Bệnh giun xoắn (Trichinella spiralis)

Bệnh giun xoắn ở người gây ra bởi một loại giun tròn thuộc giống Trichinella. Trong thiên nhiên nhiều động vật mang ký sinh trùng này. Người bị nhiễm do ăn phải thịt heo sống hay chưa nấu chín có nhiễm Trichinella spiralis.

PHƯƠNG THỨC LÂY TRUYỀN

- Qua đường ăn uống: ăn sống, ăn tái, ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt (chủ yếu là thịt lợn) nhiễm ấu trùng giun xoắn chưa nấu chín kỹ.

- Giun xoắn không lây truyền trực tiếp từ người sang người.


Nguồn: Sức khỏe & đời sống


CHU TRÌNH PHÁT TRIỂN

Người ăn phải thịt nhiễm kén có ấu trùng giun xoắn chưa nấu chín, ấu trùng sẽ thoát kén tại dạ dày và di chuyển đến ruột non. Ở ruột non, sau 24 giờ, ấu trùng phát triển thành giun trưởng thành và xâm nhập ký sinh trong niêm mạc ruột non. Sau 4-5 ngày, giun cái có thể đẻ ấu trùng. Trong thời gian khoảng 4-6 tuần, ấu trùng xâm nhập hệ tuần hoàn đến tim trái và tới các tổ chức cơ vân, cơ hoành... ký sinh bất cứ nơi đâu, tạo kén. Sau 10 - 15 ngày, các kén có ấu trùng này có khả năng lây nhiễm.
Sau 6 - 9 tháng, kén sẽ bị vôi hoá dần. Kén giun xoắn trong tổ chức cơ có thể tồn tại vài năm, thậm chí tới 20 - 30 năm và vẫn có khả năng lây nhiễm.

TÍNH CẢM ỨNG VÀ MIỄN DỊCH

Tất cả mọi người đều có thể nhiễm giun xoắn

TRIỆU CHỨNG BỆNH

Lâm sàng

+ Phù mi mắt, mặt, phù mi kèm theo xuất huyết dưới giác mạc, võng mạc.

+ Sốt nhẹ sau tăng dần

+ Đau sưng cơ, đổ mồ hôi, mất ngủ

+ Cảm giác kiến bò

+ Có thể gặp các triệu chứng khác như tiêu chảy, khát nước, ra mồ hôi nhiều, cảm giác ớn lạnh và mệt mỏi kiệt sức.

+ Các biến chứng về tim mạch và thần kinh: viêm cơ, viêm phổi, viêm não. Tuỳ theo mức độ nhiễm ấu trùng giun xoắn, trường hợp nặng, tử vong do suy tim.

Cận lâm sàng

+ Tăng bạch cầu ái toan. Thể nhẹ, bạch cầu ái toan tăng 15-30%; thể nặng tăng tới 50-60%.

+ Sinh thiết cơ

+ Tìm kháng thể ấu trùng giun xoắn trong huyết thanh Elisa.

ĐIỀU TRỊ

- Điều trị đặc hiệu:

Praziquantel

Albendazole

Thiabendazol

- Điều trị triệu chứng: bù nước, điện giải, hạ sốt, Corticoid…

PHÒNG BỆNH

Vệ sinh ăn chín, uống nước đã đun sôi, đặc biệt ở các vùng dân có tập quán ăn sống, tái, ăn tiết canh.

Mã số bệnh theo ICD10: ICD-10 B75: Trichinellosis

Tài liệu tham khảo: Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Việt Nam (www.vncdc.gov.vn)

Bs Đặng Thị Nga