thể gây ra triệu chứng máy, giật cơ, đau đầu mãn tính; nếu một số nang đơn lẻ cần chú ý phân biệt với hạch;
  • Nang ấu trùng ở cơ tim có thể làm tim đập nhanh, tiếng tim biến đổi, người bệnh có dấu hiệu khó thở, ngất xỉu...

2. Triệu chứng cận lâm sàng

2.1 Phát hiện sán trưởng thành

+ Phát hiện kháng nguyên trong phân bằng kỹ thuật ELISA;

+ Phát hiện các đốt sán một đoạn 4-6 đốt sán ra theo phân

+ Soi phân tìm đốt sán dải trưởng thành hoặc tìm trứng sán (ít khi tìm thấy trứng sán, chỉ thấy khi đốt sán bị vỡ vì một lý do nào đấy)

2.2 Phát hiện bệnh ấu trùng sán heo

+ Sinh thiết các nang sán dưới da tìm ấu trùng sán;

+ Chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner) não tìm các hình ảnh đặc hiệu (các nang sán là những nốt dịch có chấm mờ, kích thước 3-5mm, đôi khi nang có kích thước lớn đến 10mm, rải rác có nốt dạng vôi hóa), chụp cộng hưởng từ MRI cho hình ảnh rõ hơn;

+ Chẩn đoán huyết thanh học (ELISA) phát hiện kháng thể và kháng nguyên ấu trùng sán dải heo trong huyết thanh bệnh nhân;

+ Một số trường hợp nhức sau nhãn cầu, tăng nhãn áp, giảm thị lực nếu nghi ngờ sán ở ổ mắt thì nên soi đáy mắt để xác định;

+ Xét nghiệm công thức máu toàn phần có thể có bạch cầu ái toan (Eo) tăng.

V. Chẩn đoán phân biệt

Khi một số trường hợp bệnh chưa rõ ràng, chúng ta nên chẩn đoán phân biệt với một số bệnh khác nhiễm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm,… nhất là trong các bệnh nhân mắc ấu trùng sán heo ở hệ thần kinh:

  • Viêm não, màng não do amíp, do vi khuẩn;
  • U tế bào hình sao ở hệ thần kinh trung ương;
  • U sọ hầu, u nguyên bào tủy;
  • Nhiễm virus cytomegalovirus, nhiễm giun tóc hệ thần kinh;
  • Bệnh sarcoidose, bệnh sán máng thể não;
  • Bệnh giun đũa chó, bệnh do toxoplasmosis;
  • Lao màng não;

VI. Điều trị

1. Nguyên tắc điều trị

- Điều trị sớm: cần thiết chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện có đốt sán ra theo phân để tránh những biến chứng do sán dải (bệnh ấu trùng sán heo);

- Không nên điều trị bằng thuốc đông y, thuốc nam hoặc các thuốc cổ điển đối với bệnh sán dải heo vì dễ xảy ra biến chứng nguy hiểm;

- Điều trị bệnh ấu trùng sán dải nên thực hiện ở cơ sở y tế trang bị phương tiện cấp cứu tốt, có bác sĩ chuyên khoa theo dõi.

2. Thuốc điều trị

Một số thuốc đặc hiệu cho bệnh sán dải và ấu trùng sán như praziquantel, niclosamide và albendazole.

3. Phác đồ điều trị[3],[4]

- Điều trị bệnh sán dải trưởng thành: praziquantel 15-20mg/kg cân nặng liều duy nhất hoặc niclosamide liều 2 gam cho người lớn liều duy nhất hoặc có thể lặp lại liều trong vòng 7 ngày nếu cần thiết;

- Điều trị bệnh ấu trùng sán, chúng ta có thể dùng 1 trong 2 phác đồ sau đây:

+ Praziquantel 30mg/kg/ngày x 15 ngày x 2-3 đợt (mỗi đợt cách nhau 10-20 ngày);

+ Hoặc Praziquantel 15-20mg/kg, liều duy nhất ngày đầu. Những ngày sau dùng albendazole 15mg/kg/ngày x 30 ngày x 2-3 đợt (đợt cách đợt 20 ngày).

  • Với trẻ em, khi điều trị bằng thuốc niclosamide, cần cho liều theo cân nặng cơ thể và được chỉ định bởi bác sĩ:

+ Với những trẻ từ 11-34 kg: liều cho 1 g, liều duy nhất, điều trị có thể lặp lại trong vòng 7 ngày nếu cần thiết;

+ Với trẻ > 34 kg: liều cho 1.5 g, liều duy nhất, điều trị có thể lặp lại trong vòng 7 ngày nếu cần thiết.

VII. Các biện pháp phòng chống bệnh sán dải và ấu trùng sán dải heo

Biện pháp chung là tuyên truyền, giáo dục sức khỏe về phòng chống bệnh cho cộng đồng.

Đối với bệnh do sán dải trưởng thành:

Không ăn thịt heo, gan heo chưa nấu chín như nem, thính, nem chua, thịt heo tái, gan tái; kết hợp với các ngành chức năng kiểm tra chặt chẽ các lò mổ heo, loại bỏ các con vật mang ấu trùng sán; quản lý phân tốt: luôn sử dụng hố xí hợp vệ sinh, không để heo thả rông ăn phân người; tốt nhất không nuôi heo thả rông.

Đối với bệnh ấu trùng sán heo (Cysticercus cellulosae):

Không ăn rau sống, không uống nước lã; quản lý phân tốt, nhất là phân của những người nhiễm ấu trùng sán dải heo; phát hiện và điều trị sớm những người mắc bệnh sán dải và xử lý những con sán được tẩy ra, đặc biệt sán dải heo để ngăn ngừa mắc bệnh ấu trùng sán heo theo cơ chế tự nhiễm.

Ấu trùng sán heo chết ở -2oC, nhưng nếu ở 0oC đến -2oC nó sống được gần 2 tháng và ở nhiệt độ phòng thí nghiệm cũng sống được 26 ngày. Nếu muốn dùng thịt heo sống, phải để thịt ở -10oC trong 4 ngày mới đảm bảo. Ấu trùng bị giết chết ở 45 - 50oC. Để đảm bảo an toàn ½ kg thịt phải đun sôi 1 giờ. Ấu trùng sán sống sau 22 ngày ngâm trong nước muối bão hòa[1].

BS. Trần Văn Dũng

Tài liệu tham khảo

  1. Phan Anh Tuấn (2013), Ký sinh trùng Y học, Nxb Y học, tr.253-261 và tr.273-276.
  2. Lê Thị Xuân (2013), Ký sinh trùng thực hành, Nxb Giáo dục Việt Nam, tr.143-145.
  3. Nguyễn Văn Đề (2013), Ký sinh trùng trong lâm sàng, Nxb Y học, tr.88-94.
  4. Bộ Y tế (2004), Quyết định số 1450/2004/QĐ-BYT ngày 26-4-2004 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sán lá gan nhỏ, sán lá phổi, sán dây và bệnh ấu trùng sán lợn.
  5. Lực lượng Không quân Hoa Kỳ. Ngăn ngừa bệnh tật, khuyết tật và tử vong sớm, các Cestodes (Giun dẹp), http://www.phsource.us/PH/PARA/Chapter_4.htm, xem ngày 12/9/2014.

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,