Từ lâu người ta đã biết bệnh do véc tơ truyền gây hại cho cả người và động vật, và thường là những bệnh gây thành dịch lớn như “Cái chết đen” ở châu Âu vào thế kỷ 14 và dịch sốt vàng đã ảnh hưởng đến sự phát triển của thế giới. Những bệnh khác, chẳng hạn như bệnh Nagana, đã ảnh hưởng đến sự phát triển của châu Phi trong nhiều năm. Bước vào thế kỷ 20, bệnh do véc tơ truyền là những vấn đề về y tế công cộng và động vật quan trọng nhất trên thế giới. Hầu hết ở nhiều nơi, những bệnh này đã được kiểm soát vào giữa thế kỷ 20 do con người đã hiểu được vai trò truyền bệnh của các véc tơ và cùng với việc sử dụng DDT (dichlorodiphenyltrichloroethane) và các hóa chất trừ sâu khác để làm gián đoạn chu kỳ truyền bệnh từ động vật chân đốt sang vật chủ là động vật có xương sống.
Tuy nhiên, thành công này dẫn đến một thời kỳ tự mãn vào những năm 1960 và 1970, và việc chuyển hướng các nguồn nhân lực ra khỏi hệ thống phòng, chống các bệnh do véc tơ truyền. Những năm 1970 cũng là thời điểm có sự biến đổi lớn về chính sách y tế công cộng. Xu hướng toàn cầu, kết hợp với những thay đổi trong chăn nuôi, đô thị hóa, giao thông hiện đại và toàn cầu hóa, đã dẫn đến một thế giới tái xuất hiện dịch bệnh do véc tơ truyền ảnh hưởng đến cả con người và động vật trong hơn 30 năm qua [1].
Về mặt lịch sử, mặc dù các nhà khoa học đầu tiên đã tìm ra mối quan hệ giữa côn trùng và một bệnh nào đó ở người hoặc động vật, và đã đưa ra khái niệm về sự lây truyền bệnh từ động vật chân đốt sang người. Cụ thể là vào năm 1877 khi Sir Patrick Manson đã chứng minh giun chỉ hệ bạch huyết (Wuchereria bancrofti) ký sinh ở người và lan truyền từ người này sang người khác là do muỗi Culex pipiens fatigans (Cx. Pipiens quinquefasciatus) đốt. Năm 1893, dịch sốt bùng phát ở bang Texas và người ta đã chứng minh dịch sốt này được lan truyền bởi ve cứng Boophilus annulatus. Năm 1898, bệnh sốt rét cũng được chứng minh lan truyền qua muỗi Anopheline. Kể từ thời điểm đó, nhiều tác nhân gây bệnh quan trọng cho người và động vật xương sống do nhóm động vật chân đốt lan truyền đã được chứng minh.
1. Các hình thức lan truyền bệnh [1]
Các tác nhân gây bệnh lây truyền qua động vật chân đốt thuộc bốn nhóm chính: Giun tròn, đơn bào, vi khuẩn (bao gồm rickettsia và Borrelia spp.) và vi rút. Một số tác nhân gây bệnh chủ yếu ở người (ví dụ W. bancrofti), nhưng hầu hết các tác nhân gây bệnh cho động vật, và một số các động vật khác đóng vai trò như là nơi chứa tác nhân gây bệnh. Con người và các loài vật nuôi có thể là vật chủ ngẫu nhiên cho hầu hết các tác nhân gây bệnh do véc tơ truyền.
Một động vật chân đốt có thể truyền tác nhân gây bệnh từ người hoặc động vật sang người và động vật khác bằng một trong hai cách cơ bản, như được nêu dưới đây.
1.1. Lan truyền cơ học
Cơ chế lan truyền này đơn giản là sự mang tác nhân gây bệnh chứa ở phần miệng hoặc những bộ phận khác. Tác nhân gây bệnh không nhân lên hoặc không tăng sinh ở bên trong hoặc bên ngoài cơ thể của động vật chân đốt trong suốt cả quá trình của kiểu lan truyền này. Ví dụ về các tác nhân gây bệnh được lan truyền theo cơ chế này bao gồm vi rút đường ruột, vi khuẩn và đơn bào, chu trình lan truyền trực tiếp phân - miệng.
Côn trùng, chẳng hạn như ruồi nhà, có thể trở thành vật chứa các tác nhân gây bệnh khi chúng ăn phân và có thể lan truyền các tác nhân gây bệnh trong phân cho người bằng cách đậu vào thức ăn của con người. Chắc chắn rằng, một số loài côn trùng như ruồi nhà (họ Tabanidae), chúng thường xuyên tiếp xúc mầm bệnh và vật chủ khác trong một khoảng thời gian ngắn, có thể cơ chế lan truyền cơ học truyền tác nhân gây bệnh theo đường máu qua vết trầy xước và vết thương hở.
1.2. Lan truyền sinh học
Kiểu lan truyền quan trọng nhất của chân đốt y học là lan truyền sinh học. Các tác nhân gây bệnh phải trải qua một số giai đoạn phát triển sinh học trong cơ thể của chân đốt để hoàn thành vòng đời của nó. Có bốn hình lan truyền truyền sinh học.
1.2.1. Lan truyền tăng sinh (Propagative)
Lan truyền tăng sinh xảy ra khi tác nhân gây bệnh bị tiêu hóa cùng với tiêu hóa máu khi động vật chân đốt hút máu, sau đó tác nhân gây bệnh được nhân lên bên trong cơ thể động vật chân đốt. Ví dụ, arboviruses được sinh sản rộng rãi trong các mô khác nhau của muỗi, ruồi, ve, và được truyền sang vật chủ mới qua nước bọt của động vật chân đốt khi chúng đốt máu.
Hình 1. Vi rút phát triển ở dạ dày, tuyến nước bọt, buồng trứng của muỗi
(1a: Các tế bào biểu mô, 1b: Mặt cắt ngang của tế bào biểu mô; 2a: Mặt cắt ngang tuyến nước bọt, 2b: Mặt cắt ngang tế bào biểu mô tuyến nước bọt; Chấm xanh là arboviruses) [8]
1.2.2. Lan truyền tăng sinh biệt hóa (Cyclopropagative)
Trong kiểu lan truyền này, các tác nhân gây bệnh trải qua một chu kỳ phát triển (thay đổi từ dạng này sang dạng khác) và nhân lên trong cơ thể của động vật chân đốt. Ví dụ tốt nhất của cơ chế lan truyền này là sốt rét, trong đó một hợp tử duy nhất có thể tạo ra > 200.000 thoa trùng.
Hình 2. Chu trình phát triển Plasmodium bên trong muỗi [9]
1.2.3. Lan truyền biệt hóa (Cyclodevelopmental)
Trong lan truyền biệt hóa tác nhân gây bệnh chỉ biến đổi từ giai đoạn này sang gai đoạn khác mà không tăng sinh. ví dụ, giun chỉ bạch huyết, khi phôi giun chỉ bị muỗi nuốt kết quả phôi giun chỉ phát triển đến ấu trùng giai đoạn 3. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, số lượng ấu trùng giai đoạn 3 ở muỗi thấp hơn so với giai đoạn phôi giun chỉ mới nuốt vào lúc muỗi đốt máu người bệnh.
Hình 3. Chu trình phát triển của giun chỉ ở muỗi [10]
1.2.4. Lan truyền trực tiếp và lan truyền dọc
Một số vi rút và Rickettsia được truyền từ động vật chân đốt cái cho thế hệ sau qua trứng. Nếu mầm bệnh thực sự nhiễm vào trứng đang phát triển, điều này được gọi là "lan truyền trans-ovarial”. Tuy nhiên, với một số arboviruses, chỉ cần ống dẫn trứng và vòi trứng của động vật chân đốt bị nhiễm, và trứng cũng bị nhiễm bệnh khi nó đi qua vòi trứng và được thụ tinh. Loại này khác so với lan truyền trans-ovarial và được gọi là “lan truyền dọc”. Trong cả hai trường hợp, các giai đoạn ấu trùng chân đốt mới nở bị nhiễm mầm bệnh, sau đó được lan truyền đến các giai đoạn phát triển tiếp theo của động vật chân đốt (giai đoạn này gọi là lan truyền trans-stadial).
Lan truyền qua giao phối (Veneral) đối với vi rút cũng đã được ghi nhận. Theo cách đó, muỗi đực bị nhiễm từ lan truyền trans-ovarial và lan truyền dọc có thể truyền vi rút cho con cái không bị nhiễm qua tinh dịch khi giao phối.
Cuối cùng là lan truyền chemo-tactic, kiểu lan truyền này thường thấy ở ve, muỗi. Chúng bị nhiễm arboviruses qua qua tuyến nước bọt từ vết đốt của những con bị nhiễm trước đó. Người ta đã chứng minh cho kiểu lan truyền này bằng cách cho những con ve, muỗi không bị nhiễm và nhiễm arbovirus cùng đốt máu một vật chủ không bị nhiễm arbovirus. Kết quả những con ve, muỗi không bị nhiễm cũng mang tác nhân gây bệnh, điều này chứng minh những con ve, muỗi không bị nhiễm đã đốt máu vật chủ đúng vào vị trí mà những con ve, muỗi bị nhiễm arbovirus đã đốt trước đó.
Những kiểu lan truyền này có vai trò dịch tễ quan trọng vì nó là sự lan truyền cơ bản cho người và các loài động vật khác và duy trì các tác nhân gây bệnh trong tự nhiên.
Hình 4. Hình A kiểu lan truyền Trans-ovarial; hình B kiểu lan truyền Trans-stadial [11]
1.3. Thời kỳ ủ bệnh bên ngoài
Trong tất cả các loại lan truyền sinh học, tác nhân gây bệnh cần có thời gian để phát triển bên trong các động vật chân đốt và để tiến tới giai đoạn mà nó có khả năng gây nhiễm và lan truyền. Các khoảng thời gian cần thiết cho điều này xảy ra, gọi là thời kỳ ủ bệnh bên ngoài, thường là 7 - l4 ngày, tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh, véc tơ, và các yếu tố môi trường khác nhau, bao gồm nhiệt độ. Với arboviruses, điều này có nghĩa là gây nhiễm và sinh sản xảy ra ở tuyến nước bọt; với ký sinh trùng sốt rét, các thoa trùng lây nhiễm phải đến tuyến nước bọt; và với giun chỉ bạch huyết, nó có nghĩa là ấu trùng phải phát triển đến giai đoạn 3 mới có khả năng gây nhiễm
1.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến lan truyền
Khả năng của các động vật chân đốt truyền một tác nhân gây bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố phức tạp. Sự thành công của lan truyền cơ học phụ thuộc vào mức độ tiếp xúc côn trùng với các động vật có xương sống và phương thức kiếm ăn. Ví dụ, ruồi nhà đã được chứng minh bằng thực nghiệm là một véc tơ truyền bệnh cơ học cho một số tác nhân gây bệnh đường ruột, chủ yếu là do ruồi chiếm một số lượng lớn, chúng sống và tiếp xúc thân mật với con người, và có thói quen xấu là ăn cả phân và thức ăn. Ruồi Tabanid là vectơ truyền bệnh cơ học của các vi rút, vi khuẩn và đơn bào vì chúng cũng thường đốt máu động vật. Một số ruồi cũng có thể truyền vi khuẩn gây bệnh ghẻ (Yaw) và các bệnh nhiệt đới khác từ vết thương hở.
Khả năng truyền mầm bệnh sinh học rất khác nhau giữa các loài động vật chân đốt, và ngay cả trong cùng một loài nếu chúng ở các vùng địa lý khác nhau. Biến đổi đáng kể về tính nhạy cảm để trở nên dễ bị nhiễm và sau đó lan truyền tác nhân gây bệnh đã được chứng minh ở một số véc tơ. Hầu hết việc chứng minh này thường được thực hiện với muỗi, và sự thay đổi về khả năng thích ứng của véc tơ với tất cả các tác nhân gây bệnh đã được ghi nhận (ví dụ: bệnh sốt rét, ấu trùng giun chỉ, và arboviruses). Như vậy, đối với một loài muỗi, ở mỗi vùng địa lý thường có véc tơ chính và véc tơ phụ. Bởi vì hiệu quả của các véc tơ (nghĩa là như thế nào thì chúng dễ bị nhiễm và như thế nào chúng cho phép các tác nhân gây bệnh phát triển) phụ thuộc vào yếu tố di truyền, khả năng này có thể thay đổi theo thời gian như là kết quả của việc chọn lọc tự nhiên.
Ngoài tính nhạy cảm bẩm sinh về bị nhiễm, khả năng truyền bệnh tổng thể của một loài véc tơ bị ảnh hưởng bởi đặc điểm sinh học và các đặc điểm hành vi khác của quần thể chân đốt. Mức độ tiếp xúc các loài chân đốt với con người hoặc động vật bị ảnh hưởng bởi các tập tính, bản chất đốt máu và nghỉ ngơi của các véc tơ, và mật độ dân số của véc tơ, con người và động vật. Tuổi thọ, tập tính nghỉ ngơi, tập tính bay, và tập tính nơi đẻ của các quần thể véc tơ là những yếu tố nội tại quan trọng mà bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường bên ngoài, chẳng hạn như nhiệt độ, độ ẩm, gió và lượng mưa.
Các yếu tố bên ngoài khác có thể ảnh hưởng đến từng cá thể chân đốt bị nhiễm với tác nhân gây bệnh. Ví dụ, muỗi tiêu hóa máu động vật có chứa cả ấu trùng giun chỉ và arboviruses nhất định có tỷ lệ lây nhiễm vi rút cao hơn vì vi rút được tạo điều kiện thuận lợi hơn khi ấu trùng giun chỉ thoát ra từ ruột vào khoan máu. Các yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng đến hiện tượng này là ruột bị rò rỉ và do đó nhạy cảm với với việc nhiễm tác nhân gây bệnh. Cuối cùng, nhiễm tác nhân gây bệnh của các véc tơ động vật chân đốt có thể bị ảnh hưởng bởi các chủng ký sinh trùng. Điều này đặc biệt quan trọng với các arboviruses.
Bởi vì động vật chân đốt là máu lạnh, lan truyền bệnh ở các vùng ôn đới theo mùa và thường chỉ xảy ra trong những tháng ấm hơn; ngưng truyền có thể tương quan với nhiệt độ và thời gian trong ngày, đây cũng chính là các yếu tố quyết định thời kỳ đình dục và ngủ đông trong quần thể véc tơ. Ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, lan truyền thường xảy ra quanh năm, nhưng lan truyền cao theo mùa nhất là vào mùa mưa.
2. Các nhóm động vật chân đốt có vai trò y học và các bệnh do chân đốt y học truyền [1]
Bảng 1. Phân loại những nhóm động vật chân đốt lan truyền bệnh cho người và động vật
Bộ | Họ | Giống có vai trò y học |
Lớp côn trùng | ||
Bộ Bọ chét (Siphonaptera) | Pulicidae | Pulex Xenopsylla Ctenocephalides |
Ceratophyllidae | Nosopsyllus Diamanus | |
Leptopsyllidae | Leptopsylla | |
Bộ Chí rận (Anoplura) | Pediculidae | Pediculus |
Bộ Rệp (Hemiptera) | Cimicidae | Cimex |
Reduviidae | Triatoma Rhodnius Panstrongylus | |
Bộ Hai cánh (Diptera) | Ceratopogonidae | Culicoides |
Psychodidae | Phlebotomus Lutzomyia Sergentomyia | |
Simuliidae | Simulium Prosimulium Austrosimulium | |
Culicidae | Aedes Anopheles Culex Mansonia Haemagogus Psorophora Sabethes | |
Tabanidae | Tabanus Chrysops | |
Glossinidae | Glossina | |
Muscidae | Musca Fannia Muscina | |
Chloropidae | Hippelates Siphunculina | |
Calliphoridae | Calliphora Lucilia Phaenicia Phormia Chrysomya Cochliomyia | |
Sarcophagidae | Sarcophaga | |
Bộ Cánh màng (Dictyoptera) | Blattidae | Blatta Periplaneta Blattella |
Lớp hình Nhện | ||
Bộ Parasitiformes | Ixodidae | Ixodes Amblyomma Haemaphysalis Hyalomma Dermacentor Rhipicephalus Boophilus |
Argasidae | Argas Ornithodoros Otobius | |
Liên bộ Mesostigmata | Dermanyssidae | Liponyssus Dermanyssus Ornithonyssus Pneumonyssus |
Bộ Acariformes | Trombiculidae | |
Liên bộ Prostigmata | Leptotrombidium |
Bảng 2. Véc tơ truyền bệnh cho người và động vật
Tác nhân gây bệnh | Bệnh | Vật chủ | Vùng phân bố | Véc tơ truyền |
Vi rút | ||||
Togaviridae | Chikungunya | Động vật linh trưởng, người | Châu Phi, châu Á | Muỗi |
Sốt sông Ross | Thú có túi, người | Úc, Nam Thái Bình Dương | Muỗi | |
Mayaro | Chim | Nam Mỹ | Muỗi | |
Sốt Onyong-nyong | không biết | Châu Phi | Muỗi | |
Sốt Sindbis | Chim | Châu Á, châu Phi, Úc, châu Âu, châu Mỹ | Muỗi | |
Viêm não ngựa phương Đông | Chim | Châu Mỹ | Muỗi | |
Viêm não ngựa phương Tây | Chim, Thỏ | Châu Mỹ | Muỗi | |
Viêm não ngựa Venezuelan | Động vật gậm nhấm | Châu Mỹ | Muỗi | |
Bệnh rừng Barmah | không biết | Châu Mỹ | Muỗi | |
Flaviviridae | Sốt xuất huyết (týp huyết thanh 1-4) | Động vật linh trưởng, con người | Trên toàn thế giới trong vùng nhiệt đới | Muỗi |
Sốt vàng | Động vật linh trưởng, con người | Châu Phi, Nam Mỹ | Muỗi | |
Bệnh rừng Kyasanur | Động vật linh trưởng, các loài gặm nhấm, lạc đà | Ấn Độ, Ả Rập Saudi | Ve | |
Sốt xuất huyết Omsk | Động vật gặm nhấm | Châu Á | Ve | |
Viêm não Nhật Bản | Chim | Châu Á | Muỗi | |
Viêm não Murray Valley | Chim | Úc | Muỗi | |
Rocio | Chim | Nam Mỹ | Muỗi | |
Viêm não St. Louis | Chim | Châu Mỹ | Muỗi | |
Viêm não Tây sông Nile | Chim | Châu Á, Châu Phi, Bắc Mỹ, Châu Âu | Muỗi | |
Viêm não do ve truyền | Động vật gặm nhấm | Châu Âu, Châu Á | Ve | |
Bunyaviridae | ||||
Sốt ruồi cát | Không biết | Châu Âu, Châu Phi, Châu Á | Ruồi cát | |
Rift Valley fever sốt Rift Valley | Không biết | Châu Phi | Muỗi | |
Viêm não La Crosse | Động vật gặm nhấm | Bắc Mỹ | Muỗi | |
Viêm não California | Động vật gặm nhấm | Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á | Muỗi | |
Sốt xuất huyết Crimean-Congo | Động vật gặm nhấm, cừu | Châu Âu, Châu Á, Châu Phi | Ve | |
Sốt Oropouche | Không biết | Trung và Nam Mỹ | Muỗi vằn, muỗi | |
Rhabdoviridae | ||||
Vi rút gây viêm miệng mụn nước | Bệnh viêm miệng mụn nước | Trâu bò, ngựa, lợn | Toàn cầu | Ruồi Phlebotomus, muỗi |
Orbiviridae | ||||
Vi rút Bluetongue | Bệnh Bluetongue | Trâu bò, ngựa, lợn | Toàn cầu | Ruồi Culicoides |
Vi khuẩn | ||||
Yersinia pestis | Bệnh dịch hạch | Động vật gặm nhấm | Toàn cầu | Bọ chét |
Francisella tularensis | Tularaemia | Thỏ, Động vật gặm nhấm | Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á | Ve, ruồi tabanid |
Rickettsia | Sốt Q | Động vật móng guốc | Toàn cầu | Ve |
Rickettsia rickettsii | Sốt phát ban núi Rocky | Thỏ, Động vật gặm nhấm, chó | Tây bán cầu | Ve |
Rickettsia typhi | sốt phát ban chuột | Chuột | Toàn cầu | Ve |
Rickettsia conori | Sốt Boutonneuse | Chó, động vật gặm nhấm | Châu Âu, Châu Phi | Ve |
Rickettsia australis | Sốt phát ban ve Queensland | Động vật gặm nhấm | Úc | Ve |
Rickettsia siberica | Sốt phát ban ve Siberian | Động vật gặm nhấm | Châu Á | Ve |
Orientia tsutsugamushi | Sốt mò | Động vật gặm nhấm | Châu Á, Úc | Mò |
Borrelia species | Sốt Relapsing | Động vật gặm nhấm | Toàn cầu | Ve và chí rận |
Borrelia burgdorferi | Bệnh Lyme | Động vật gặm nhấm | Bắc Mỹ, Châu Âu | Ve |
Đơn bào | ||||
Plasmodium spp. | Sốt rét | Động vật linh trưởng, con người | Toàn cầu | Muỗi Anopheline |
Trypanosoma rhodesiense | Bệnh Trypanosomia châu Phi | động vật móng guốc | Châu Phi | Ruồi Glossina |
Trypanosoma gambiense | Lợn, động vật móng guốc | Châu Phi | Ruồi Glossina | |
Trypanosoma brucei | Nagana | Ungulates | Châu Phi | Ruồi Glossina |
Trypanosoma cruzi | Bệnh Chagas | Chó, mèo, thú có túi ôpôt | Tây bán cầu | Bọ xít |
Leishmania spp. | Bệnh Leishmania | Chó, động vật gặm nhấm | Châu Á, Châu Phi, Châu Âu, Trung và Nam Mỹ | Ruồi Phlebotomus |
Babesia spp. | Piroplasmosis | động vật móng guốc | Toàn cầu | Ve |
Giun chỉ | ||||
Wuchereria bancrofti | Bancroftian filariasis | Người | Toàn cầu | Muỗi |
Brugia malayi | Brugian filariasis | Người, động vật linh trưởng | Châu Á | Muỗi |
3. Các nghiên cứu về tác nhân gây bênh trên chân đốt y học
Nghiên cứu đánh giá tình trạng nhiễm rickettsia ở ve Amplyomma spp. thu thập ở trang trại Coronel Pacheco, một vùng dịch tễ sốt phát ban ở Brazil. Tổng cộng thu thập được 2 loài Amplyomma spp. trưởng thành với 78 con A. cajennense và 78 A. dubitatum sống tự do và sử dụng kỹ thuật PCR để xác định gien gltA, ompA và ompB của rickettsia. Tất cả các phản ứng thu được các ban tương ứng sẽ tiến hành giải trình tự, kết quả cho thấy 100% các trình tự tương ứng với gien của Rickettsia, các đoạn gltA (1063 bp), OMPA (457 bp), và ompB (720 bp). Tỷ lệ nhiễm R. Rickettii của ve A. cajennense là 1,28% (1/78 ve). Ngiên cứu đã cho thấy bằng chứng phân tử về sự hiện diện của R. rickettsii trong A. cajennense tại vùng dịch tễ sốt phát ban Brazil ở Coronel Pacheco, bang Minas Gerais. Trước đó cũng đã có nhiều báo cáo khoa học về sự hiện diện của R. rickettsii ở ve A. cajennense tại Brazil và các nước Mỹ Latinh khác. (Elizângela Guedes, 2005) [2]
Nghiên cứu điều tra sốt Q được tiến hành ở vùng nông thôn Senegal. mẫu bệnh phẩm thu thập ở người bao gồm huyết thanh, nước bọt, sữa mẹ, phân được thu thập ở những người sống ở hai ngôi làng của vùng Sine-Saloum. Ve được thu thập trong bốn khu vực. Mẫu huyết thanh ở người sử dụng kỹ thuật miễn dịch huỳnh quang để phát hiện nhiễm với C. burnetti, và tất cả các mẫu khác sử dụng kỹ thuật qPCR để phát hiện C. burnetii. Những mẫu dương tính sẽ được khuyếch đại và giải trình tự. Chứng dương C. buretii được lấy từ việc nuôi cấy tế bào. Kết quả cho thấy rằng tỷ lệ huyết thanh dương tính cao chiếm 24,5% (59/238 mẫu) ở làng Dielmo. Nghiên cứu đã xác định được C. burnetii bài tiết qua phân và sửa của con người. ve cứng và mềm (8 loài) dương tính với C. burnetti chiếm tỉ lệ 0-37,6%. (Oleg Mediannikov. 2010) [6]
Sử dụng phương pháp hồi cứu số liệu từ các nghiên cứu liên quan để đánh giá về thành phần loài và tình trạng nhiễm Rickettsia ở tất cả các nước ở châu Mỹ Latinh, các đảo Caribbean, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Nghiên cứu tập trung xem xét các số liệu báo cáo về rickettsia được ghi nhận ở người, động vật và véc tơ ký sinh động vật (ví dụ, ve, rận, bọ chét). Trong một vài trường hợp, khi không phát hiện trực tiếp được giống hay loài Rickettsia ở một nước, phương pháp huyết thanh đã được xem xét thực hiện. Tổng cộng có 13 loài Rickettsia đã được ghi nhận ở châu Mỹ Latinh và vùng Caribê. Các loài phân bố ở nhiều nước nhất là Rickettsia felis (9 nước), R. prowazekii (7 nước), R. typhi (6 nước), R. rickettsii (6 nước), R. amblyommii (5 nước), và R. parkeri (4 nước). R. bellii, R. akari, và R. andeane được ghi nhận hiện diện ở 2 quốc gia, trong khi R. massiliae, R. rhipicephali, R.monteiroi, và R. africae chỉ hiện diện ở một quốc gia duy nhất (Trong đó, R. africae xuất hiện ở 9 đảo thuộc vùng Caribê ). Đối với El Salvador, Honduras và Nicaragua, không có loài Rickettsia đặc trưng được báo cáo cho đến nay, nhưng đã có bằng chứng huyết thanh của bệnh nhân hoặc/và động vật. Các quốc gia sau không có ghi nhận về bất kỳ loài rickettsia nào: Belize, Venezuela, Guyana, Surinam, và Paraguay. Ngoài ra, ngoại trừ một vài hòn đảo, các đảo thuộc vùng Caribê vẫn không có ghi nhận rickettsia. Tổng cộng có 12 loài Rickettsia đã được báo cáo ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha: R. conorii, R. helvetica, R. monacensis, R. felis, R. slovaca, R. raoultii, R. sibirica, R. aeschlimannii, R. Rioja, R. massiliae, R. typhi, và R. prowazekii. Trong số những loài Rickettsia báo cáo ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, chỉ R. prowazekii, R. typhi, R. felis, và R. massiliae cũng đã được báo cáo ở Mỹ Latinh. (Marcelo B. Labruna, 2011) [4]
Nhím Hedgehogs đã trở thành một con vật cưng phổ biến mặc dù nhím này có nhiều nguy cơ mang nhiều tác nhân gây bệnh truyền cho người. Nghiên cứu tiến hành điều tra côn trùng ở một vùng núi phía Đông Bắc Algeria, đã thu thập được 387 bọ chét (Archeopsylla erinacei) và 342 Ve (Rhipicephalus sanguineus và Haemaphysalis erinacei) từ nhím Paraechinus aethiopicus và Atelerix algirus. Tỷ lệ nhím có bọ chét là 77,7% và 91% là ve. Tác nhân gây bệnh Rickettsia felis được phát hiện ở bọ chét là 95,5% và R. massiliae ở ve là 6,25% bằng kỹ thuật sinh học phân tử. Một loài Rickettsia mới gây sốt phát ban được phát hiện ở ve Rh. sanguineus chiếm 11,25% và 77% ve H. erinacei. (Mourad Khaldi, 2012) [5]
Nghiên cứu tiến hành điều tra các loài chân đốt y học tại các điểm nghiên cứu ở Lào và Borneo, Malaysia, các nhóm chân đốt được điều tra là bọ chét, ve, chấy rận ký sinh trên chó nhà và thu thập thêm các mẫu ký sinh trên bò và lợn. Tác nhân gây bệnh Rickettsiafelis được phát hiện bằng kỹ thuật real-time PCR, kết quả cho thấy tỷ lệ nhiễm tác nhân gây bệnh này của bọ chét ở Lào (76,6%, 69/90) và Borneo (74,4%, 268/360). Bọ chét bị nhiễm R. felis gặp ở 2 loài Ctenocephalides orientis và Ctenocephalides felis felis. Mức độ tương đồng giữa các gien gltA và ompA ở các loài rickettsia ở hai loài ve Boophilus spp. ký sinh trên bò tại Lào có thể là loài mới. Cần phải phân lập và xác định các đặc trưng khác để khẳng định đây là loài rickettsia mới. Bartonella clarridgeiae cũng được phát hiện ở 3/90 (3,3%) và 2/360 (0,6%) bọ chét tại Lào và Borneo. Hai bọ chét thu thập tại Lào và một ở Borneo cùng mang hai tác nhân gây bệnh là R. felis và B. clarridgeiae. (TaharKernif, 2012) [7]
Sử dụng kỹ thuật real-time PCR, kỹ thuật PCR và giải trình tự chuẩn để xác định sự hiện diện của các tác nhân gây bệnh là Bartonella spp, Rickettsia spp, Borrelia spp.. và Coxiella burnetii trên 268/1626 ve, 136 bọ chét, 11 ruồi Nycteribiidae và 16 lá lách của động vật hoan dại/vật nuôi ở vùng El Tarf và Souk Ahras. Kết quả: Trong thời gian đầu tiên ở Algeria, Bartonella tamiae đã được phát hiện ở 12/19 (63,2%) ve Ixodes vespertilionis, 8/11 (72,7%) ruồi Nycteribiidae spp. và 6/10 (60%) lách dơi (Chiroptera spp.). DNA từ Coxiella burnetii, tác nhân gây sốt Q, cũng đã được xác định trong 3/19 (15,8%) ve I. Vespertilionis ký sinh ở dơi. Rickettsia slovaca, tác nhân gây bệnh hạch bạch huyết do ve truyền, được phát hiện 1/1 (100%) ve Haemaphysalis punctata và 2/3 (66,7%) ve Dermacentor marginatus ký sinh ở hai lợn loài (Sus scrofa algira). Ri.massiliae, tác nhân gây sốt phát ban, được phát hiện ở 38/94 (40,4%) ve Rhipicephalus sanguineus sensu lato ký sinh gia súc, cừu, chó, lợn và chó rừng. DNA của Ri. aeschlimannii đã được phát hiện trong 6/20 (30%) ve Hyalomma anatolicum excavatum và 6/20 (30%) ve Hy. scupense ký sinh gia súc. Cuối cùng, Ri. felis, một mầm bệnh Rickettsia mới nổi, đã được phát hiện ở 80/110 (72,7%) bọ chét Archaeopsylla erinacei và 2/2 (100%) bọ chét Ctenocephalides felis của nhím (Atelerix algirus). (Leulmi et al, 2016) [3]
Tầm quan trọng [1]
Nói chung, động vật chân đốt chịu trách nhiệm cho hàng trăm triệu trường hợp mắc bệnh ở người và động vật mỗi năm. Trong 30 năm qua, đã có một sự tái xuất hiện toàn cầu của bệnh truyền nhiễm ở người và động vật trong các bệnh nói chung và bệnh do véc tơ truyền. Đặc biệt, với một sự gia tăng tần số của dịch bệnh và phân bố địa lý ngày càng mở rộng. Một vấn đề lớn là hầu hết các bệnh do véc tơ truyền quan trọng thường xảy ra ở các vùng nhiệt đới, nhất là ở các nước mà nguồn nhân lực chuyên môn còn hạn chế và sự giám sát còn thiếu. Tuy nhiên, thế giới ngày càng thu hẹp lại, do sự gia tăng đi lại của người và động vật qua hoạt động thương mại và du lịch đã làm cho các bệnh này không còn là bệnh của các nước thuộc khu vực nhiệt đới; hiện tại các bệnh này là vấn đề của cộng đồng thế giới có thể nó tạo ra một vấn đề sức khỏe to lớn nhất và mối đe dọa cho an ninh kinh tế hiện nay. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết cho các bác sĩ và bác sĩ thú y ở những vùng không có lan truyền bệnh nhận thức được các bệnh do véc tơ truyền và có kiến thức về chúng để khi chúng xuất hiện và nhận biết, xử lý chúng như thế nào
CN. Trần Nguyên Hùng, ThS. Đoàn Bình Minh
Tài liệu tham khảo:
Internet:
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN SỐT RÉT - KÝ SINH TRÙNG - CÔN TRÙNG - TP. HỒ CHÍ MINH
Số 685 Trần Hưng Đạo - Phường 1 - Quận 5 - TP. Hồ Chí Minh | www.impehcm.org.vn
Điện thoại: 84-028-3923.7117 / 3923.9940 / 3923.7422 / 3923.8091 / 3923.9946 - Fax: 84-8-3923.6734
Giấy phép số 125/GP-BC (9/4/2007)